Trong đó có thể thấy một nhiệm vụ quan trọng là xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, bảo vệ công lý, phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc. Yêu cầu đặt ra là phải xây dựng được cơ chế giám sát nhằm bảo đảm tuân thủ liêm chính tư pháp.
Liêm chính tư pháp là nói về một nền tư pháp trong sạch với đội ngũ cán bộ tư pháp có trình độ nghiệp vụ, trong sáng, liêm khiết, dấn thân, sẵn sàng đứng về lẽ phải, bảo vệ công lý. Ðặc biệt là khi cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Ðảng ngày càng đi vào chiều sâu càng đòi hỏi đội ngũ cán bộ tư pháp có bản lĩnh vững vàng, không dễ bị tác động bởi tính chất khó khăn, phức tạp của nhiệm vụ mà họ được giao.
Tại Hội nghị toàn quốc các cơ quan nội chính triển khai Nghị quyết Ðại hội XIII của Ðảng (9/2021), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Phải thường xuyên chăm lo xây dựng, kiện toàn tổ chức bộ máy, cán bộ làm công tác nội chính, coi đây là nhiệm vụ then chốt. Xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác nội chính có bản lĩnh vững vàng, liêm chính, trung thực, có kiến thức, kỹ năng chuyên sâu, giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ, nắm vững chủ trương, đường lối của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, có phẩm chất đạo đức tốt để hoàn thành nhiệm vụ được giao; chú trọng kiểm soát quyền lực và chống tham nhũng, tiêu cực, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" ngay trong các cơ quan này. Ðồng thời, phát huy tính chủ động, năng động, sáng tạo và tinh thần nhiệt huyết, cống hiến trong thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, chiến sĩ, công chức các cơ quan nội chính.
Quán triệt nhiệm vụ nói trên, yêu cầu đặt ra là phải xây dựng được cơ chế giám sát chặt chẽ nhằm bảo đảm tuân thủ liêm chính tư pháp, sớm khắc phục những hạn chế, bất cập đang tồn tại.
Pháp luật chưa phân định rõ phạm vi, thẩm quyền giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Tư pháp, Ðoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội dẫn đến chồng chéo chức năng, thậm chí chồng chéo với các cơ quan dân cử ở địa phương. Chưa có cơ chế cụ thể đối với hoạt động giải trình; thiếu cơ chế trong việc bảo đảm thực hiện các kết luận, kiến nghị giám sát… là những nguyên nhân làm hạn chế hiệu quả của hoạt động giám sát.
Theo một báo cáo nghiên cứu của Ban Nội chính Trung ương, việc thực thi cơ chế giám sát của cơ quan dân cử (Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp) thời gian qua cho thấy, nhìn chung thông qua công tác giám sát, chất lượng hoạt động của các cơ quan tư pháp đã được nâng lên đáng kể; tình trạng oan sai, sót lọt tội phạm, xử lý thiếu nghiêm minh cơ bản được khắc phục; tình trạng lạm quyền, lộng quyền trong lĩnh vực tư pháp từng bước được kiềm chế…
Tuy nhiên, những vấn đề như phạm vi giám sát, hình thức giám sát, hiệu quả pháp lý của hoạt động giám sát… vẫn còn nhiều nội dung chưa rõ, thiếu cơ chế thực hiện. Pháp luật chưa phân định rõ phạm vi, thẩm quyền giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Tư pháp, Ðoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội dẫn đến chồng chéo chức năng, thậm chí chồng chéo với các cơ quan dân cử ở địa phương. Chưa có cơ chế cụ thể đối với hoạt động giải trình; thiếu cơ chế trong việc bảo đảm thực hiện các kết luận, kiến nghị giám sát… là những nguyên nhân làm hạn chế hiệu quả của hoạt động giám sát.
Bên cạnh đó, cơ chế pháp lý và vấn đề thẩm quyền trong giám sát các vụ án cụ thể cũng là nội dung còn nhiều ý kiến về việc bảo đảm tính độc lập trong hoạt động xét xử của Tòa án.
Việc thực thi cơ chế giám sát nội bộ của các cơ quan tư pháp cũng còn bất cập. Cụ thể như, vẫn còn xảy ra án oan sai do năng lực xét xử của thẩm phán cho thấy việc xét tuyển bổ nhiệm thẩm phán tuy đúng quy trình nhưng chất lượng còn hạn chế. Pháp luật quy định nghiêm cấm cơ quan, tổ chức, cá nhân can thiệp vào việc xét xử của thẩm phán, nhưng chưa có một chế tài nào được ban hành bảo đảm cho điều cấm đó được thực thi trên thực tiễn. Bộ luật Tố tụng hình sự đã quy định việc lấy lời khai hoặc hỏi cung do điều tra viên tiến hành, các cán bộ điều tra không được thực hiện công việc này. Tuy nhiên, do việc giám sát của các cơ quan điều tra thiếu sát sao cho nên đã có không ít trường hợp, việc lấy lời khai hay hỏi cung chỉ do cán bộ điều tra độc lập thực hiện, từ đó có nguy cơ dẫn đến oan sai, hậu quả khó lường.
