Đồng thời, triển khai các giải pháp đề ra tại báo cáo trung tâm tại Hội nghị, cụ thể hóa phù hợp với đặc điểm từng địa phương; Xây dựng các chuyên đề, các biện pháp tăng cường quản lý thuế đối với một số ngành, lĩnh vực có khả năng thu để tổ chức hội nghị trực tuyến với các Cục Thuế, triển khai hoàn thành vượt mức nhiệm vụ thu ngân sách năm 2023.
Theo dõi chặt chẽ tiến độ thu ngân sách, đánh giá, phân tích cụ thể từng địa bàn thu, từng khu vực thu, từng sắc thuế và có phương án chỉ đạo, điều hành thu kịp thời, dự báo thu hằng tháng, hàng quý sát đúng với thực tế phát sinh. Đặc biệt là đối với 18 địa phương có số thu điều tiết về ngân sách Trung ương và những khoản thu thuộc ngân sách trung ương, tham mưu kịp thời cho Tổng cục, Bộ Tài chính, Chính phủ trong điều hành thu ngân sách Nhà nước và thu ngân sách trung ương, chỉ đạo phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ thu nội địa và thu ngân sách Trung ương năm 2023 ở mức cao nhất, giúp Chính phủ, Bộ Tài chính chủ động trong điều hành, cân đối ngân sách Nhà nước năm 2023.
Rà soát toàn bộ nguồn thu phát sinh trên từng địa bàn, sắc thuế, khoản thu để triển khai thực hiện quyết liệt các giải pháp công tác quản lý thuế phù hợp, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách Nhà nước năm 2023.
Đẩy mạnh khai thác tăng thu từ các nguồn thu còn dư địa, tiềm năng (như: kinh doanh trên nền tảng số, thương mại điện tử, chuyển nhượng bất động sản, kinh doanh theo chuỗi, cho thuê nhà, tài nguyên khoáng sản…) để kịp thời đề xuất các giải pháp về chính sách và quản lý thu hiệu quả, kiến nghị với UBND tiếp tục duy trì và tăng cường hoạt động của Ban chỉ đạo chống thất thu, thu hồi nợ đọng thuế, chỉ đạo các ngành, các cấp ở địa phương phối hợp chặt chẽ với cơ quan thuế trong công tác quản lý thu, chống thất thu ngân sách Nhà nước.
Triển khai thực hiện xây dựng dự toán thu ngân sách năm 2024 và dự kiến thu giai đoạn 3 năm 2024-2026.
Toàn ngành tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền các chính sách thuế mới, kết quả hoạt động của toàn ngành qua các kênh thông tin đại chúng; đổi mới cách thức truyền thông theo xu thế tiếp cận thông tin hiện đại, giúp người nộp thuế hiểu rõ và dễ dàng áp dụng chính sách thuế, thực hiện thủ tục hành thuế. Đồng thời, nâng cao hiệu quả, chất lượng, hỗ trợ theo từng đối tượng trên Hệ thống 479 kênh thông tin hỗ trợ người nộp thuế (eTax).
Tiếp tục duy trì và tăng cường mối quan hệ, phối hợp hoạt động với các sở ban ngành, Ban tuyên giáo các cấp, các cơ quan thông tấn báo đài, .... ; nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác đối thoại với doanh nghiệp; tăng cường tổ chức các buổi hỗ trợ trực tuyến qua website của Tổng cục và các Cục thuế. Đẩy mạnh đào tạo cho đội ngũ công chức làm công tác tuyên truyền, hỗ trợ về kỹ năng, nghiệp vụ, bảo đảm việc cung cấp thông tin, hỗ trợ người nộp thuế trong thời hạn quy định, kịp thời xử lý vướng mắc cho người nộp thuế.
Đẩy mạnh kiểm tra, giám sát kê khai thuế của người nộp thuế, tập trung kiểm tra các tờ khai, những lĩnh vực kinh doanh tiềm ẩn rủi ro, đặc biệt là những doanh nghiệp được hưởng các chính sách gia hạn, miễn giảm tiền thuế; Quản lý chặt chẽ công tác hoàn thuế, bảo đảm hoàn thuế đúng đối tượng, theo đúng chính sách pháp luật thuế của Nhà nước, tập trung nguồn nhân lực giải quyết nhanh chóng những hồ sơ hoàn thuế đủ điều kiện tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Tổ chức kiểm tra sau hoàn thuế kết hợp với thanh tra, kiểm tra quyết toán thuế nhằm phát hiện và xử lý kịp thời những vi phạm của người nộp thuế. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý hoàn thuế giá trị gia tăng, trong đó chú trọng các bước phân loại hồ sơ hoàn thuế theo rủi ro; phân tích rủi ro dữ liệu hóa đơn điện tử phục vụ công tác quản lý hoàn thuế giá trị gia tăng; hoàn thiện ứng dụng công nghệ thông tin đáp ứng hỗ trợ tối đa công tác giải quyết hoàn thuế giá trị gia tăng của cơ quan thuế theo Quy trình mới ban hành.
