Cau là cây trồng truyền thống của người Ca Dong ở vùng núi cao huyện Sơn Tây. Huyện miền núi này hiện có hơn 1.000ha cau và “thủ phủ” cau của tỉnh Quảng Ngãi.
Hỗ trợ người dân Ca Dong trồng mới cây chủ lực
Hơn 1.000ha cau, chủ yếu là trồng thành vườn, vùng tập trung trải dài các đồi núi huyện Sơn Tây, nhiều nhất là các xã Sơn Dung, Sơn Long, Sơn Mùa... Là cây trồng truyền thống có giá trị kinh tế, nguồn thu nhập ổn định của người dân Ca Dong, đến nay huyện miền núi này khoảng 600 hộ có số lượng cây trồng từ 1000 cây trở lên. Sau hàng chục năm khai thác, hiện có hơn 200ha cau lâu niên, năng suất thấp, khó thu hoạch. Để trồng mới, trồng thay thế cây cau cho vùng chuyên canh, ngành nông nghiệp hỗ trợ người dân trồng mới diện tích vườn cây lâu năm.
Anh Đinh Văn Hùng cho biết: Gia đình anh có hơn 200 cây cau trồng và thu hoạch gần 20 năm. Cùng với chăm sóc số cây trồng cũ, anh được xã hướng dẫn trồng cây con, bổ sung cho cây lâu năm. “Sau khi trồng ba năm nữa tôi sẽ bỏ dần những cây già, năng suất thấp. Cán bộ hướng dẫn kỹ thuật mới mình trồng cây sống nhiều hơn”, anh Hùng chia sẻ.
Từ năm 2019 đến nay, huyện miền núi Sơn Tây, tỉnh Quảng Ngãi trồng mới khoảng 900ha cau. Mỗi năm, huyện Sơn Tây trồng mới khoảng 166ha cau, thay thế cho diện tích cây trồng già cỗi, năng suất thấp. Biện pháp canh tác này giúp đồng bào Ca Dong giữ vườn cây trồng hộ gia đình ổn định được thu nhập và tăng năng suất của vườn cau và vùng chuyên canh cho miền núi. Với chính sách chủ động trồng mới, thay thế diện tích cau lâu năm, đến năm 2025, huyện miền núi tỉnh Quảng Ngãi vùng chuyên canh cây cau tập trung khoảng 2.000ha, trở thành vùng nguyên liệu cau xuất khẩu lớn trong vùng.
Mở rộng vùng chuyên canh cau tươi xuất khẩu
Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Sơn Tây Phạm Hồng Khuyến cho biết: Cau là cây trồng bản địa, thích nghi với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng và thói quen canh tác của người Ca Dong, cho thu nhập ổn định. Trồng mới, thay thế diện tích cau để giữ ổn định số lượng cây trồng cũng như sản lượng thu hoạch hàng năm. Qua đó, giữ được vùng chuyên canh cây cau và hướng đến xuất khẩu nhiều hơn.
Ngành nông nghiệp hỗ trợ người dân Ca Dong giống, phân bón, kỹ thuật và hướng đến liên kết tiêu thụ đảm bảo đầu ra ổn định cho cây trồng chủ lực ở miền núi. Mỗi ha cau thu hoạch từ 100-120 triệu một năm, chi phí đầu tư thấp, phù hợp với tập quán và trình độ canh tác của đồng bào Ca Dong; mang lại thu nhập cao cho người dân vùng cao.
“Cây truyền thống nên bà con dễ chăm sóc. Cây lên rồi cũng không tốn nhiều công, trồng mở rộng thêm để có thêm cau bán cho thương lái thu mua”, anh Đinh Văn Thanh cho biết.
Chủ động mở rộng vùng nguyên liệu cau tươi hướng đến xuất khẩu. |
Huyện Sơn Tây hiện nay có 16 cơ sở thu mua, chế biến cau với công suất khoảng 8.000 tấn/vụ. Nguồn nguyên liệu cau tươi đáp ứng khoảng 65% công suất, xuất khẩu đến nhiều nước như Trung Quốc, Ấn độ, Hàn Quốc… Tùy nhu cầu thị trường, mỗi năm giá cau khá ổn định và có xu hướng tăng. “So với một số loại cây trồng chính vùng núi như keo, sắn thì cây cau vẫn là cây trồng cho hiệu quả kinh tế cao. Vì vậy, xã vận dụng nhiều chính sách, hỗ trợ để bà con trồng mới, mở rộng thành vùng chuyên canh thay dần các cây trồng hiệu quả kinh tế thấp”, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Sơn Long Đỗ Thanh Vượt chia sẻ.
Cùng với công tác hỗ trợ người dân Ca Dong trồng mới, trồng thay thế diện tích cau để mở rộng vùng nguyên liệu xuất khẩu, ngành nông nghiệp sẽ xây dựng mã vùng trồng và thương hiệu sản phẩm, xúc tiến kêu gọi các doanh nghiệp, đầu tư vào lĩnh vực chế biến chuyên sâu cây trồng chủ lực này.