Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo

Theo Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện chiếm khoảng 98% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam, đóng góp tới 45% GDP cả nước, 31% trong tổng thu ngân sách nhà nước và thu hút hơn 5 triệu lao động, nhưng là đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất sau hơn 2 năm trải qua dịch Covid-19.

Doanh nghiệp khởi nghiệp VNLife là đơn vị vận hành mạng lưới thanh toán không dùng tiền mặt VNPAY-QR. Trong ảnh: VNPAY-QR được nhiều khách hàng sử dụng. Ảnh: VŨ QUANG
Doanh nghiệp khởi nghiệp VNLife là đơn vị vận hành mạng lưới thanh toán không dùng tiền mặt VNPAY-QR. Trong ảnh: VNPAY-QR được nhiều khách hàng sử dụng. Ảnh: VŨ QUANG

Vì vậy, đây chính là đối tượng rất cần sự hỗ trợ mạnh mẽ, kịp thời để nhanh chóng trở lại trạng thái “bình thường mới”, ổn định sản xuất, kinh doanh sau đại dịch. Thực tế Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa dù đã triển khai được hơn 4 năm nhưng mới có dưới 8% số doanh nghiệp nhận được hỗ trợ, 51,3% số doanh nghiệp không biết đến luật này.

Phản hồi từ cộng đồng doanh nghiệp cho thấy, có nhiều điểm nghẽn của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa như: Khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng, các chương trình hỗ trợ,… Đây là một thực trạng được chỉ ra trong nhiều năm qua, cho dù các cơ quan quản lý đã có nhiều chính sách, giải pháp để đẩy mạnh phát triển tín dụng cho nhóm doanh nghiệp này. Tuy nhiên, cũng chính từ việc thiếu thông tin, gặp nhiều khó khăn khi tuân thủ các thủ tục để hưởng trợ cấp đã khiến nhiều doanh nghiệp nản lòng.

Điều này cho thấy trong công tác thông tin, triển khai chính sách vẫn còn nhiều hạn chế. Do đó, cần đưa ra các điều chỉnh phù hợp trong triển khai thực hiện Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhất là trong bối cảnh cộng đồng doanh nghiệp đang cần thêm sự hỗ trợ kịp thời để phục hồi sau hơn 2 năm chống chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đưa ra 13 điều về chương trình hỗ trợ, trong đó có 8 chính sách hỗ trợ chung và 5 điều theo chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi từ hộ kinh doanh cá thể, khởi nghiệp sáng tạo, tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị.

Đánh giá về kết quả thực hiện những chính sách hỗ trợ này, VCCI cho rằng, số doanh nghiệp được hưởng hỗ trợ từ các chương trình còn thấp. Chỉ có 7,34% số doanh nghiệp nhỏ và vừa được tiếp cận chương trình hỗ trợ cấp bảo lãnh tín dụng tại Quỹ Bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp nhỏ và vừa (chương trình hỗ trợ có tỷ lệ doanh nghiệp được tiếp cận cao nhất); khoảng 4,75% số doanh nghiệp được hưởng hỗ trợ giảm giá thuê mặt bằng tại các khu công nghiệp, khu công nghệ cao, cụm công nghiệp (chương trình có tỷ lệ doanh nghiệp được hỗ trợ thấp nhất) do phần lớn doanh nghiệp đều nằm bên ngoài khu công nghiệp cho nên không được hưởng lợi từ hỗ trợ này.

Chính vì vậy, cần thiết phải có những chính sách trợ giúp khác nhau cho khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa, đặc biệt cần đưa ra các điều chỉnh phù hợp trong triển khai thực hiện Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa nhằm giúp các doanh nghiệp được hỗ trợ kịp thời để phục hồi sau hơn hai năm chống chịu đại dịch Covid-19.

Trong quá trình triển khai, cần nắm bắt kịp thời các bất cập, vướng mắc của các gói hỗ trợ thời gian qua để có điều chỉnh cho phù hợp. Bên cạnh đó, cần thiết kế các hình thức hỗ trợ phù hợp các doanh nghiệp với từng ngành, lĩnh vực và từng giai đoạn. Đặc biệt ưu tiên các doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa bởi khả năng chống chịu của loại hình doanh nghiệp này còn kém.

Cần kéo dài thời gian các gói hỗ trợ để doanh nghiệp có đủ thời gian hoàn thành các khoản được hoãn, giãn trong thời gian qua để phục hồi sản xuất, kinh doanh. Các chính sách hỗ trợ cần rõ ràng, minh bạch, nới lỏng một số điều kiện nhằm mở rộng đối tượng thụ hưởng và giảm thủ tục, quy trình tiếp cận để bảo đảm hiệu quả, tính khả thi của các chính sách được ban hành.