Nghệ nhân chạm tranh "bút lửa" tài hoa
Chiếc "bút lửa" với ngòi bằng đồng (được đốt nóng bởi nguồn điện) dịch chuyển rất nhanh như làm xiếc trên tấm ván trắng. Ngòi đồng chạm đến đâu, bề mặt tấm ván bị cháy sém đến đó; đồng thời tỏa ra mùi thơm dìu dịu của bạch tùng - một loại gỗ quý. Ấn sát ngòi bút xuống mặt gỗ thì vết cháy có mầu nâu đậm, còn nếu ngòi chỉ khẽ chạm vào gỗ, mầu sẽ nhạt hơn...
Dưới ngòi bút nóng bỏng của nghệ nhân, những đường nét hiện ra trên mặt gỗ thật sắc sảo, có hồn. Tuy chỉ có hai gam màu cơ bản là mầu trắng của gỗ và mầu nâu đậm hoặc nhạt tùy theo độ "cháy" nhưng với sự phối sắc, tạo hình tinh tế, nghệ nhân Nguyễn Phi Anh đã sáng tác nhiều tranh "bút lửa" độc đáo, có tính thẩm mỹ cao.
Thăm căn gác xép bằng gỗ xinh xắn của ông ở 14/2 Trần Hưng Đạo, Đà Lạt, nhiều người như bị thôi miên trước những bức tranh sinh động, lạ mắt... phảng phất nét hoang dã, huyền bí của miền đất Tây Nguyên hùng vĩ.
Nổi bật là các tranh phong cảnh phác họa đêm trăng huyễn hoặc ở Thung lũng tình yêu, rừng thông huyền bí ẩn hiện trong sương, hồ Xuân Hương lăn tăn gợn sóng thấp thoáng những cánh buồm thơ mộng... Về mảng chân dung, đặc biệt hơn cả là bức tranh khổ lớn "Bác Hồ trong hang Pắc Bó" tái hiện hình ảnh Bác thật gần gũi, giản dị nhưng cũng rất thanh cao. Bức chân dung ấy được chọn trưng bày tại Bảo tàng Hồ Chí Minh, còn bản thân họa sĩ được tặng bằng khen nghệ nhân xuất sắc.
Nhiều Việt kiều về thăm quê đã từng đến đặt hàng nghệ nhân Phi Anh. Đơn đặt hàng rất nhiều, nhất là từ các cửa hàng bán sản phẩm lưu niệm cho du khách.
Thế nhưng, Phi Anh không chạy theo số lượng mà dành nhiều thời gian công sức để thể hiện những đề tài độc đáo. Ông hay lang thang khắp các danh lam thắng cảnh tìm cảm hứng, tư liệu cho "những đứa con tinh thần" của mình.
Ngoài ra, Phi Anh còn tham gia nhiều cuộc triển lãm ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Nha Trang, Phú Yên...; "vẽ" chân dung cho người yêu nghệ thuật tại các địa phương để giới thiệu nghề chạm tranh "bút lửa" - nét duyên riêng có của Đà Lạt.
Khôi phục nghề truyền thống độc đáo
|
"Bút lửa" chỉ có thể "vẽ" trên bạch tùng bởi ván gỗ mầu trắng, không có dầu, khi ngòi đồng chạm vào, bề mặt tấm ván sẽ không bị cháy tràn lan mà hiện ra những đường nét tinh xảo, đúng với ý tưởng của họa sĩ.
Oái ăm thay, bạch tùng rất đắt và không dễ gì mua được bởi ở Việt Nam, loại cây này chỉ phân bố tại một số khu rừng thuộc tỉnh Lâm Đồng và được khai thác với số lượng hạn chế.
Thời gian đầu học nghề (năm 1981), Phi Anh rất lóng ngóng nên các tấm ván bạch tùng bị cháy loang lổ, phải cho vào bếp làm củi. Không nản lòng, Phi Anh vừa vẽ tranh sơn dầu kiếm tiền vừa kiên trì học chạm "bút lửa" và phải sau hai năm ròng rã, mới có được những tác phẩm ưng ý.
Hiện nay, dẫu đã 22 năm trong nghề nhưng nhiều khi ông vẫn phải vứt bỏ hàng loạt tranh đang vẽ dở dang vì bị hỏng.
Nghề chạm "bút lửa" không chỉ đòi hỏi khiếu hội họa, sự khéo léo mà còn rất cần sự nhẫn nại.
Thời hoàng kim của nghề chế tác hàng thủ công mỹ nghệ bằng gỗ (những năm 1985 - 1990), Đà Lạt có tới sáu hợp tác xã với hàng trăm nghệ nhân và thợ lành nghề tạo nên nhiều sản phẩm tinh xảo xuất khẩu sang một số nước châu Á và châu Âu, trong đó, tranh "bút lửa" là kỷ vật độc đáo, ấn tượng nên rất được ưa chuộng.
Tuy nhiên, sau năm 1990, do khan hiếm gỗ bạch tùng nên nghề chạm "bút lửa" gặp nhiều khó khăn, mất hẳn thị trường nước ngoài, các nghệ nhân lần lượt bỏ nghề, chỉ còn vài ba người bám trụ được nhưng chỉ sáng tác trong phạm vi gia đình hoặc theo đơn đặt hàng nhỏ lẻ của một số khách nước ngoài. Nguyên liệu gỗ chủ yếu do khách hàng tự tìm kiếm rồi nhờ nghệ nhân sáng tác.
Day dứt trước thực trạng hàng loạt "bút lửa" bị quăng vào xó nhà, Phi Anh bèn mở lớp để truyền nghề nhưng tiếc thay phần lớn người theo học chỉ theo cảm hứng nhất thời chứ không thực sự say mê, tâm huyết, một số người vì không đủ tiền mua gỗ bạch tùng nên bỏ học dở chừng. Do đó, mấy chục năm qua, không có lớp họa sĩ kế cận đạt tới trình độ cao, chuyên nghiệp trong nghề chạm "bút lửa".
Bởi nỗi lo thất truyền nghề truyền thống luôn canh cánh bên lòng nên trong năm 2005, khi tỉnh Lâm Đồng tổ chức cuộc thi "Sáng tạo những sản phẩm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp độc đáo phục vụ du lịch", nghệ nhân Phi Anh hăng hái ứng thi với tác phẩm "Bác Hồ trong hang Pắc Bó". Vượt qua gần cả trăm sản phẩm khác bức tranh đoạt giải nhất. Sự kiện đó khiến chính quyền địa phương phải nhìn nhận lại giá trị của nghề chạm "bút lửa"...
Sở công nghiệp quyết định hỗ trợ một phần kinh phí, giúp họa sĩ Phi Anh xây dựng phương án và triển khai đào tạo nghề cho lớp họa sĩ kế cận. Những ách tắc xung quanh vấn đề cung cấp nguyên liệu gỗ bạch tùng cũng đang được quan tâm tháo gỡ. Một bức tranh "bút lửa" chỉ khoảng 150 - 500 ngàn đồng, phù hợp với nhiều đối tượng khách hàng. |