Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, tháo gỡ vướng mắc, khơi thông nguồn lực phát triển

Ngày 14/9, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 9/2024 nhằm tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, khắc phục hạn chế, tháo gỡ vướng mắc, khơi thông mọi nguồn lực cho phát triển.
0:00 / 0:00
0:00
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 9/2024 (Ảnh: Trần Hải).
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 9/2024 (Ảnh: Trần Hải).

Trước khi vào Phiên họp, trước tình trạng mưa bão, sạt lở, ngập lụt gây hậu quả nghiêm trọng về người và tài sản, Chính phủ dành một phút mặc niệm tưởng nhớ các nạn nhân bị thiệt mạng do bão lũ gây ra.

Mở đầu phiên họp, Thủ tướng Chính phủ cho biết, bão số 3 (Yagi) với cường độ đặc biệt lớn đổ bộ trực tiếp vào nước ta và hoàn lưu sau bão gây mưa lớn kéo dài trên diện rộng, gây lũ lụt tại nhiều địa phương khu vực phía bắc gây những thiệt hại rất lớn cả về tính mạng và tài sản; ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và đời sống của người dân.

Trong những ngày qua, cả hệ thống chính trị, các tầng lớp nhân dân, nhất là các lực lượng vũ trang tại các tỉnh, thành đã dồn sức, chung tay hỗ trợ người dân ở khu vực bị ảnh hưởng. Trong cơn hoạn nạn, tinh thần đoàn kết, "tương thân, tương ái", "lá lành đùm lá rách", tình yêu thương đồng bào, bản lĩnh sức mạnh của dân tộc đã góp phần giảm thiểu thiệt hại của cơn bão.

Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, tháo gỡ vướng mắc, khơi thông nguồn lực phát triển ảnh 1

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu ý kiến tại phiên họp (Ảnh: TRẦN HẢI)

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thấu hiểu và chia buồn sâu sắc đến gia đình các nạn nhân, nhất là những người có thân nhân mất, hy sinh trong bão lũ; ghi nhận, đánh giá cao, biểu dương những nỗ lực, cố gắng của cấp ủy, chính quyền các cấp, lực lượng vũ trang và nhân dân cả nước, trong đó có rất nhiều nghĩa cử cao đẹp thể hiện sâu sắc "tình dân tộc, nghĩa đồng bào".

Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, tháo gỡ vướng mắc, khơi thông nguồn lực phát triển ảnh 2

Quang cảnh phiên họp (Ảnh: TRẦN HẢI).

Thủ tướng Chính phủ đề nghị các thành viên Chính phủ "mỗi người làm việc bằng hai", tiếp tục thực hiện tốt các chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư; Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và 8 Công điện của Thủ tướng Chính phủ về ứng phó, khắc phục hậu quả bão số 3, mưa lũ, sạt lở, ngập lụt nhằm khẩn trương ổn định đời sống và sản xuất, nhất là tạo công ăn, việc làm, tạo sinh kế, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, thực hiện hiệu quả các mục tiêu phát triển-xã hội đã đề ra.

Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, tháo gỡ vướng mắc, khơi thông nguồn lực phát triển ảnh 3

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình phát biểu ý kiến tại phiên họp (Ảnh: TRẦN HẢI).

Cùng với tinh thần đó, Thủ tướng yêu cầu ngay trong Phiên họp xây dựng pháp luật này, các thành viên Chính phủ thể hiện tinh thần, trách nhiệm, trí tuệ, thảo luận đóng góp ý kiến để hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, khắc phục hạn chế, tháo gỡ vướng mắc, khơi thông nguồn lực cho phát triển.

Thủ tướng chỉ rõ, xây dựng, hoàn thiện thể chế là đột phá của đột phá; là động lực, nguồn lực cho phát triển. Trong đó, việc kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nút thắt về thể chế, khơi dậy mọi tiềm năng và khơi thông mọi nguồn lực để phát triển kinh tế-xã hội, là ưu tiên hàng đầu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành.

Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, tháo gỡ vướng mắc, khơi thông nguồn lực phát triển ảnh 4

Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu ý kiến tại phiên họp (Ảnh: TRẦN HẢI).

Phiên họp chuyên đề về xây pháp luật tháng 9 cũng là phiên họp thứ 9 của năm 2024 nhằm xem xét, cho ý kiến, thông qua đối với 05 đề nghị, dự án Luật (gồm: Dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi); Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu; Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế, Luật Dự trữ quốc gia; đề nghị xây dựng Luật Báo chí (sửa đổi) và đề nghị xây dựng Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi). Thủ tướng cho rằng, việc sửa đổi, bổ sung 05 Luật này là rất cần thiết.

Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, tháo gỡ vướng mắc, khơi thông nguồn lực phát triển ảnh 5

Các thành viên Chính phủ tham dự phiên họp (Ảnh: TRẦN HẢI).

