BLOCKCHAIN là công nghệ được ưu tiên nghiên cứu, phát triển và ứng dụng để chủ động tham gia cách mạng công nghiệp 4.0 theo Quyết định số 2117/QĐ-TTg ngày 16/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ. Khi tiếp cận blockchain, không ít người cho đây là công nghệ cao siêu nhưng thực chất nó là hệ thống lưu trữ dữ liệu, đạt mức độ công khai, minh bạch, không bị thay đổi và khó bị tấn công.
Để tận dụng thế mạnh của công nghệ này, nhiều lĩnh vực đã được ứng dụng thời gian qua. Đặc biệt, trong đại dịch Covid-19, nhu cầu tiếp cận công nghệ blockchain tăng cao. Nhiều quốc gia như Singapore, Hàn Quốc, Malaysia đã và đang ứng dụng blockchain vào quản lý “hộ chiếu vắc-xin” để chuẩn bị cho giai đoạn phục hồi kinh tế.
Tại Việt Nam, blockchain cũng được một số bệnh viện ứng dụng để quản lý hồ sơ bệnh nhân, hoặc tạo ra các nền tảng kinh doanh mới trong bối cảnh thói quen mua sắm có nhiều thay đổi. Ngoài ra, một số ngành, lĩnh vực khác đã ứng dụng công nghệ blockchain như: Truy xuất nguồn gốc thực phẩm trong nông nghiệp; một số cơ sở giáo dục ứng dụng để minh bạch và công khai thông tin văn bằng tốt nghiệp của sinh viên; một số ngân hàng ứng dụng nhằm nâng cao tính linh hoạt trong phát hành thư tín dụng (L/C)... Nhiều chuyên gia cho rằng, công nghệ blockchain phát huy giá trị nhất cho lĩnh vực tài chính - ngân hàng và công nghiệp game vì tính năng minh bạch, con người không thể can thiệp vào quá trình giao dịch.
Theo một khảo sát mới đây, có khoảng 10% số công ty khởi nghiệp giai đoạn đầu tập trung vào công nghệ blockchain. Tại Việt Nam, hệ sinh thái cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo về blockchain đã hình thành, với số lượng startup tăng; giá trị các khoản đầu tư vào các dự án khởi nghiệp nhích dần; đã hình thành một số vườn ươm hỗ trợ startup… Bên cạnh đó, Bộ Khoa học và Công nghệ đã phê duyệt Chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp quốc gia giai đoạn đến năm 2025, trong đó mục tiêu là hỗ trợ để có ít nhất 30 giải pháp công nghệ được hình thành từ các công nghệ chủ chốt mà Việt Nam có lợi thế, trong đó có công nghệ blockchain.
Từ thực tiễn hỗ trợ thành công các nhóm khởi nghiệp blockchain đưa sản phẩm ra thế giới, ông Đào Hoàng Thanh, Giám đốc Công nghệ Vườn ươm LaunchZone chia sẻ, tại Việt Nam, chuyển đổi số chỉ mới bắt đầu. Việc ứng dụng công nghệ mới, bắt kịp xu hướng thời đại đang mang lại giá trị to lớn. Thực tế chứng minh, một số công ty khởi nghiệp về blockchain được định giá tỷ đô, đặc biệt trong top 200 công ty blockchain trên thế giới có một số công ty của Việt Nam. “Trước đây, điều này là chuyện không tưởng, còn giờ đây startup Việt đang đứng ngang hàng và có thể cạnh tranh sòng phẳng với các quốc gia phát triển khác”, ông Đào Hoàng Thanh cho hay.
Theo nhiều chuyên gia, Việt Nam có nguồn nhân lực được đào tạo tốt về tư duy toán học. Các dự án xuất phát từ đội ngũ từng làm gia công phần mềm cho nước ngoài, khả năng thích ứng về sản phẩm nhanh. Đây là thế mạnh không phải quốc gia nào cũng có. Thế nhưng, điểm yếu của startup Việt là chưa đủ nhạy bén về xu hướng thị trường, nhiều dự án chưa có hướng đi rõ ràng. Rào cản ngôn ngữ cũng khiến startup dễ mất tự tin trong quá trình thuyết phục nhà đầu tư nước ngoài rót vốn...
Bởi vậy, theo ông Đinh Quang Lộc, Giám đốc Marketing Vườn ươm LaunchZone, những vườn ươm như LaunchZone đóng vai trò “ươm mầm”, định hướng sản phẩm phù hợp xu thế, hỗ trợ giới thiệu sản phẩm cho các startup blockchain Việt Nam rất cần thiết. Nếu chỉ có công nghệ hay sản phẩm tốt thì chưa đủ, có vốn đầu tư cũng không chắc sẽ thành công, mà cần kết hợp nhiều yếu tố: Vốn, công nghệ, con người và chiến lược marketing. Có nhiều hình thức LaunchZone có thể hỗ trợ cho các startup, từ tư vấn, định hướng, cố vấn cho đến hỗ trợ giới thiệu các dự án ra cộng đồng quốc tế và đầu tư góp vốn nếu dự án có tiềm năng, đội ngũ và sản phẩm chất lượng.
Có thể nói, việc phát triển, ứng dụng blockchain đã có những kết quả bước đầu, thể hiện trí tuệ Việt Nam trên thị trường công nghệ thế giới, bắt nhịp với sự phát triển nền kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, để thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, cần sớm có cơ chế thu hút nguồn vốn đầu tư cho các startup lĩnh vực blockchain. Đặc biệt, cần xây dựng khung pháp lý cho các sản phẩm, dịch vụ phát triển trên nền tảng công nghệ blockchain để thúc đẩy ứng dụng.
TS Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp khoa học và công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) phân tích, ứng dụng phổ biến nhất của blockchain là lĩnh vực tài chính gồm ngân hàng, thanh toán, tín dụng, huy động vốn, bất động sản. Đó là lĩnh vực rất nhạy cảm của nền kinh tế, việc ứng dụng blockchain có thể tạo ra đột phá, tiến bộ vượt bậc nhưng sẽ có những rủi ro. Việt Nam là nước đang phát triển, cần có lộ trình để tiếp thu công nghệ từng bước.
Ông cho biết, Ngân hàng Nhà nước đã trình Bộ Tư pháp xây dựng quy định cơ chế đặc thù để ứng dụng thử nghiệm cho một số đối tượng lĩnh vực thanh toán sử dụng công nghệ blockchain. Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đang nghiên cứu hình thức giao dịch vốn dành cho startup và các hình thức huy động vốn khác. Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đang nghiên cứu sửa đổi Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa để doanh nghiệp tiếp cận nguồn đầu tư mạo hiểm nước ngoài thuận tiện hơn ■