Sự kiện do Quỹ dân số Liên hợp quốc (UNFPA) phối hợp Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam tổ chức nhân Tháng Hành động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái và 16 ngày Hành động của Liên hợp quốc về phòng, chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái.
Đây là sáng kiến giữa Chính phủ Việt Nam và UNFPA để cùng chung tay chấm dứt phân biệt đối xử do định kiến giới; phòng, chống bạo lực gia đình; và bạo lực trên cơ sở giới tại Việt Nam.
Phát biểu tại buổi hòa nhạc, bà Trịnh Thị Thủy, Thứ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch nêu rõ, với sức mạnh lan tỏa của nghệ thuật, với cảm xúc thăng hoa từ âm nhạc, hãy cùng nhau hướng đến những điều tốt đẹp, cùng chung tay xóa bỏ suy nghĩ lạc hậu, định kiến; thay đổi nhận thức, hành vi để không còn bạo lực gia đình, không còn sự phân biệt đối xử giữa bé trai và bé gái, không còn sự bất bình đẳng giữa phụ nữ và nam giới, để mỗi ngôi nhà, mỗi gia đình thực sự là tổ ấm, là bến đỗ bình yên cho mọi người.
Buổi hòa nhạc có sự góp mặt của những nữ nghệ sĩ độc tấu trẻ xuất sắc và đầy triển vọng, hướng tới mục tiêu kết nối tất cả mọi người, kết nối phụ nữ và nam giới, kết nối các trẻ em gái và trẻ em trai, và kết nối những người có hoàn cảnh văn hóa-xã hội khác nhau đến từ nhiều vùng, miền khác nhau ở Việt Nam cũng như trên toàn thế giới.
Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới năm 2020 có chủ đề: “Chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em". Chương trình diễn ra từ ngày 15-11 đến 15-12 hằng năm, trên phạm vi toàn quốc. Hoạt động này nhằm tạo nên đợt cao điểm trong công tác truyền thông về bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới. Mục tiêu hướng tới tạo ra sự thay đổi tích cực trong xã hội về thực hiện bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới.
Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Việt Nam được các tổ chức quốc tế đánh giá là một trong những quốc gia đạt được nhiều thành tựu về bình đẳng giới, xóa bỏ khoảng cách giới, đặc biệt là trong lĩnh vực lao động, việc làm, chăm sóc sức khỏe, giáo dục...
Vấn đề bình đẳng giới ở Việt Nam đã được cải thiện trong những thập kỷ vừa qua. Hiện, nước ta nằm một trong ba nhóm các nước đứng đầu thế giới về tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội và tỷ lệ phụ nữ tham gia lao động, xếp thứ 68/166 nước về chỉ số phát triển giới. Những nỗ lực của Việt Nam cũng được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá là một trong 10 quốc gia thực hiện tốt nhất mục tiêu số 5 về thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho tất cả phụ nữ và trẻ em gái trong các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc.
Tuy nhiên, bạo lực gia đình và lựa chọn giới tính trên cơ sở định kiến giới - những hành vi gây tổn hại đến phụ nữ và trẻ em gái - vẫn đang tiếp diễn tại Việt Nam.