Bên cạnh đó, ngành hoàn thiện bài toán nghiệp vụ, xây dựng ứng dụng công nghệ thông tin để chủ động ngăn chặn, phát hiện các trường hợp mua bán hóa đơn bất hợp pháp. Khẩn trương xây dựng và ban hành bộ tiêu chí rủi ro trong phân loại hồ sơ hoàn thuế và nâng cấp ứng dụng để phân loại tự động đối với hồ sơ hoàn thuế thuộc diện kiểm trước bảo đảm thời hạn triển khai vào tháng 9/2023 theo Thông báo số 411/TB-TCT ngày 9/6/2023. Tổ chức triển khai sớm phần mềm quản lý rủi ro trong phân loại hồ sơ hoàn thuế, hỗ trợ công tác đối chiếu hóa đơn điện tử trên hệ thống, lập bảng kê hóa đơn đầu vào và xác định bên mua/bên bán...
Nâng cấp, chuẩn hóa các báo cáo đánh giá tình hình quản lý khai thuế khai thác tập trung trên hệ thống quản lý thuế tập trung (TMS) và kho cơ sở dữ liệu (DWH), làm cơ sở theo dõi, đánh giá công tác quản lý kê khai thuế tại địa phương theo Quy chế quy định trách nhiệm về kiểm soát xử lý dữ liệu trên Hệ thống các ứng dụng quản lý thuế. Xây dựng dự toán hoàn thuế giá trị gia tăng năm 2024, giai đoạn 2024-2026 bảo đảm phù hợp với thực tế phát sinh.
Đẩy mạnh triển khai thực hiện kế hoạch thanh tra, kiểm tra trên cơ sở phân tích, đánh giá mức độ rủi ro, tập trung vào các doanh nghiệp thuộc ngành nghề, lĩnh vực có rủi ro cao, các doanh nghiệp hoàn thuế giá trị gia tăng hàng xuất khẩu, các doanh nghiệp được miễn, giảm thuế, doanh nghiệp có hoạt động liên kết, có dấu hiệu chuyển giá; hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số, chuyển nhượng vốn, thương hiệu, dự án...
Rà soát hồ sơ quyết toán thuế 2022, bổ sung kịp thời vào kế hoạch thanh tra, kiểm tra đối với các đối tượng có rủi ro về thuế. Nâng cao chất lượng và đổi mới phương thức thực hiện thanh tra, kiểm tra trong điều kiện ứng dụng công nghệ thông tin trong toàn ngành. Tổ chức đôn đốc thu đầy đủ, kịp thời các khoản thu phát sinh, các khoản phải thu theo kết quả của các cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán vào ngân sách Nhà nước. Tăng cường công tác rà soát, kiểm tra hóa đơn điện tử để ngăn chặn gian lận trong việc sử dụng hóa đơn nhằm chống thất thu cho ngân sách Nhà nước.
Trong các tháng cuối năm, ngành thuế tăng cường công tác phối hợp, trao đổi thông tin giữa các đơn vị trong nội bộ ngành thuế và giữa ngành thuế với các cơ quan chức năng khác như cơ quan cảnh sát điều tra, ngân hàng... nhằm ngăn ngừa, phát hiện và xử lý các hành vi trốn thuế, gian lận thuế, tội phạm về thuế. Theo dõi sát sao tiến độ thu nợ và cưỡng chế nợ thuế, hàng tháng đôn đốc và điều chỉnh chỉ tiêu thu nợ cho các đơn vị quản lý trên địa bàn kịp thời, đôn đốc người nộp thuế thực hiện nộp đầy đủ các khoản thuế phát sinh còn phải nộp sau quyết toán vào ngân sách Nhà nước kịp thời đúng quy định của Luật quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn.
Thực hiện phân loại các khoản nợ thuế chính xác và theo đúng hướng dẫn tại Quy trình quản lý nợ thuế để có giải pháp quản lý, đôn đốc thu phù hợp; Đẩy mạnh việc đăng tải công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng những trường hợp nợ thuế dây dưa kéo dài; tăng cường thực hiện các biện pháp đôn đốc và cưỡng chế thu nợ thuế theo đúng quy định của Luật Quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn thi hành, phấn đấu tổng số nợ thuế có khả năng thu đến thời điểm ngày 31/12/2023 không vượt quá 5% tổng thu ngân sách Nhà nước.