Cùng suy ngẫm

Tăng cường các giải pháp thu hồi tài sản tham nhũng

Thời gian qua, các cơ quan chức năng của Thành phố Hồ Chí Minh đã phối hợp điều tra, khám phá, xét xử nhiều đại án tham nhũng với số tiền, tài sản đặc biệt lớn. Thực trạng tham nhũng đang đặt ra nhiều vấn đề trong quá trình tố tụng, trong đó việc thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát còn gặp nhiều khó khăn và thách thức.
0:00 / 0:00
0:00
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Có thể kể đến đại án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, với số tiền thất thoát lên tới hàng trăm nghìn tỷ đồng, số người bị hại lên tới hàng chục nghìn người. Tương tự, đại án tham nhũng xảy ra tại Cục Đăng kiểm Việt Nam diễn ra trong nhiều năm, hành vi của các đối tượng tinh vi, bất chấp quy định của pháp luật để trục lợi nhiều tỷ đồng. Nhiều vụ án biến đất công thành đất tư cũng được đưa ra ánh sáng, với số tiền tham nhũng rất lớn. Các đối tượng tham nhũng, trong đó có nhiều cán bộ đã bị đưa ra xét xử, nhận các mức án nghiêm minh của pháp luật. Những kết quả đó có sự đóng góp tích cực của các ngành: Tòa án, thanh tra, công an, viện kiểm sát,… Tuy nhiên, một vấn đề mà người dân quan tâm, đó là công tác thu hồi tài sản tham nhũng. Thống kê của ngành thanh tra thành phố cho thấy, các vụ việc dễ xảy ra tham nhũng thuộc các lĩnh vực như: Quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công, quy hoạch, đất đai, đấu thầu, đấu giá, mua sắm tài sản công, lựa chọn nhà đầu tư, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước,… Giai đoạn từ năm 2021-2023 và sáu tháng đầu năm 2024, ngành thanh tra Thành phố Hồ Chí Minh đã thực hiện 828 cuộc thanh tra (gồm 669 cuộc theo kế hoạch và 159 cuộc đột xuất). Trong đó, năm 2021 đã thu hồi được hơn 10,6 tỷ đồng trên tổng số hơn 22,1 tỷ đồng bị thất thoát (đạt tỷ lệ hơn 48%); con số này tương ứng của năm 2022 là hơn 37 tỷ đồng/hơn 42,3 tỷ đồng (đạt tỷ lệ 87,78%); năm 2023 là hơn 20,4 tỷ đồng/gần 26 tỷ đồng (đạt tỷ lệ 78,66%). Riêng sáu tháng đầu năm 2024, số tiền hồi đạt tỷ lệ 100%, với số tiền là 27.999,54 tỷ đồng.

Tại Thành phố Hồ Chí Minh công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực, thu hồi tài sản luôn được Thành ủy, Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực Thành phố Hồ Chí Minh quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo.

Các vụ án không chỉ gây thất thoát nghiêm trọng về tài sản, mà còn ảnh hưởng đến lòng tin của người dân vào Đảng, chính quyền. Chính vì vậy, việc thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ việc, vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế là nhiệm vụ cấp bách, đòi hỏi sự quyết tâm và nỗ lực không ngừng từ các cấp lãnh đạo, các cơ quan chức năng và toàn xã hội. Mặc dù công tác này đã đạt được những kết quả tích cực trong thời gian gần đây, song hiệu quả thực hiện vẫn chưa đạt được như mong muốn. Nhiều bất cập, hạn chế vẫn còn tồn tại khiến công tác phối hợp, xử lý không đạt được kết quả cao. Đơn cử như đối với ngành thanh tra, các quy định về thu hồi tài sản trong các vụ việc tham nhũng, kinh tế còn mang tính nguyên tắc, chưa cụ thể, thiếu quy định về các biện pháp cưỡng chế, chế tài xử lý đối với các đối tượng chây ỳ, cố tình né tránh, trốn tránh trách nhiệm. Cơ chế chính sách về đất đai, bất động sản, trái phiếu, chứng khoán chưa đồng bộ, còn lỏng lẻo, gây khó khăn cho việc xử lý, thu hồi khi thi hành án và xử lý sau thanh tra. Hành vi tội phạm và tham nhũng kinh tế có thể đã được phát hiện từ hoạt động thanh, kiểm tra, nhưng thời điểm áp dụng biện pháp kê biên tài sản chỉ được áp dụng đối với bị can, bị cáo. Hiện vẫn chưa có cơ chế phối hợp cụ thể giữa cơ quan thanh tra và các cơ quan có thẩm quyền trong việc xác minh, truy tìm tiền, tài sản của người vi phạm, gây khó khăn cho công tác thu hồi. Việc kiểm soát tài sản của cán bộ, công chức chưa thật sự chặt chẽ,...

Nhiều ý kiến cho rằng, cần hoàn thiện các quy định pháp luật về cơ chế tịch thu, thu hồi tài sản bằng hình thức hình sự hóa hành vi làm giàu bất hợp pháp để tăng hiệu quả chế tài xử lý tham nhũng; đồng thời, cần sớm có quy chế phối hợp giữa cơ quan thanh tra, kiểm toán với các cơ quan tố tụng ngay từ khi thanh tra, kiểm toán, nhằm bảo đảm việc thu hồi tài sản ngay từ giai đoạn phát hiện. Công tác xây dựng hoàn thiện các hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập; đất đai; quy định của pháp luật về thanh toán không dùng tiền mặt; bất động sản, ngân hàng, chuyển nhượng vốn góp, cổ phần cũng cần được đẩy mạnh để các giao dịch được thực hiện minh bạch và có kiểm soát trước các biến động liên quan. Đối với tội phạm tham nhũng tẩu tán tài sản mà không có ý chí khắc phục, cần đề xuất khởi tố tội "rửa tiền", nhằm răn đe các đối tượng có hành vi, động cơ phạm tội...