Hoàn thiện khung pháp lý bảo đảm hoạt động ngân hàng an toàn, hiệu quả

NDO - Ngày 8/3, tại Hà Nội, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam tổ chức tọa đàm nhằm trao đổi, thảo luận, góp ý trực tiếp đối với dự thảo Luật các Tổ chức tín dụng (sửa đổi).
0:00 / 0:00
0:00
Quang cảnh buổi tọa đàm.
Quang cảnh buổi tọa đàm.

​Phát biểu tại cuộc tọa đàm, TS Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam khẳng định: Qua hơn 12 năm thực hiện, Luật các Tổ chức tín dụng đã đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc tạo khung pháp lý ổn định cho hoạt động của hệ thống các tổ chức tín dụng.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện Luật cũng phát sinh những vướng mắc, bất cập cần sửa đổi để thống nhất, phù hợp với các quy định pháp luật và thực tiễn hoạt động ngân hàng.

Theo TS Nguyễn Quốc Hùng, Luật Các tổ chức tín dụng đóng vai trò hết sức quan trọng cho hoạt động của hệ thống các tổ chức tín dụng.

Đặc biệt là việc sửa đổi Luật Các tổ chức tín dụng năm 2017 đã bổ sung những quy định xử lý các tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt, bổ sung các quy định nhằm nâng cao năng lực quản trị điều hành của tổ chức tín dụng, cảnh báo, can thiệp sớm nhằm hạn chế rủi ro, vi phạm trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, làm rõ quy định người có liên quan, bổ sung quy định về trường hợp không được/không cùng đảm nhiệm chức vụ…

Cùng với các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn, thi hành, triển khai Luật các tổ chức tín dụng được ban hành, đã tạo hành lang pháp lý tương đối đầy đủ, ổn định, cho hoạt động ngân hàng.

Nhưng bên cạnh những kết quả đã đạt được, đến nay các Luật liên quan đã được ban hành mới, sửa đổi, bổ sung và cùng với việc phát triển, thay đổi mạnh mẽ của công nghệ, Luật Các tổ chức tín dụng đã phát sinh một số hạn chế, cần nghiên cứu bổ sung, chỉnh sửa phù hợp.

Vì vậy, việc sửa đổi, bổ sung Luật Các tổ chức tín dụng là hết sức cần thiết nhằm bảo đảm cho hoạt động của các tổ chức tín dụng phát triển an toàn, bền vững thông qua việc lành mạnh hóa tình trạng tài chính và củng cố năng lực hoạt động của các tổ chức tín dụng.

Đồng thời, xử lý triệt để tình trạng sở hữu chéo, nâng cao yêu cầu quản trị, điều hành, hạn chế lạm dụng quyền cổ đông lớn, quyền quản trị, điều hành để thao túng hoạt động của tổ chức tín dụng, nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức tín dụng; tạo lập nền tảng pháp lý cho hoạt động chuyển đổi số của tổ chức tín dụng.

Đặc biệt, trong bối cảnh Nghị quyết 42/2017/QH 14 sẽ hết hiệu lực vào ngày 31/12/2023, việc luật hóa các chính sách xử lý nợ xấu có ý nghĩa quan trọng, qua đó, tạo được khuôn khổ pháp lý về xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng một cách đồng bộ, có hiệu lực pháp lý cao, áp dụng ổn định, lâu dài.

Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã phối hợp với các Bộ ngành liên quan khẩn trương xây dựng dự án Luật các tổ chức tín dụng (sửa đổi) để trình Chính phủ.

Hiệp hội Ngân hàng và các tổ chức tín dụng hội viên cũng đã tích cực tham gia tổng kết Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010, tổng kết Nghị quyết 42/2017/QH 14 và góp ý đối với dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).

“Do đó, chúng tôi hy vọng, qua buổi Tọa đàm này, Cơ quan chủ trì soạn thảo sẽ được lắng nghe các ý kiến góp ý, các đề xuất, kiến nghị xác đáng của các đại biểu tham dự, qua đó giúp Luật ban hành thực sự phù hợp và đi vào được thực tiễn cuộc sống”, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Nguyễn Quốc Hùng bày tỏ.

Tại cuộc tọa đàm, đại diện các ngân hàng và các tổ chức hội viên trong Hiệp hội cũng đã tập trung trao đổi, thảo luận vào một số nội dung hiện đang vướng mắc như:

Vướng mắc các quy định liên quan đến hoạt động và hạn chế bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng (xét duyệt cấp tín dụng, kiểm tra sử dụng tiền vay; về nghiệp vụ đại lý; hoạt động ngân hàng điện tử; về nắm giữ bất động sản…).

Vướng mắc các quy định liên quan tổ chức quản trị, điều hành của tổ chức tín dụng.

Vướng mắc các quy định liên quan đến cơ cấu lại tổ chức tín dụng yếu kém.

Vướng mắc các quy định liên quan xử lý nợ xấu và xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu…