Hỗ trợ người yếu thế vượt qua dịch bệnh

TP Hồ Chí Minh, tỉnh Đồng Nai và một số địa phương thuộc tỉnh Bình Dương đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ (Chỉ thị 16) để dồn toàn lực khống chế, đẩy lùi đợt dịch Covid-19 lần thứ tư diễn biến hết sức phức tạp. Trong cuộc chiến này, các địa phương phải triển khai thực hiện nhiều công việc, trong đó có nhiệm vụ chăm lo đời sống cho người dân, nhất là những người lao động nghèo...

Cụ già mưu sinh bằng nghề bán vé số dạo ở Cần Thơ. (Ảnh chụp ngày 8/7, trước khi tạm dừng bán vé số). Ảnh: QUỐC DŨNG.
Cụ già mưu sinh bằng nghề bán vé số dạo ở Cần Thơ. (Ảnh chụp ngày 8/7, trước khi tạm dừng bán vé số). Ảnh: QUỐC DŨNG.

Những ngày bình thường, TP Biên Hòa (Ðồng Nai) là nơi kinh doanh, buôn bán rất sầm uất, thu hút một lượng lớn người lao động từ các địa phương khác đến làm việc. Từ khi đợt dịch Covid-19 thứ tư bùng phát đến nay, nhiều cửa hàng kinh doanh dịch vụ buộc phải đóng cửa, đã tác động rất lớn đến nhiều người, nhất là người lao động tự do và những người được xem là yếu thế trong xã hội.

Bà Hứa Thị Mùi, 79 tuổi, quê tỉnh Nam Ðịnh, thuê trọ tại phường Thống Nhất, TP Biên Hòa cho biết, thường ngày bà đi bán vé số để kiếm sống, nhưng hơn một tháng nay người mua ngày càng ít, khiến cuộc sống gia đình bà thêm khó khăn. Từ ngày 9/7, khi tỉnh Ðồng Nai thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, việc phát hành vé số ngưng hẳn, bà phải đi nhặt ve chai để có chút tiền cầm cự qua ngày. Bà Mùi bày tỏ: "Tôi chỉ mong dịch bệnh nhanh chóng qua đi, cuộc sống trở lại bình thường, ai cũng có công việc ổn định để lo cho bản thân".

Còn chị Nguyễn Thị Thu Tuyết, 25 tuổi, nhân viên phục vụ một nhà hàng trên đường Võ Thị Sáu, TP Biên Hòa cũng đã nghỉ việc hơn một tháng nay. Chị trải lòng: "Dịch bệnh như hiện nay tôi chưa biết làm gì. Kiếm việc làm lúc này quả thật rất khó với người không có trình độ chuyên môn gì như tôi. Chỉ mong dịch qua nhanh, nhà hàng mở cửa lại".

Lâu nay, tỉnh Bình Dương là nơi thu hút khá nhiều lao động tự do đến mưu sinh với các công việc như thợ hồ, bán vé số, nhân viên bán quán… Phần lớn họ sinh sống trong các khu nhà trọ tại các thành phố, thị xã thuộc tỉnh. Không có việc làm và khó khăn khi trở về quê, đây là những người dễ tổn thương nhất trước ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Gia đình bà Thị Nhung, dân tộc Khmer, quê Tiền Giang có tám người tá túc trong căn nhà trọ rộng 20 m2 trên đường Thích Quảng Ðức, TP Thủ Dầu Một (Bình Dương). Bà Nhung và chồng phụ việc cho quán cơm; các con trai, con dâu làm cho các nhà hàng.

Ðợt dịch lần này, cả tám người trong gia đình bà đều đã phải nghỉ làm hơn một tháng nay. Bà Nhung cho hay, đợt dịch năm nay, chủ quán cơm hỗ trợ 500 nghìn đồng, còn hai tháng tiền nhà trọ được hỗ trợ từ chị chủ nhà tốt bụng. Các con của bà không được các chủ quán hỗ trợ khi các nhà hàng cũng phải đóng cửa, không có thu nhập.

Không giống như bà Nhung, ông Nguyễn Gia Tú, 54 tuổi, ở khu nhà ở xã hội Ðịnh Hòa, TP Thủ Dầu Một, từng có tám năm làm chuyên viên kỹ thuật cho một công ty nhựa. Năm 2020, khi dịch Covid-19 mới bùng phát, công ty của ông không có việc phải cắt giảm lao động. Vì tuổi đã cao, thị lực bắt đầu suy giảm, ông Tú nằm trong số lao động bị chấm dứt hợp đồng. Sau hai tháng nghỉ việc, ông dùng số tiền trợ cấp thất nghiệp cho tám năm lao động thuê một căn phòng dưới chân cầu thang rộng khoảng 2 m2 để làm xưởng mộc. Nhưng rồi dịch bệnh lại bùng phát và những khó khăn lại đến với ông. Ông Nguyễn Gia Tú cho biết: "Trước đây đi làm công ty, ngày cũng kiếm được 500 nghìn đồng. Về làm mộc thì túc tắc; dịch bệnh, việc càng ít đi. Có người tới đặt đóng bàn ghế, vài hôm sau có dịch, họ lại báo là không đóng nữa...".

TP Hồ Chí Minh là vùng đất lành, chốn mưu sinh của hàng triệu người dân khắp mọi miền đất nước nhiều năm qua. Theo UBND thành phố Hồ Chí Minh, trong sáu nhóm đối tượng được hỗ trợ do ảnh hưởng dịch Covid-19 lần này, thành phố đặc biệt quan tâm đến khoảng 230 nghìn người lao động tự do đang khó khăn chồng chất...

