Hội thảo nhằm cung cấp thông tin về chính sách, nắm bắt nhu cầu chuyển giao, đổi mới công nghệ của doanh nghiệp và khả năng đáp ứng của các đơn vị nghiên cứu; mở ra cơ hội kết nối, hợp tác giữa doanh nghiệp với các đơn vị nghiên cứu…
Tại hội thảo, các đại biểu tham dự đã trao đổi, thảo luận xoay quanh các nội dung: chính sách hỗ trợ hoạt động tìm kiếm, kết nối, đổi mới công nghệ và đổi mới sáng tạo; thực trạng hợp tác giữa trường đại học, doanh nghiệp và địa phương trong nghiên cứu, chuyển giao, thu hút đầu tư cho phát triển kinh tế-xã hội.
Bên cạnh đó, các nhà quản lý, nhà khoa học… cũng lắng nghe các thuận lợi, khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai các chính sách và mô hình hợp tác, hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm, kết nối, đổi mới công nghệ và đổi mới sáng tạo cùng những kinh nghiệm liên quan tới chính sách hỗ trợ đổi mới công nghệ và đổi mới sáng tạo.
GS, TS Lê Quân, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính sách nhằm tạo điều kiện để các sản phẩm khoa học và công nghệ trở thành hàng hóa, nhanh chóng chuyển giao và ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, kinh doanh là nhiệm vụ trọng tâm trong chiến lược phát triển kinh tế-xã hội đất nước.
Với tiềm lực về hạ tầng, nhân lực và mạng lưới đối tác rộng khắp trong nước và quốc tế, Đại học Quốc gia Hà Nội đã triển khai một số chính sách tiêu biểu như: Ưu tiên đầu tư kinh phí cho các nhiệm vụ phát triển sản phẩm ứng dụng trọng điểm, phát triển các phòng thí nghiệm, trung tâm nghiên cứu trọng điểm, nhóm nghiên cứu mạnh với nhiều điều kiện thuận lợi trong tổ chức và hoạt động. Đến nay, Đại học Quốc gia Hà Nội có khoảng 175 sản phẩm khoa học và công nghệ tiềm năng có khả năng chuyển giao và thương mại hóa.
Đại học Quốc gia Hà Nội cũng ban hành Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo giai đoạn 2021-2030 với quan điểm “khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là nền tảng, động lực cho sự phát triển của Đại học Quốc gia Hà Nội”; thành lập Kênh hợp tác và phát triển doanh nghiệp và phát triển thành điểm kết nối cung-cầu khoa học và công nghệ của đơn vị các doanh nghiệp trong và ngoài nước, các khu công nghệ cao…
Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hải Phòng Trần Quang Tuấn chia sẻ kinh nghiệm hỗ trợ tìm kiếm, kết nối công nghệ và đổi mới sáng tạo của địa phương. Theo đó, thành phố Hải Phòng đã triển khai xây dựng sàn giao dịch khoa học và công nghệ, khảo sát nhu cầu, tạo lập mạng lưới kết nối cung-cầu trong và ngoài nước. Ông Tuấn đề xuất đặt hàng các chuyên gia, nhà khoa học nghiên cứu về lĩnh vực công nghệ biển, đặc biệt là công nghệ khai thác năng lượng biển, công nghệ sinh vật biển và hậu cần nghề cá của địa phương, công nghệ chế biến thủy hải sản, công nghệ đóng tàu, logistics, nghiên cứu giải pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường biển…
Theo Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt, với triết lý lấy doanh nghiệp làm trung tâm của hoạt động đổi mới sáng tạo, Bộ Khoa học và Công nghệ đang thực hiện tái cơ cấu các chương trình, nhiệm vụ khoa học và công nghệ với mục tiêu cung cấp các hỗ trợ đồng bộ, từ hoạt động tìm kiếm, xác định nhu cầu công nghệ đến hoạt động chuyển giao, ứng dụng, đổi mới công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Cùng với đó, Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành nhiều chính sách tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp thông qua Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia, Quỹ phát triển khoa học và công nghệ quốc gia, đồng thời phối hợp với các đơn vị liên quan tập trung tháo gỡ các vướng mắc trong trích lập, sử dụng quỹ để đưa các nhiệm vụ gắn với nhu cầu xã hội, chuỗi giá trị của sản phẩm, hỗ trợ, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp đổi mới công nghệ và đổi mới sáng tạo…