Hoàn thiện chính sách để nâng cao hiệu quả công tác phòng cháy, chữa cháy

Ngày 21/8, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội tổ chức tiếp xúc cử tri chuyên đề “Việc thực hiện chính sách pháp luật về phòng cháy, chữa cháy trên địa bàn thành phố Hà Nội”.
0:00 / 0:00
0:00
Toàn cảnh hội nghị tiếp xúc cử tri chuyên đề.
Toàn cảnh hội nghị tiếp xúc cử tri chuyên đề.

Hà Nội là một trong những thành phố có số lượng cơ sở thuộc diện quản lý về phòng cháy, chữa cháy nhiều nhất cả nước. Trong những năm qua, công tác phòng cháy, chữa cháy trên địa bàn được kiềm chế, kiểm soát, tất cả các vụ cháy xảy ra đều được điều tra làm rõ về nguyên nhân, từ đó đề ra giải pháp công tác quản lý nhà nước được toàn diện hơn.

Tuy nhiên, công tác quy hoạch hạ tầng phục vụ công tác phòng cháy, chữa cháy chưa đáp ứng yêu cầu, hệ thống trụ nước, bể nước, trữ nước phục vụ công tác chữa cháy còn thiếu.

Theo Đại tá Dương Đức Hải, Phó Giám đốc Công an thành phố Hà Nội, từ đầu năm 2023 đến nay, trên địa bàn Thủ đô đã xảy ra 144 vụ cháy khiến 10 người chết, 11 người bị thương; thiệt hại về tài sản ước tính ban đầu khoảng 4,6 tỷ đồng, 6ha rừng.

Hoàn thiện chính sách để nâng cao hiệu quả công tác phòng cháy, chữa cháy ảnh 1
Lãnh đạo Công an thành phố Hà Nội phát biểu tại hội nghị.

Để giảm thiểu cháy, Công an thành phố đã chủ động tiến hành các giải pháp thực hiện phương châm “4 tại chỗ”. Đến nay, đã có hơn 94% hộ gia đình kết hợp sản xuất kinh doanh và 91% nhà ở, hộ gia đình đã mở “lối thoát nạn thứ 2”. Hơn 600 nghìn hộ gia đình đã tự trang bị bình chữa cháy xách tay... Thành phố đã thành lập, duy trì hoạt động 7.313 Tổ liên gia an toàn phòng cháy, chữa cháy; xây dựng, lắp đặt 19.685 điểm chữa cháy công cộng.

Trong 8 tháng năm 2023, có 928 vụ việc (chiếm hơn 70% tổng số vụ việc) được lực lượng cơ sở, quần chúng nhân dân phát hiện, xử lý kịp thời ngay khi mới phát sinh, trong đó có 428 vụ được người dân dùng bình chữa cháy tự trang bị để dập tắt (chiếm 32,4%).

Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung vào những tồn tại, hạn chế cũng khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện công tác phòng cháy, chữa cháy hiện nay trên địa bàn Thủ đô; trong việc áp dụng thực hiện Luật Phòng cháy và chữa cháy, các văn bản quy phạm pháp luật và điều kiện hoạt động của lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ…

Công an thành phố kiến nghị Quốc hội chỉ đạo các đơn vị rà soát, kịp thời chỉnh sửa, hoàn thiện các quy định của pháp luật về phòng cháy, chữa cháy và cứu hộ cứu nạn cho phù hợp với thực tiễn, đặc biệt là quy định đối với một số loại hình cơ sở đặc thù. Kiến nghị bổ sung quy định chế độ, chính sách hỗ trợ cho lực lượng làm công tác phòng cháy, chữa cháy tương xứng với tính chất, yêu cầu nhiệm vụ; có chính sách cụ thể để khuyến khích, động viên mọi tầng lớp nhân dân tham gia hoạt động này...

Để nâng cao chất lượng phòng cháy, chữa cháy, đại diện huyện Hoài Đức đề xuất Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố kiến nghị Quốc hội sửa đổi Luật Phòng cháy và chữa cháy, các tiêu chuẩn, quy chuẩn Việt Nam nhằm tháo gỡ khó khăn vướng mắc đối với công trình thuộc Nghị quyết 05/2022/NQ-HĐND; các công trình chưa nghiệm thu đã đưa vào hoạt động; các công trình xây dựng trên đất nông nghiệp, đất vi phạm; cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke….