Trong năm 2022, nhờ sự nỗ lực vượt khó của doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh đã đóng góp quan trọng vào kết quả phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh với 17/19 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch đề ra. Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) đạt 9,03%. GRDP bình quân đầu người ước đạt 66,7 triệu đồng; thu ngân sách nhà nước đạt 5.274,1tỷ đồng; tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 18.720 tỷ đồng (chiếm khoảng 33% GRDP); giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt 1.437 triệu USD; giải quyết việc làm mới cho 16.700 lao động...
Công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh chuyển biến tích cực. Toàn tỉnh có 75 dự án đầu tư trong nước được chấp thuận chủ trương đầu tư, cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng vốn đăng ký khoảng 38.000 tỷ đồng, số dự án đầu tư được cấp phép đầu tư tăng 31 dự án, vốn đăng ký đầu tư bằng 102,2%. Lũy kế đến cuối năm 2022, trên địa bàn tỉnh Hoà Bình có tổng số 729 dự án đang hoạt động. Ngoài ra, trong năm có nhiều nhà đầu tư lớn đã đến tìm hiểu, khảo sát thực hiện các thủ tục đầu tư dự án như Tập đoàn VinGroup, Sun Group...
Trong năm có 495 doanh nghiệp thành lập mới với tổng số vốn đăng ký khoảng 10.950 tỷ đồng, so với năm 2021 số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng 9%. Tính đến hết năm 2022, trên địa bàn tỉnh có 4.296 doanh nghiệp, trong đó có 3.298 doanh nghiệp đang hoạt động có kê khai thuế, chiếm 76,7%. Hằng năm các doanh nghiệp đóng góp nộp ngân sách nhà nước đạt hơn 2.302 tỷ đồng, chiếm 47% tổng thu ngân sách toàn tỉnh. Số doanh nghiệp nộp ngân sách hơn 10 tỷ đồng có 30 doanh nghiệp với tổng số tiền nộp ngân sách: 3.855 tỷ đồng; giải quyết công ăn, việc làm ổn định cho 81.880 người lao động, thu nhập bình quân trên 5 đến 6 triệu đồng/người/tháng.
Năm 2023, tỉnh Hoà Bình đã đề ra 9 nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm; trong đó, tiếp tục triển khai các giải pháp nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; hỗ trợ các doanh doanh nghiệp, tư vấn, hướng dẫn miễn phí các thủ tục hồ sơ liên quan đến Đăng ký doanh nghiệp… Đẩy mạnh đổi mới phương thức, lề lối làm việc, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, đạo đức công vụ. Tiếp tục thực hiện cải cách thủ tục hành chính; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong chỉ đạo, điều hành qua môi trường mạng.
Bên cạnh đó, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các nhà đầu tư, giúp dự án sớm đi vào hoạt động. Tăng cường quản lý đầu tư xây dựng cơ bản, đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư đối với các dự án, chương trình có vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước, chương trình mục tiêu quốc gia góp phần tăng tiêu thụ các sản phẩm vật liệu xây dựng sản xuất trên địa bàn. Quan tâm công tác đầu tư hạ tầng các khu, cụm công nghiệp đã được quy hoạch nhằm tạo quỹ đất sạch phục vụ công tác thu hút đầu tư ổn định và lâu dài.
Hoà Bình cũng tiếp tục khuyến khích và tạo điều kiện hỗ trợ Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh và các hội doanh nghiệp, hội nghề nghiệp phát triển, định hướng cho các tổ chức hội phát huy vai trò, trách nhiệm của mình đưa chủ trương, chính sách của nhà nước tới các doanh nghiệp, nhà đầu tư, kịp thời phản ánh đến các cơ quan có thẩm quyền những kiến nghị, đề xuất và biện pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhà đầu tư.
Tại buổi gặp mặt, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bùi Văn Khánh nhấn mạnh, năm 2023 là năm bản lề có ý nghĩa rất quan trọng trong việc thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII, chính vì vậy tỉnh Hoà Bình sẽ tiếp tục chỉ đạo các cấp chính quyền, các sở, ban, ngành, địa phương tích cực giải quyết hoặc tham mưu cấp thẩm quyền giải quyết những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, nhà đầu tư, tạo sự chuyển biến rõ nét về thái độ ứng xử và phục vụ doanh nghiệp, nhà đầu tư; tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, minh bạch và có sự cạnh tranh công bằng, đúng nghĩa để mọi thành phần kinh tế đều có thể tham gia đóng góp vào sự phát triển chung của tỉnh.