Hoàn thiện cơ chế thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng

Nhằm tháo gỡ khó khăn trong công tác thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, vừa qua Quốc hội khóa XV đã thông qua Nghị quyết về thí điểm xử lý vật chứng, tài sản trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử một số vụ việc, vụ án hình sự.
0:00 / 0:00
0:00
Ảnh minh họa: Trong ảnh là nhà, đất số 2 Hải Phòng, thành phố Đà Nẵng trong vụ án Phan Văn Anh Vũ. (Ảnh: ANH ĐÀO)
Ảnh minh họa: Trong ảnh là nhà, đất số 2 Hải Phòng, thành phố Đà Nẵng trong vụ án Phan Văn Anh Vũ. (Ảnh: ANH ĐÀO)

Nghị quyết có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025 và được triển khai thí điểm trong 3 năm. Đây là căn cứ pháp lý quan trọng nhằm ngăn chặn việc tẩu tán tài sản trong các vụ án tham nhũng, góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật, bảo đảm tính hiệu lực, hiệu quả trong thực thi pháp luật nói chung và nâng cao chất lượng công tác phòng chống tham nhũng nói riêng.

Thời gian qua, công tác phòng, chống tham nhũng luôn được đẩy mạnh thực hiện và triển khai một cách đồng bộ, bài bản ở tất cả các cấp, các ngành, qua đó nhiều vụ việc tham nhũng lớn được phát hiện và xử lý nghiêm minh. Tuy nhiên, một trong những khâu quan trọng và mang tính căn bản trong hoạt động phòng chống tham nhũng là thu hồi tài sản vi phạm trong các vụ án tham nhũng vẫn còn rất nhiều khó khăn, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng công tác phòng chống tham nhũng.

Theo báo cáo của các cơ quan chức năng, năm 2024, kết quả thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế là 9.211 vụ việc với hơn 22 nghìn tỷ đồng, trong đó có một số vụ án lớn, với số tiền thu hồi cao. Tuy nhiên, giá trị tài sản phải thu hồi trong các vụ án tham nhũng, tiêu cực còn tồn đọng lớn.

Theo báo cáo của các cơ quan chức năng, năm 2024, kết quả thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế là 9.211 vụ việc với hơn 22 nghìn tỷ đồng, trong đó có một số vụ án lớn, với số tiền thu hồi cao. Tuy nhiên, giá trị tài sản phải thu hồi trong các vụ án tham nhũng, tiêu cực còn tồn đọng lớn.

Đơn cử như vụ án xảy ra tại Công ty Xuyên Việt Oil mà Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh vừa đưa ra xét xử cuối tháng 11/2024. Tại vụ án này, Hội đồng xét xử xác định bị cáo Mai Thị Hồng Hạnh, Giám đốc kiêm Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil, cùng các đồng phạm đã vi phạm một loạt quy định của Nhà nước trong hoạt động đầu tư kinh doanh dẫn tới gây thiệt hại hơn 1.400 tỷ đồng; đồng thời buộc bị cáo phải bồi thường toàn bộ số tiền nêu trên. Tuy nhiên, cho đến nay bị cáo Mai Thị Hồng Hạnh không có khả năng khắc phục hậu quả thiệt hại.

Theo các quy định hiện hành, việc kê biên tài sản chỉ áp dụng với bị can, bị cáo và phong tỏa tài sản chỉ áp dụng với người bị buộc tội, tài sản tịch thu phải liên quan trực tiếp đến tội phạm, trong đó việc kê biên và phong tỏa số tiền trong tài khoản phải tương ứng.

Việc này rất khó xác định bởi trong giai đoạn tiền tố tụng, kể cả trong giai đoạn điều tra, tiến hành khởi tố vụ án đều khó xác định vì các dòng tiền đan xen nhau, đòi hỏi cơ quan điều tra phải rất thận trọng trong việc xác định. Trong khi đó, hành vi phạm tội và tham nhũng kinh tế có thể đã được phát hiện từ hoạt động thanh, kiểm tra và từ đơn thư phản ánh, tố cáo của cá nhân, tổ chức hoặc qua công tác tự kiểm tra của các cơ quan, tổ chức, đơn vị. Bên cạnh đó, các đối tượng phạm tội thường có xu hướng tẩu tán tài sản, chia nhỏ tài sản và nhờ người khác đứng tên ngay trong quá trình phạm tội, thậm chí ngay trong giai đoạn điều tra nhằm che giấu nguồn gốc phi pháp của tài sản.

Hành vi này không chỉ gây khó khăn cho quá trình thu hồi tài sản mà còn làm giảm hiệu quả của các bản án phán quyết. Những tài sản bị chiếm đoạt nếu không được thu hồi kịp thời sẽ mất dấu vết, gây thất thoát lớn cho ngân sách nhà nước và làm mất đi tính hiệu lực, hiệu quả của pháp luật.

Để tháo gỡ khó khăn trong công tác thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, Nghị quyết của Quốc hội cho phép áp dụng biện pháp xử lý vật chứng, tài sản ngay từ giai đoạn giải quyết nguồn tin về tội phạm với vụ án hình sự thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo. Theo đó, năm biện pháp xử lý vật chứng, tài sản, gồm: trả lại tiền cho bị hại hoặc gửi tiền vào ngân hàng để chờ xử lý; nộp tiền bảo đảm để hủy bỏ việc thu giữ, tạm giữ, kê biên, phong tỏa; cho phép mua bán, chuyển nhượng vật chứng, tài sản và xử lý tiền thu được từ việc mua bán, chuyển nhượng; giao vật chứng, tài sản cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp để quản lý, khai thác, sử dụng; tạm ngừng giao dịch, tạm dừng việc đăng ký, chuyển quyền sở hữu, sử dụng tài sản.

Trong đó, biện pháp tạm ngừng giao dịch; tạm dừng việc đăng ký, chuyển quyền sở hữu, sử dụng tài sản được sử dụng nhằm ngăn ngừa tẩu tán, chuyển dịch tài sản liên quan tội phạm ngay từ ban đầu, tạo một bước sớm để kiểm tra, xác minh. Khi có đủ căn cứ, điều kiện, cơ quan chức năng sẽ áp dụng ngay các biện pháp thu giữ, tạm giữ, kê biên, phong tỏa theo quy định. Biện pháp xử lý vật chứng, tài sản được áp dụng trong suốt quá trình giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, nhưng phải có sự thống nhất của các cơ quan tiến hành tố tụng trước khi ra quyết định, trừ trường hợp do Hội đồng xét xử quyết định.

Việc áp dụng, hủy bỏ biện pháp xử lý vật chứng, tài sản phải được ghi rõ trong kết luận điều tra, cáo trạng và bản án, quyết định của Tòa án. Quy định này phù hợp với nguyên tắc của Bộ luật Tố tụng hình sự và nhằm thể chế hóa đầy đủ quan điểm của Bộ Chính trị theo hướng xử lý ngay từ giai đoạn giải quyết nguồn tin về tội phạm với vụ án hình sự thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo.

Theo các chuyên gia về pháp luật, Nghị quyết nêu trên được ban hành không chỉ đáp ứng yêu cầu thực tiễn, xử lý kịp thời, hiệu quả vật chứng, tài sản, sớm khắc phục hậu quả thiệt hại, đưa tài sản vào khai thác, sử dụng, nhằm khơi thông nguồn lực phát triển, tránh thất thoát, lãng phí, bảo đảm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, phù hợp với điều ước quốc tế mà còn góp phần bảo đảm kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan tiến hành tố tụng, giám sát của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền đối với hoạt động tố tụng theo quy định của pháp luật cũng như bảo đảm trách nhiệm thực hành quyền công tố, kiểm sát việc tuân theo pháp luật của Viện Kiểm sát trong quá trình xử lý vật chứng, tài sản; xử lý nghiêm hành vi vi phạm, lạm dụng, tham nhũng, tiêu cực xảy ra trong quá trình áp dụng biện pháp xử lý vật chứng, tài sản.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia về pháp luật, cùng với các quy định trong Nghị quyết, các cơ quan chức năng cần nghiên cứu, quy định việc tẩu tán tài sản do hành vi tham nhũng cũng là một loại tội phạm và có chế tài xử lý nghiêm minh.