Trong đó, việc sửa đổi, bổ sung một số luật trong lĩnh vực kế hoạch đầu tư và tài chính nhằm xử lý ngay các bất cập, vướng mắc pháp lý phát sinh trong thực tiễn, cản trở sự phát triển, qua đó khơi thông nguồn lực, thúc đẩy tăng trưởng.

Việc sửa đổi Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật giúp thay đổi tư duy, cách nghĩ, cách làm trong xây dựng pháp luật, đơn giản hóa cách làm, tăng cường phân cấp, phân quyền, đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng công tác xây dựng pháp luật. Việc sửa đổi Luật Báo chí nhằm xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại.

Thời gian Phiên họp có hạn, yêu cầu cao, phạm vi rộng, nội dung khó, phức tạp, Thủ tướng yêu cầu các thành viên Chính phủ tập trung trí tuệ, tiếp tục tinh thần đổi mới; trình bày báo cáo, phát biểu ý kiến ngắn gọn, rõ ý, đi thẳng vào vấn đề; tập trung trao đổi về các vấn đề quan trọng, còn ý kiến khác nhau cần thảo luận, xin ý kiến Chính phủ; bảo đảm tiến độ, chất lượng của Phiên họp.

Trong buổi sáng, Chính phủ cho ý kiến về hai dự án luật do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì xây dựng gồm: Dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi) và Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật PPP và Luật Đấu thầu.

Nhấn mạnh một số nguyên tắc, yêu cầu xây dựng các luật này, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu rà soát, bám sát các chủ trương mới trong các nghị quyết, kết luận của Đảng để cụ thể hóa; đặt lợi ích quốc gia dân tộc lên trên hết, trước hết; cái gì hiệu quả nhất, tốt nhất cho đất nước thì làm, cái gì tốt thì kế thừa, cái gì chưa tốt thì sửa đổi, luôn đổi mới, cái gì thấy đúng thì cương quyết làm; trường hợp quy định khác các luật hiện hành thì phải xác định rõ nguyên tắc áp dụng pháp luật, bảo đảm thống nhất trong quá trình thi hành.

Buổi chiều, Chính phủ thảo luận, cho ý kiến về dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều thuộc phạm vi quản lý Nhà nước của Bộ Tài chính và hai đề nghị xây dựng luật.

Về nguyên tắc, yêu cầu xây dựng Luật, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu tập trung xử lý triệt để những vướng mắc, điểm nghẽn trong thực tiễn, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, khuyến khích, huy động có hiệu quả các nguồn lực của Nhà nước và xã hội, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy sự phát triển trong bối cảnh mới.

Về nội dung sửa đổi Luật Ngân sách nhà nước, sửa đổi, bổ sung Luật Quản lý thuế, Thủ tướng nhấn mạnh định hướng tăng thu, mở rộng cơ sở thu, thu đúng, thu đủ, thu kịp thời; chi hiệu quả, giảm chi thường xuyên, tập trung cho đầu tư phát triển, tốc độ tăng chi cho đầu tư phát triển phải tăng cao hơn tốc độ tăng chi thường xuyên; bảo đảm linh hoạt trong sử dụng ngân sách nhà nước; đẩy mạnh thu thuế với thương mại điện tử, hoàn thuế nhanh…

Về nội dung sửa đổi Luật Chứng khoán, Bộ Tài chính rà soát kỹ các quy định để tạo thị trường giao dịch thuận lợi, cơ quan nhà nước quản lý hiệu quả. Đối với Luật Kế toán, Bộ Tài chính cần thận trọng làm rõ các nguyên tắc áp dụng chuẩn mực kế toán để thuận lợi cho cả doanh nghiệp và cơ quan quản lý.

Về nội dung sửa đổi Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, cần tháo gỡ nút thắt pháp lý để đẩy mạnh hợp tác công tư, tăng cường các hình thức "đầu tư công, quản lý tư" như với sân vận động, bảo tàng, nhà khách…, "đầu tư tư, sử dụng công" như với các công sở…, "lãnh đạo công, quản trị tư" với các khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao… Về nội dung sửa đổi Luật Dự trữ Quốc gia, cần bảo đảm dự trữ phù hợp, linh hoạt, thuận tiện, kịp thời trong quá trình thực hiện xuất cấp dự trữ đối với các tình huống khẩn cấp.

Về đề nghị xây dựng Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi) do Bộ Tư pháp chủ trì xây dựng, bên cạnh các nguyên tắc, yêu cầu chung, Thủ tướng lưu ý một số nội dung trong quá trình xây dựng luật này, theo đó cần thể chế hóa kịp thời, đầy đủ đường lối, chủ trương của Đảng về công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật.

Về đề nghị xây dựng Luật Báo chí (sửa đổi) do Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì xây dựng, Thủ tướng nhấn mạnh cần bám sát và thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng về quản lý và phát triển hoạt động báo chí; sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật Báo chí hiện hành nhằm khắc phục vướng mắc, bất cập, bảo đảm phù hợp thực tiễn; thúc đẩy sự phát triển lĩnh vực báo chí phù hợp với tình hình thực tiễn, xu hướng chuyển đổi số báo chí và giữ vững bản chất, phát huy vai trò báo chí cách mạng; hoàn thiện các cơ quan báo chí chuyên nghiệp, hiện đại, giữ vai trò dẫn dắt, định hướng dư luận xã hội…

Kết luận chung phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá sau một ngày làm việc khẩn trương, sôi nổi với tinh thần trách nhiệm cao, Chính phủ đã hoàn thành 5 nội dung quan trọng; đánh giá cao Bộ Tư pháp và các Bộ chủ trì đã nỗ lực, tích cực chuẩn bị, trình các nội dung; đề nghị các đồng chí Bộ trưởng chỉ đạo tiếp thu nghiêm túc, đầy đủ ý kiến hợp lý của các thành viên Chính phủ và các đại biểu, hoàn thiện các đề nghị, dự án luật theo quy định, bảo đảm tiến độ, nâng cao chất lượng; các Phó Thủ tướng được phân công theo lĩnh vực phụ trách quan tâm, trực tiếp chỉ đạo việc hoàn thiện 5 nội dung quan trọng nêu trên.

Về một số nhiệm vụ trọng tâm về công tác thể chế thời gian tới, Thủ tướng cho biết khối lượng công việc rất lớn do đòi hỏi của thực tiễn trong khi phải dành thời gian, công sức cho nhiều nhiệm vụ quan trọng khác. Tại kỳ họp thứ tám, Chính phủ dự kiến trình Quốc hội thông qua 15 dự án luật, trình Quốc hội cho ý kiến 10 dự án luật. Thủ tướng yêu cầu tiếp tục phát huy tinh thần vì nhân dân phục vụ, càng làm càng tốt hơn, xứng đáng với sự tin tưởng, mong đợi của Đảng, Nhà nước, nhân dân; đề nghị các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ ưu tiên thời gian, tập trung nguồn lực cao nhất, trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo hoàn thiện các dự án luật để trình Quốc hội theo đúng quy định; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Quốc hội, tạo sự đồng thuận trong quá trình thẩm tra, giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật theo ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đại biểu Quốc hội; tiếp tục lấy ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà hoạt động thực tiễn, đối tượng tác động.

Lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, chủ thể, mọi chính sách phải hướng tới người dân và doanh nghiệp.

Thủ tướng Phạm Minh Chính

Thủ tướng cho rằng, quá trình xây dựng, hoàn thiện các dự án Luật phải tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác xây dựng pháp luật; đổi mới tư duy xây dựng pháp luật, theo hướng vừa quản lý chặt chẽ, vừa kiến tạo phát triển, huy động được các nguồn lực, tạo không gian phát triển mới cho đất nước trong giai đoạn mới. Xây dựng pháp luật phải xuất phát từ thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, bám sát thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo; lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, chủ thể, mọi chính sách phải hướng tới người dân và doanh nghiệp, khuyến khích người dân và doanh nghiệp, các chủ thể liên quan tham gia đóng góp xây dựng, hoàn thiện pháp luật. Mục tiêu là huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực với quan điểm nguồn lực bắt nguồn từ tư duy, động lực bắt nguồn từ sự đổi mới, sức mạnh bắt nguồn từ nhân dân; tập trung làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống và thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới.

Thủ tướng nêu rõ, việc xây dựng các dự án luật cần cố gắng chuẩn bị, trình trong thời gian ngắn nhất có thể, đáp ứng kịp thời các diễn biến nhanh chóng và yêu cầu cấp bách của thực tiễn; nỗ lực, quyết liệt tháo gỡ các vướng mắc pháp lý trong thực tiễn và trình bày, lập luận thuyết phục, tạo sự đồng thuận của xã hội, người dân, doanh nghiệp và các cơ quan chức năng. Đồng thời, xây dựng quy định phải rõ ràng nhưng không quá cứng nhắc; tăng cường phân cấp, phân quyền triệt để, đồng thời huy động, phân bổ các nguồn lực có hiệu quả, nâng cao năng lực thực thi, thiết kế công cụ để tăng cường giám sát, kiểm tra, kiểm soát quyền lực.

Cùng với đó, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính góp phần giảm chi phí cho doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; xóa bỏ cơ chế xin cho, giảm các khâu trung gian. Kiểm soát quyền lực; không để xảy ra tình trạng cài cắm quy định lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ hoặc tạo môi trường cho tham nhũng, tiêu cực trong các dự án luật.

Thủ tướng yêu cầu việc xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh phải kịp thời, không để xảy ra khoảng trống pháp lý, vướng mắc gây khó khăn cho địa phương, doanh nghiệp, người dân, ảnh hưởng đến hiệu lực thi hành của luật do chậm ban hành văn bản quy định chi tiết. Bộ trưởng Tư pháp theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc ban hành văn bản quy định chi tiết của các bộ, cơ quan ngang bộ, địa phương và tình hình tổ chức thi hành pháp luật.