Trong công tác thi hành án dân sự, một số cán bộ, chấp hành viên cơ quan thi hành án dân sự đã bị khởi tố và xem xét hình sự về tội lợi dụng, lạm dụng chức vụ quyền hạn để chiếm đoạt, tham ô tài sản; tội thiếu trách nhiệm trong công tác quản lý, tổ chức thi hành án dân sự; tội ra quyết định trái pháp luật; tội nhận hối lộ; Tội đánh bạc,…
Ngoài nguyên nhân chủ quan của người vi phạm, cũng có nguyên nhân từ việc thiếu kiểm tra, đôn đốc, nhất là trong công tác tài chính, kế toán và quản lý tang vật của một số lãnh đạo đơn vị.
Cùng với đó, luật, văn bản hướng dẫn về công tác thi hành án dân sự chưa đồng bộ nên việc áp dụng trong một số trường hợp còn vướng mắc, chưa thống nhất...
Trao đổi về những bất cập nói trên, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Công Hồng đặt vấn đề: Hệ thống cơ chế bảo đảm liêm chính tư pháp ở nước ta tương đối chặt chẽ (bên cạnh chế độ kỷ luật đối với chức danh tư pháp, kỷ luật công vụ còn có kỷ luật của Ðảng) nhưng vấn đề liêm chính tư pháp chưa được như mong muốn. Phải chăng là có nhiều cơ chế nhưng vẫn còn mang tính chất quản lý hành chính mà chưa có những cơ chế đột phá phù hợp với đặc thù của cơ quan tư pháp nước ta? Việc thực thi cơ chế trong thực tiễn đang còn hạn chế? Trong bối cảnh đẩy mạnh cải cách tư pháp ở nước ta hiện nay, những nguyên nhân này đều cần phải được tìm hiểu kỹ. Ðể khắc phục những bất cập, cần làm tốt công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị; thực hiện công tác luân chuyển, điều động cán bộ tư pháp. Có cơ chế thu hút, tuyển chọn những người có tâm huyết, đủ đức, đủ tài vào làm việc ở các cơ quan tư pháp. Chú trọng rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống lành mạnh, trong sạch, bản lĩnh cho đội ngũ cán bộ cơ quan tư pháp để thực sự "phụng công, thủ pháp, chí công, vô tư", nhất là người có chức danh tư pháp. Ðây là yếu tố cơ bản và lâu dài nhằm tạo nguồn nhân lực có chất lượng, liêm khiết, trung thực, dám dấn thân cho việc duy trì, bảo vệ lẽ phải và công lý cho hệ thống tư pháp.
Một cơ chế giám sát có vai trò rất quan trọng nhưng trong thực tế triển khai chưa được nhiều, đó là cơ chế giám sát của công dân và các tổ chức xã hội.
Theo Luật sư Trần Trung Kiên, Giám đốc khối tư vấn doanh nghiệp, Công ty Luật TNHH SB Law, cần phát triển đồng bộ hệ thống bổ trợ tư pháp, đặc biệt là luật sư, công chứng, giám định tư pháp, vì họ có vai trò quan trọng trong quá trình làm rõ sự thật khách quan, ảnh hưởng lớn đến chất lượng tố tụng. Sự tham gia (trực tiếp hoặc gián tiếp) có chất lượng của luật sư, công chứng, giám định tư pháp góp phần hạn chế các nhận định chủ quan, áp đặt, thiếu vô tư của người tiến hành tố tụng, qua đó góp phần kiểm soát tính liêm chính của các chức danh tư pháp trong hoạt động tố tụng.
Một cơ chế giám sát có vai trò rất quan trọng nhưng trong thực tế triển khai chưa được nhiều, đó là cơ chế giám sát của công dân và các tổ chức xã hội.
Cũng theo Luật sư Trần Trung Kiên, sự phối hợp giữa Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với các tổ chức thành viên của Mặt trận trong giám sát các hoạt động tư pháp ở một số địa phương còn gặp những khó khăn về nhân lực và điều kiện thực hiện.
Ðáng lưu ý, do tính chất chuyên ngành của hoạt động tư pháp đòi hỏi chủ thể giám sát phải có kiến thức chuyên môn sâu về tố tụng và kinh nghiệm trong hoạt động tư pháp mới đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ nên thực tế giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận thời gian qua đối với hoạt động tố tụng còn gặp một số khó khăn nhất định. Vì vậy, cần phải xác định đúng vai trò của Mặt trận để phát huy hiệu quả vai trò giám sát xã hội. Trong đó, cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam theo hướng tăng cường năng lực giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc đối với các hoạt động tố tụng, các hoạt động giải quyết khiếu nại, tố cáo trong quá trình giải quyết vụ án, vụ việc; hoàn thiện cơ chế phối hợp đồng bộ giữa Mặt trận Tổ quốc với các tổ chức thành viên trong hoạt động giám sát các chức danh tư pháp, góp phần bảo đảm liêm chính trong hoạt động tư pháp.
Cùng với đó, cần thực hiện nghiêm chế độ công khai thông tin và bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của nhân dân. Kinh nghiệm từ các nước cho thấy, công khai, minh bạch thông tin là yếu tố quan trọng để hạn chế tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực và tham nhũng. Ở nước ta, đây cũng là đòi hỏi khách quan và là yếu tố quan trọng để nguyên tắc "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng" được thực thi trên thực tế. Cần có những giải pháp thiết thực để phát huy hơn nữa vai trò của báo chí, truyền thông trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực nói chung và trong lĩnh vực tư pháp nói riêng.