Hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi khu vực ĐBSCL vươn lên làm giàu

NDO -

Ngày 5/4 tại Sóc Trăng, Ủy ban Dân tộc phối hợp Hội đồng Dân tộc của Quốc Hội, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng tổ chức Hội thảo “Triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS-MN) giai đoạn 2021-2025 khu vực đồng bằng sông Cửu Long”.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh phát biểu chỉ đạo Hội thảo.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh phát biểu chỉ đạo Hội thảo.

Chủ trì Hội thảo có các đồng chí: Phạm Bình Minh, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu Quốc gia; Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội; Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Bùi Thị Minh Hoài, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương. Đồng chí Trương Hòa Bình, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ đến dự và chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn phong phú về công tác miền núi, dân tộc.

Đồng chủ trì Hội thảo có các đồng chí: Hầu A Lềnh, Ủy viên Ban Chấp hành (BCH) Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc; Y Thanh Hà Niê K’đăm, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng dân tộc của Quốc Hội; Lâm Văn Mẫn, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng. Tham dự Hội thảo còn có các đồng chí đại diện lãnh đạo Văn phòng Quốc hội, Hội đồng Dân tộc của Quốc hội; đại diện các bộ, ban, đoàn thể ngành Trung ương, các ngân hàng, các đơn vị có liên quan, đại diện các tỉnh, thành phố trong khu vực…

Hội thảo đã tập trung thảo luận các nhiệm vụ, giải pháp của chương trình, xác định rõ những giải pháp đặc thù trong triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS-MN) nói riêng và các Chương trình mục tiêu Quốc gia trên địa bàn các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2021-2025 nói chung; công tác lập kế hoạch, tổ chức thực hiện; công tác kiểm tra, giám sát; việc lồng ghép nguồn lực của địa phương, đặc biệt là lồng ghép trong việc triển khai thực hiện các dự án, tiểu dự án của Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào DTTS-MN với Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới và Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo và an sinh xã hội.

Bàn giải pháp phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi khu vực đồng bằng sông Cửu Long -0
 Quang cảnh Hội thảo.

Hội thảo cũng làm rõ bên cạnh việc củng cố hạ tầng thiết yếu thì phát triển kinh tế-xã hội ở các tỉnh trong khu vực cần quan tâm nhiều hơn việc đẩy mạng việc tổ chức sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị, chăm lo đời sống tinh thần của người dân đi cùng với hỗ trợ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh để đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên làm giàu sẽ là những hướng đi cần được quan tâm…

Tại Hội thảo, đồng chí Trần Thanh Mẫn, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội phát biểu định hướng nội dung Hội thảo và các tham luận của đại diện lãnh đạo các cơ quan Trung ương, lãnh đạo các địa phương khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

Phát biểu tại Hội thảo, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh thông tin, nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, Quốc hội đã ban hành Nghị Quyết số 120/2020/QH14 phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS-MN giai đoạn 2021-2030 theo đề xuất của Chính phủ.

Đây là sự quan tâm đặc biệt của  Đảng, Nhà nước và Nhân dân cả nước đối với đồng bào sinh sống tại vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Lần đầu tiên ở nước ta có Chương trình mục tiêu Quốc gia dành riêng cho vùng đồng bào DTTS-MN, được Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ quan tâm, chỉ đạo sát sao và bố trí hơn 137.000 tỷ đồng, với 10 Dự án thành phần, 14 Tiểu dự án và 36 nội dung đầu tư, hỗ trợ trong giai đoạn 2021-2025 để phấn đấu đến năm 2025 giảm 50% số xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn; đến năm 2030 cơ bản không còn xã, thôn, bản, ấp đặc biệt khó khăn.

Thực hiện Nghị quyết số 120/2020/QH14 của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1719/QĐ-TTg về phê duyệt Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS-MN giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: Năm 2021-2025 và chỉ đạo hết sức quyết liệt, mạnh mẽ các bộ, ngành khẩn trương xây dựng, trình ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện chương trình, cũng như tổ chức thực hiện hiệu quả việc lồng ghép nhiệm vụ, nguồn lực để bảo đảm mục tiêu của các chương trình mục tiêu Quốc gia.

Phó Thủ tướng Thường trực cho rằng, 2022 là năm bản lề, tạo nền tảng để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII và Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025 và cũng là năm đầu thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS-MN giai đoạn 2021-2025. Chủ trương này vừa góp phần kích thích cung cầu, tạo việc làm, phát triển sản xuất, kinh doanh, vừa mang ý nghĩa quan trọng về an sinh xã hội, đặc biệt là đối với các đối tượng yếu thế, các hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn tại các vùng sâu, vùng xa. 

Cùng với việc tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhân dân, các địa phương cần kịp thời tuyên dương, khen thưởng những điển hình tiên tiến, giới thiệu các mô hình tốt, kinh nghiệm hay để áp dụng điểm trên địa bàn các xã, thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào DTTS-MN, từng bước nhân rộng ra toàn vùng. Phát huy sự chủ động, sáng tạo và ý chí tự lực, tự cường, khát vọng vươn lên của đồng bào các dân tộc thiểu số nhằm khơi dậy và đánh thức sức mạnh nội lực để Chương trình này thực sự hiệu quả, đời sống đồng bào DTTS-MN ngày càng được nâng cao.

Bàn giải pháp phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi khu vực đồng bằng sông Cửu Long -0
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ và Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội trao bảng tượng trưng kinh phí hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số 9 tỉnh trong khu vực. 

Nhân dịp này, Ngân hàng Vietcombank đã tặng 4,5 tỷ đồng hỗ trợ các hộ dân tộc thiểu số khó khăn 9 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long.