Sáng 10/7, cầm phong bì đựng 1,5 triệu đồng có ghi tên mình được cán bộ phường trao tận nhà, bà Lê Thị Tình, ngụ khu phố 3, phường 25, quận Bình Thạnh (TP Hồ Chí Minh) cảm động cho hay: "Tôi thu gom ve chai nhưng phải nghỉ cả tháng nay rồi. Sự hỗ trợ kịp thời của chính quyền thành phố làm cho những người khó khăn như tôi ấm lòng".

Bà Tình thuộc nhóm lao động tự do (người bán vé số, thu gom ve chai, buôn gánh bán bưng...), được địa phương lập hồ sơ chi trả từ gói hỗ trợ an sinh cho người dân trên địa bàn thành phố bị ảnh hưởng dịch Covid-19 theo quyết định của UBND thành phố Hồ Chí Minh. Từ ngày 8/7 đến nay, nhiều quận, huyện đã tích cực phê duyệt hồ sơ, tổ chức chi trả, có nơi chi trả tại nhà cho người
thụ hưởng.

Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội (LÐ-TB và XH) quận Bình Thạnh (TP Hồ Chí Minh) Nguyễn Thị Ngọc Loan cho biết, trước mắt, ba phường của quận gồm phường 11, 19, 25 sẽ chi trả hỗ trợ cho người lao động tự do (mức chi 1,5 triệu đồng/lần), cán bộ đến tận nhà người dân để trao tiền nhằm hạn chế tập trung đông người, bảo đảm công tác phòng, chống dịch. Toàn quận Bình Thạnh có khoảng 15 nghìn lao động tự do đủ điều kiện nhận hỗ trợ, quận tạm ứng trước từ ngân sách địa phương cho mỗi phường 500 triệu đồng để chi trả.

Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan, trong vòng bảy ngày, chính quyền các địa phương phải hoàn tất hồ sơ chi trả, hồ sơ nào không đủ điều kiện phải trả lời bằng văn bản ngay cho đối tượng thụ hưởng biết rõ. Gói chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 lần này của TP Hồ Chí Minh có kinh phí khoảng 886 tỷ đồng; trong đó, số lao động tự do thuộc diện hỗ trợ khoảng 230 nghìn người. Cố gắng đến giữa tháng 7 chi trả hỗ trợ xong cho 150 nghìn người lao động tự do. Sáng cùng ngày, Ủy ban MTTQ thành phố Hồ Chí Minh đã chuyển số tiền gần 4 tỷ đồng cho Mặt trận các địa phương của thành phố để mua nhu yếu phẩm thiết yếu chăm lo cho người dân, không để người dân nào bị thiếu thốn, nhất là thiếu ăn.

Những người cơ nhỡ, vô gia cư thuộc đối tượng bảo trợ xã hội sẽ được thành phố chăm lo, tạo điều kiện sinh sống trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội. Giám đốc Sở LÐ - TB và XH TP Hồ Chí Minh Lê Minh Tấn cho biết, tính từ ngày 31/5 đến nay đã có khoảng 50 người (chủ yếu người cao tuổi và trung niên) được đưa vào Trung tâm Hỗ trợ xã hội thành phố. Những người này được xét nghiệm tầm soát Covid-19, chăm sóc chu đáo…

Để kịp thời hỗ trợ người dân có hoàn cảnh khó khăn bị ảnh hưởng do giãn cách xã hội, nhiều tổ chức, đơn vị, đoàn thể, cá nhân ở Ðồng Nai đã có những hoạt động ý nghĩa. Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh Ðồng Nai Ðỗ Thị Phước Thiện cho biết, từ tháng 5 đến nay, Hội đã kêu gọi, vận động cán bộ, hội viên, tình nguyện viên Chữ thập đỏ và các tổ chức, cá nhân, đơn vị, doanh nghiệp, các tầng lớp nhân dân tích cực đóng góp, ủng hộ tiền, hàng, vật chất.

Liên đoàn Lao động tỉnh Ðồng Nai cũng đã tổ chức các đoàn thăm, trao quà khẩn cấp tặng hàng trăm người lao động có hoàn cảnh khó khăn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, mỗi suất trị giá 500 nghìn đồng. Ngoài ra, để chia sẻ khó khăn với công nhân, nhiều chủ nhà trọ ở Ðồng Nai đã giảm tiền thuê phòng. Chị Huỳnh Thanh Thúy, ở huyện Nhơn Trạch, có 13 phòng trọ cho thuê với mức từ 1 đến 1,2 triệu đồng/tháng/phòng, từ tháng 6/2021 đã giảm 50% tiền thuê phòng cho công nhân. Trước đó, vào thời điểm dịch bùng phát năm 2020, gia đình chị Thúy cũng đã giảm 50% tiền thuê trọ cho công nhân trong hai tháng 4 và 5.

Ðối với việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 1/7/2021 của Chính phủ về hỗ trợ một số đối tượng lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, ngày 9/7, Sở LÐ-TB và XH tỉnh Ðồng Nai đã có Tờ trình gửi UBND tỉnh ban hành quyết định, kế hoạch trỗ trợ người lao động.

Triển khai các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19, UBND tỉnh Bình Dương đã giao Sở LÐ-TB và XH phối hợp Sở Tài chính và các cơ quan, đơn vị có liên quan căn cứ Nghị quyết số 68/NQ-CP khẩn trương tham mưu các chế độ, chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh. Ðược biết, Sở LÐ-TB và XH tỉnh Bình Dương đang lập kế hoạch cụ thể và sẽ hoàn thành trong tuần tới để báo cáo, tham mưu UBND tỉnh có chính sách hỗ trợ kịp thời đối với người yếu thế gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19...

Hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng Covid-19