Hỗ trợ toàn diện tăng tốc chuyển đổi số

Là đầu tàu cả nước về chuyển đổi số, Thành phố Hồ Chí Minh đang tăng tốc triển khai các giải pháp thực hiện các mục tiêu Chương trình chuyển đổi số thành phố để đưa kinh tế số trở thành động lực tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới.
0:00 / 0:00
0:00
Doanh nghiệp giới thiệu các giải pháp chuyển đổi số.
Doanh nghiệp giới thiệu các giải pháp chuyển đổi số.

Thách thức chuyển đổi số

Thành phố Hồ Chí Minh hiện có khoảng 268.000 doanh nghiệp, trong đó có khoảng 7.000 doanh nghiệp công nghệ thông tin, chiếm gần 1/3 doanh nghiệp cả nước. Thành phố đặt mục tiêu kinh tế số đóng góp 25% trong GRDP của địa phương năm 2025 và tăng lên 40% vào năm 2030 (năm 2023 dự kiến là 19%).

Mặc dù chuyển đổi số được xác định là xu thế toàn cầu và là giải pháp giúp các doanh nghiệp tối ưu hóa hoạt động quản trị, sản xuất, kinh doanh, tạo nền tảng, lợi thế cạnh tranh trong giai đoạn phát triển tiếp theo. Tuy nhiên, hoạt động chuyển đổi số đang gặp nhiều thách thức, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs). Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Võ Thị Trung Trinh xác định, khó khăn của các doanh nghiệp trong công tác chuyển đổi số không phải từ công nghệ mà chủ yếu từ nhận thức; vì thế, cần thúc đẩy tuyên truyền nâng cao nhận thức cho các doanh nghiệp.

Ở góc độ của đơn vị tư vấn và cung cấp giải pháp, Phó Tổng Giám đốc Thường trực Công ty cổ phần MISA Lê Hồng Quang nêu ra ba vấn đề chính trong quá trình chuyển đổi số của các doanh nghiệp SMEs. Thứ nhất là doanh nghiệp sử dụng các giải pháp rời rạc.

Mỗi bộ phận, phòng ban dùng một giải pháp khác nhau cho nên không kết nối được với nhau dẫn đến thông tin phải nhập đi nhập lại, dữ liệu phân mảnh. Vấn đề thứ 2 là khi doanh nghiệp lớn dần lên thì ứng dụng đang triển khai không còn phù hợp nữa và cần phải thay. Nhưng khi thay thế thì khó có thể kế thừa dữ liệu lịch sử rất quan trọng ở ứng dụng cũ.

Vấn đề thứ ba là chi phí cao, doanh nghiệp nào cũng muốn ứng dụng một hệ thống có tầm nhìn dài hạn như ERP (mô hình công nghệ tích hợp nhiều ứng dụng), tuy nhiên chức năng của ERP thì không thể sử dụng hết, ngân sách để sử dụng ERP cũng không nhỏ và hệ thống này cũng khá phức tạp để đào tạo vận hành.

Hỗ trợ toàn diện các giải pháp

Triển khai chương trình chuyển đổi số, Thành phố Hồ Chí Minh đã thành lập và vận hành cổng thông tin chuyển đổi số nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, cũng như cung cấp kiến thức, chia sẻ kinh nghiệm, giúp doanh nghiệp nâng cao nhận thức về chuyển đổi số. Thành phố cũng đẩy nhanh việc phát triển hạ tầng số, internet, 5G… thiết lập cổng thông tin hỗ trợ doanh nghiệp, tổng đài 1022 nhằm tiếp nhận phản ánh, giải đáp thông tin cho người dân và doanh nghiệp.

Bà Võ Thị Trung Trinh thông tin, Thành phố Hồ Chí Minh đã đưa ra nhiều chương trình hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số, song song với đầu tư hạ tầng và hỗ trợ doanh nghiệp công nghệ phát triển như: Thành lập Trung tâm Tư vấn và Hỗ trợ chuyển đổi số (DX Center) năm 2021; thực hiện đồng loạt các chương trình phát triển thương mại điện tử, phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực của địa phương (7 nhóm hàng công nghiệp, 4 nhóm hàng nông nghiệp chủ lực).

Ngoài ra, thành phố cũng đang thu hút doanh nghiệp đầu tư vào bằng cách ưu đãi lãi suất, hỗ trợ tiếp cận chương trình kích cầu, tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư, cũng như sử dụng hiệu quả quỹ phát triển khoa học và công nghệ… nhằm cung cấp dịch vụ số cho thành phố cũng như các khu vực ở Đông Nam Bộ phát huy thế mạnh của vùng.

Tại Hội nghị và triển lãm Biztech Việt Nam năm 2023 vừa diễn ra tại Thành phố Hồ Chí Minh ngày 6/7 vừa qua, bà Nguyễn Thị Thu Giang - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) cho biết, VINASA cùng các hội viên nói riêng cũng như các doanh nghiệp công nghệ số nói chung mong muốn sát cánh cùng các doanh nghiệp vượt qua những khó khăn chung một cách thiết thực.

Chỉ một thời gian ngắn sau lời kêu gọi của VINASA, gần 70 giải pháp số của 50 doanh nghiệp công nghệ số đã đăng ký chương trình ưu đãi. Các giải pháp số ưu đãi bao phủ hầu hết các nghiệp vụ của doanh nghiệp: Văn phòng số, quản trị công việc, nhân sự, bán hàng, truyền thông-marketing, kế toán-tài chính... Tất cả các nền tảng, giải pháp số tham gia chương trình đều cam kết dành ưu đãi ít nhất 30% hoặc miễn phí sử dụng đến 1 năm.

Tổng mức ưu đãi các doanh nghiệp đăng ký trong chương trình là gần 50 tỷ đồng. "Ban tổ chức kỳ vọng, với những ưu đãi này, các doanh nghiệp sẽ có cơ hội áp dụng và trải nghiệm sự ưu việt của công nghệ số, từ đó có thể đầu tư đúng mức và phù hợp hơn cho chuyển đổi số" - bà Nguyễn Thị Thu Giang chia sẻ.

Để giải quyết bài toán chuyển đổi số cho doanh nghiệp, MISA phát triển nền tảng quản trị doanh nghiệp hợp nhất MISA AMIS đáp ứng nhu cầu dễ dàng triển khai - chi phí rẻ-nhanh mang đến kết quả của SMEs trong quá trình chuyển đổi số. Điểm nổi bật của nền tảng là được phân chia thành các ứng dụng nhỏ, phù hợp với mọi nhu cầu theo quy mô, ngành nghề của từng doanh nghiệp.

Hệ sinh thái MISA AMIS cho phép doanh nghiệp lựa chọn triển khai một số nghiệp vụ theo nhu cầu và sẵn sàng đáp ứng bổ sung thêm các nghiệp vụ khác khi doanh nghiệp mở rộng quy mô và gia tăng thêm nhu cầu quản lý ở các lĩnh vực khác. "Nền tảng MISA AMIS bao gồm các giải pháp chuyển đổi số toàn diện trong lĩnh vực tài chính-kế toán, marketing-bán hàng, quản trị nhân sự và văn phòng số. Các ứng dụng trong nền tảng được kết nối chặt chẽ với nhau giúp các bộ phận trong doanh nghiệp giảm sự chồng chéo, lãng phí nguồn lực" - ông Lê Hồng Quang cho biết thêm.