Hương Mỹ là một trong những địa phương nằm trong lưu vực sông Tích, sông Bùi, có rất nhiều khu vực trũng thấp so với mặt sông, có chỗ thấp hơn gần 8m, dẫn đến cứ mưa là ngập úng. Ðáng chú ý, những năm gần đây, nước sông Bùi, sông Tích nhiều lần dâng cao, gây tràn hoặc vỡ đê khiến các xã: Nam Phương Tiến, Tốt Ðộng, Thủy Xuân Tiên… ngập lụt kéo dài, trở thành "rốn lũ" của thành phố.
Cụ thể, năm 2008, đê sông Bùi vỡ hai điểm, nước tràn vào khu dân cư, gây ngập lụt gần hai tháng. Tháng 10/2023, đê sông Bùi lại vỡ sau đợt mưa lớn khiến nhiều khu vực huyện Chương Mỹ, trong đó có xã Nam Phương Tiến ngập sâu. Ðến cuối tháng 7 và gần đây nhất là đầu tháng 9/2024, tình trạng ngập lụt kéo dài lại diễn ra tại nhiều xã của huyện Chương Mỹ.
Theo đại diện Ủy ban nhân dân huyện Chương Mỹ, hai đợt mưa lũ vừa xảy ra làm người dân các xã vùng ven sông Bùi như: Nam Phương Tiến, Tân Tiến, Hoàng Văn Thụ, Thủy Xuân Tiên… rơi vào cảnh ngập lụt kéo dài. Lượng mưa lớn trên diện rộng và ảnh hưởng của lũ rừng ngang từ huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình đổ về, khiến mực nước sông Bùi lên cao trong thời gian ngắn và gây ngập lụt dài ngày.
Ðại diện Ủy ban nhân dân huyện Chương Mỹ cho biết, sông Bùi chảy từ Hòa Bình về qua huyện Chương Mỹ, cùng với sông Tích hợp lưu vào sông Ðáy tại xã Phúc Lâm, huyện Mỹ Ðức, tạo thành lưu vực lớn, trong đó diện tích lưu vực sông Bùi hơn 1.240 km2. Chính vì vậy, chỉ cần nước sông dâng cao là cả vùng trũng thấp rộng lớn sẽ bị ngập sâu trong nước.
Ðại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội cho biết, không chỉ có huyện Chương Mỹ, sông Tích, sông Bùi còn ảnh hưởng trực tiếp, gây ngập lụt thường xuyên nhiều xã của các huyện: Quốc Oai, Thạch Thất, Ba Vì, Mỹ Ðức…
Ðể khắc phục tình trạng ngập lụt, nhất là lũ rừng ngang, các nhà khoa học của Viện Khoa học thủy lợi Việt Nam, Viện Quy hoạch thủy lợi đã nghiên cứu, đưa ra giải pháp trước mắt là xây dựng đê bao chắn lũ và cải tạo hệ sông suối thoát lũ; nâng cao đê chống lũ rừng ngang… Hiện nay, thành phố đang triển khai giải pháp xây kè hai bên bờ sông Tích khu vực huyện Ba Vì.
Về lâu dài, thành phố sẽ báo cáo Chính phủ, nghiên cứu giải pháp bố trí lại dân cư khu vực lưu vực hai sông Tích, sông Bùi; quan tâm đầu tư thích đáng để nâng cấp hệ thống đê điều bảo đảm tiêu chí thiết kế theo quy hoạch. Thành phố cũng sẽ nghiên cứu chọn phương án thoát lũ rừng ngang và xây dựng củng cố đê dọc hai bên bờ trục tiêu; thực hiện nạo vét, giải tỏa những vật cản tiêu thoát lũ, phòng tránh sạt lở; xây dựng hệ thống quan trắc cảnh báo lũ sớm...
Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Nguyễn Ðình Hoa, các khó khăn, vướng mắc liên quan phòng chống lũ khu vực sông Tích, sông Bùi đã được thành phố cập nhật, báo cáo với Chính phủ. Các quy hoạch phòng chống lụt bão thành phố Hà Nội sẽ được tích hợp trong quy hoạch vùng huyện đến năm 2030, tầm nhìn 2050; quy hoạch Thủ đô đến năm 2045, tầm nhìn tới năm 2065. Thành phố đang trình cấp có thẩm quyền về các quy hoạch Thủ đô, có phần tích hợp các phương án chi tiết phòng chống lũ của các tuyến sông trên địa bàn để có cơ sở triển khai giai đoạn tới. Các quy hoạch được phê duyệt là cơ sở để thành phố Hà Nội đầu tư, xây dựng các phương án phòng chống lũ, hạn chế đến mức thấp nhất ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất của người dân.