Cây cau được trồng nhiều ở Việt Nam, nhất là vùng Thanh Hóa, Nghệ An. Cau nhà trồng bằng quả, 5 – 6 năm mới thu hoạch Cau tứ thời cây thấp đã có quả, ra quả quanh năm.
Cau rừng còn gọi là sơn tân lang, cây bé, hạt nhỏ, nhọn và chắc hơn. Vùng Nghệ An, Thanh Hóa có nhiều. Bộ phận thường dùng làm thuốc là hạt cau và vỏ cau.
* Hạt cau già phơi khô. Trong hạt cau có tanin. Hoạt chất chính là 4 alcaloid, chủ yếu là arecolin, arecaidin, guvacin, guvacolin. Ngoài ra còn có mỡ béo, các đường, muối vô cơ và sắc tố đỏ.
Công dụng:
Hạt cau, theo đông y, vị chát, đắng, cay, tính âm, vào hai kinh Vị, Đại trường, có tác dụng tẩy giun, làm tiêu chất tích đọng, đưa hơi xuống, lợi tiểu.
Dùng chữa các chứng bệnh giun sán, ăn không tiêu, đầy bụng, tức ngực, tả lỵ, viêm ruột, thủy thũng.
Liều dùng: 3 – 10g, dùng sống hay có thể sao lửa nhẹ, sắc uống.
Dung dịch hạt cau có tác dụng độc đối với thần kinh của sán, 20 phút sau khi thuốc vào tới ruột, con sán bị tê liệt không bám vào thành ruột được nữa.
Lưu ý: Người do yếu mệt mà sinh đầy, trẻ em và phụ nữ có thai không được dùng hạt cau khô.
Bài thuốc:
Bài số 1: Chữa đau bụng, đầy bụng, tẩy giun đũa:
Hạt cau (binh lang) 5g
Hắc sửu 4g
Lôi hoàn 4g
Mộc hương 4g
Nhân trần 5g
Tạo giác 3g
Chế thành thuốc viên, uống
Bài số 2: Chữa sán
Vỏ rễ lựu 40g
Hạt cau 4g
Đại hoàng 4g
Nước 600ml (3 bát) sắc lấy 1 bát, uống sáng sớm, chia làm nhiều lần trong vòng 30 phút, khi đi ngoài ngồi vào chậu nước ấm.
Bài số 3: Chữa sán
Hạt cau 15g
Nhân hạt bí đỏ 30g
Tán nhân hạt bí thành bột. Sắc hạt cau lấy nước, uống bột hạt bí với nước hạt cau.
Bài số 4: Chữa sán
Hạt cau 15g
Sơn tra tươi 500g
(Trẻ em giảm một nửa. Nếu dùng dược liệu khô, người lớn 250g trẻ em 120g). Sơn tra rửa sạch, bỏ hạt. Từ 3 giờ chiều bắt đầu ăn dần dần, đến 10 giờ tối ăn hết, không ăn cơm tối. Sáng hôm sau lấy 30g hạt cau, thêm nước, đun sôi lấy 1 chén chè con, uống làm 1 lần, cho hết. Nằm nghỉ trên giường. Khi muốn đại tiện, gắng gượng nhịn một lúc lâu rồi hãy đi đại tiện.
Bài số 5: Tẩy giun đũa, sán:
Hạt cau 15g
Vỏ lựu 9g
Hạt bí đỏ 9g
Sắc uống. Uống khi đói
Bài số 6: Chữa hàn thấp, cước khí thời kỳ đầu, chân đùi sưng đau, hoặc tức ngực, buồn nôn:
Hạt cau 12g
Mộc qua 9g
Trần bì 4,5g
Cát cánh 6g
Gừng sống 6g
Tía tô 3g
Bài số 7: Chữa khí trệ, đau bụng, đại tiện khó:
Hạt cau – Chí thực – Ô dược – Mộc hương: Các vị lượng như nhau. (Mỗi thứ 6g). Sắc lấy nước đặc uống
* Vỏ quả cau già gọi là đại phúc bì, là vỏ quả róc ra đem đập cho tơi, ngâm vào nước, vớt ra phơi khô rồi lại đập tơi, cho róc lớp da ngoài.
Vị thuốc này theo đông y, vị cay, tính hơi ấm, vào hai kinh Tỳ và Vị, có tác dụng đưa hơi đi xuống, làm tiêu thoát nước, dùng chữa các chứng bệnh thủy thũng cước khí, bụng đầy tức (tác dụng chậm nhẹ, không mạnh như hạt cau ).
Liều dùng: 5 – 10g. Sắc uống
Lưu ý: Người thế hư, sức yếu dùng phải cẩn thận.
Bài thuốc:
Bài số 1: Thuốc bột chính khí gia giảm: Chữa chứng thấp, cản trở tiêu hóa, khí trệ, trướng đầy:
Đại phúc bì 9g
Hạnh nhân 9g
Phục linh bì 12g
Nhân trần 12g
Thần khúc 9g
Mạch nha 9g
Cuộng Hoắc hương 6g
Hậu phác 6g
Trần bì 4,5g
Sắc uống
Bài số 2: Bột Đại phúc bì, chữa chân sưng phù:
Đại phúc bì 9g
Mộc qua 9g
Hạt cau 9g
Hạt củ cải (La bạc tử) 9g
Tang bạch bì 9g
Trầm hương 1,5g
Hạt tía tô 6g
Bông kinh giới 6g
Ô dược 6g
Trần bì 6g
Lá tía tô 6g
Chí xác 6g
Gừng sống 6g
Sắc uống