Phát triển vùng chuyên canh cây ăn quả ở Nghĩa Hành

Hơn 15 năm qua, huyện Nghĩa Hành (Quảng Ngãi) nhất quán thực hiện chiến lược phát triển vùng chuyên canh cây ăn quả với cây trồng chủ lực mới, phù hợp với thổ nhưỡng vùng ven sông. Để giúp nông dân tiếp cận kỹ thuật mới, công nghệ mới, chính quyền địa phương đã thay đổi cơ bản nhận thức của nông dân từ phương thức sản xuất nông nghiệp thuần túy sang sản xuất kinh tế nông nghiệp giá trị kinh tế cao. Vùng chuyên canh cây ăn quả lớn nhất tỉnh Quảng Ngãi giúp nông dân có thu nhập cao, cuộc sống khấm khá sau nhiều năm thực hiện.
0:00 / 0:00
0:00
Hội thảo tìm kiếm giải pháp mới để phát triển vùng chuyên canh cây ăn quả huyện Nghĩa Hành.
Hội thảo tìm kiếm giải pháp mới để phát triển vùng chuyên canh cây ăn quả huyện Nghĩa Hành.

Từ những vườn tạp có hiệu quả kinh tế thấp, huyện Nghĩa Hành quyết định tập trung phát triển vùng chuyên canh cây ăn quả, với ba cây trồng chủ lực gồm sầu riêng, chôm chôm và bưởi da xanh. Lợi thế từ thổ nhưỡng đất đai màu mỡ ven sông, ngành nông nghiệp vận động người dân chọn cây ăn quả là chiến lược kinh tế nông nghiệp trong giai đoạn mới. Sau hơn 15 năm tập trung phát triển vùng chuyên canh cây ăn quả, người dân vùng ven sông Vệ và sông Phước Giang đã chọn đúng hướng đi, khởi đầu làm ăn khấm khá từ đây.

Đến nay, toàn huyện Nghĩa Hành có gần 800 ha cây ăn quả, trong đó, bưởi da xanh gần 240 ha, chôm chôm Rava 40,5 ha, sầu riêng 122 ha, chuối 163 ha, mít Thái 166 ha. Trong năm 2021 và 2022, vùng ven sông này phát triển thêm 115 ha cùng 250 hộ dân tham gia mở rộng chuyên canh cây ăn quả. Đây là vùng chuyên canh cây ăn quả giá trị kinh tế cao, lớn nhất tỉnh Quảng Ngãi hiện nay.

Trên diện tích 1 ha đất, năm 2017, ông Võ Duy Chánh, ở xã Hành Nhân (Nghĩa Hành) cải tạo vườn, khởi đầu trồng cây sầu riêng và ít bưởi thí điểm; sau sáu năm, vườn có 140 cây sầu riêng ra trái và một số cây bưởi thu hoạch hiệu quả, năng suất cao. Năm nay mùa thu hoạch đầu tiên, ông bán được 300 kg

sầu riêng, với giá 85.000-90.000 đồng/kg, sau khi trừ các chi phí ông có nguồn thu nhập khá hơn một số cây trồng khác. “Tôi mạnh dạn phá rừng keo trồng sầu riêng, nay mới thấy mình đi theo huyện, xã chỉ dẫn là đúng hướng. Ban đầu được hỗ trợ ít cây giống, phân bón, sau này mình tự đầu tư mở rộng thêm. Vùng đất này trồng cây ăn quả tốt lắm, nếu mình làm theo kỹ thuật là bảo đảm phát triển tốt”, ông Võ Duy Chánh chia sẻ kinh nghiệm.

Năm 2022, nông dân vùng ven sông chuyên canh cây ăn quả ở huyện Nghĩa Hành có nguồn thu chính từ vườn cây trái của mình. Gần 35 ha sầu riêng lợi nhuận hơn 337 triệu đồng/ha; bưởi da xanh trồng tập trung hơn 106 ha, lợi nhuận hơn 200 triệu đồng/ha; chôm chôm 23 ha, lợi nhuận hơn 91 triệu đồng và mít Thái 62 ha, lợi nhuận gần 80 triệu đồng/ha.

Ông Nguyễn Văn Trung, ở xã Hành Tín Tây cho biết: Chưa bao giờ nông dân có thu nhập cao từ chính nghề nông, trong vườn của gia đình. Chuyển đổi từ keo, lúa, hoa màu không hiệu quả sang cây ăn trái là hướng đi đúng cho kinh tế nông nghiệp lâu dài hơn.

Huyện Nghĩa Hành muốn phát triển vùng chuyên canh cây ăn quả theo hướng bền vững hơn, đến năm 2025 đạt 800-1.000 ha. Cây ăn quả chất lượng tốt, năng suất cao, sức cạnh tranh trên thị trường cao, bảo đảm thu nhập cho người dân và đáp ứng yêu cầu phát triển nông nghiệp huyện theo hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.

Chọn lựa được hướng đi mới và đúng cho ngành nông nghiệp, nhất là giải quyết được bài toán “trồng cây gì, nuôi con gì” sau rất nhiều năm tìm kiếm là khởi đầu hiệu quả cho nông dân ở huyện Nghĩa Hành. Tuy nhiên, trồng cây ăn quả vẫn còn nhiều khó khăn đang được khắc phục như phụ thuộc vào thời tiết, diện tích vẫn còn nhỏ lẻ, chuyển dịch cơ cấu còn tự phát do cây trồng chủ yếu trong vườn nông hộ; nông dân chưa tuân thủ nghiêm kỹ thuật canh tác, chăm sóc, thu hoạch; việc thiết lập mối liên kết tiêu thụ sản phẩm hợp tác với doanh nghiệp còn bất cập, kênh tiêu thụ chủ yếu qua thương lái…

Tiến sĩ Vũ Văn Khuê (Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp duyên hải Nam Trung Bộ) chia sẻ, huyện Nghĩa Hành có điều kiện địa hình thuận lợi cho phát triển cây ăn quả trên diện tích hơn 9.900 ha, chiếm 42% diện tích tự nhiên toàn huyện. Để hình thành vùng trồng rộng lớn, cần tăng cường quản lý chất lượng cây giống; xác định vườn trồng diện tích ít nhất 0,5 ha để áp dụng thâm canh, nhằm khai thác hiệu quả kinh tế trên đơn vị diện tích; nghiên cứu biện pháp xen canh phù hợp nhằm đa dạng hóa sản phẩm, giảm rủi ro thị trường, giúp người dân tăng thu nhập.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Nghĩa Hành Đinh Xuân Sâm khẳng định, với định hướng phát triển nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới bền vững, tái cơ cấu ngành nông nghiệp, huyện tiếp tục mở rộng, phát triển vùng chuyên canh cây ăn quả lên 800-1.000 ha cho những năm tới; đồng thời, tiếp tục có nhiều giải pháp mới để nâng cao chất lượng, giá trị nông sản và định hướng xuất khẩu về sau.