Họa sĩ Vũ Bạch Liên, con gái họa sĩ Lê Lam cho biết, ông qua đời vào lúc 9 giờ 5 phút ngày 28/3 tại nhà riêng do tuổi cao sức yếu.
Họa sĩ Lê Lam tên thật là Vũ Quốc Ái, sinh năm 1931 tại Đông Anh, Hà Nội. Ông tốt nghiệp Trường Cao đẳng Mỹ thuật khóa Kháng chiến tại chiến khu Việt Bắc năm 1953, rồi làm việc tại Báo Ảnh Việt Nam và năm 1954 chuyển sang làm họa sĩ của Báo Quân đội nhân dân... Sau đó ông theo học tại Đại học Mỹ thuật Quốc gia Kiev, Liên Xô. Năm 1964 ông về nước và được phân công công tác làm giảng viên, chủ nhiệm Khoa Đồ họa trường Mỹ thuật Công nghiệp. Tháng 1/1965, ông mở triển lãm cá nhân đầu tiên tại số 10 Hàng Đào, với 114 tác phẩm và ký họa về đề tài tinh thần yêu nước, yêu nghệ thuật, trong đó có bộ tranh 20 bức với tên gọi “Từ tuyến đầu Tổ quốc”.
Năm 1966, họa sĩ Lê Lam cùng một số văn nghệ sĩ khác như nhạc sĩ Lưu Hữu Phước, nhạc sĩ Hoàng Hiệp, biên đạo múa Thái Ly... vào chiến trường miền nam công tác.
Ông có tới 9 năm sống và sáng tác tại chiến trường, trực tiếp ghi lại tinh thần chiến đấu anh dũng của quân và dân miền nam lúc bấy giờ. Trong thời gian sáng tác trên chiến trường, ông đã cho ra đời nhiều tác phẩm đáng chú ý, trong đó có bức tranh “Dừng lại”, mô tả một phụ nữ miền nam giang tay chặn trước họng súng của xe tăng địch.
Trong sự nghiệp của mình, họa sĩ Lê Lam có nhiều tác phẩm đáng chú ý, như bộ tranh đồ họa khổ lớn “Từ tuyến đầu Tổ quốc” (gồm 20 bức, chất liệu than và phấn màu), bộ tranh minh họa Kiều gồm 12 bức (chất liệu thuốc nước), các bức “Anh Hai Điểm” (1967), “Dừa nước” (1967), “Ăn liên hoan” (1969), “Nữ pháo binh Sài Gòn” (1969)... Bức tranh cổ động “Bảo vệ chính quyền nhân dân” của ông từng được in 18.000 bản, trưng bày tại Đại hội Đại biểu Quốc dân diễn ra ngày 8/6/1969. Tác phẩm “Từng giờ từng phút hướng về miền bắc” của họa sĩ Lê Lam từng giành giải Nhì tại Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc năm 1955. Ông cũng giành nhiều giải thưởng hội họa trong nước và quốc tế khác như Giải Khuyến khích châu Á-Thái Bình Dương NoMa (năm 1955), Huy chương Đồng - Triển lãm Đồ họa và Minh họa sách Quốc tế ở Tiệp Khắc (năm 1976), Giải Nhất - Tranh cổ động Thập kỷ Văn hóa Unesco (1988-1998)...
Năm 1973, ông về lại Hà Nội, hoạt động trong Hội Mỹ thuật Việt Nam. 5 năm sau, ông được bổ nhiệm làm Phó Giám đốc rồi Giám đốc Xưởng Mỹ thuật Quốc gia (trực thuộc Bộ Văn hóa) đến năm 1981. Năm 1990, ông nghỉ hưu.
Năm 2016, họa sĩ Lê Lam vinh dự được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật cho hai tác phẩm "Bảo vệ chính quyền nhân dân" và "Má Bến Tre".
Họa sĩ Vũ Bạch Liên cho biết, lễ viếng và truy điệu họa sĩ Lê Lam diễn ra từ 10 giờ 30 phút đến 11 giờ 30 phút tại Nhà tang lễ Cầu Giấy (số 1 Trần Vỹ, Mai Dịch, Cầu Giấy, Hà Nội). Họa sĩ Lê Lam được an táng tại nghĩa trang quê nhà xã Hải Bối, huyện Đông Anh, Hà Nội.