Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số

Để nhanh chóng thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nhiều doanh nghiệp tại Hà Nội tăng cường thực hiện chuyển đổi số nhằm nâng cao chất lượng quản trị điều hành, năng lực cạnh tranh trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.
0:00 / 0:00
0:00
Ứng dụng công nghệ thông tin trong thiết kế các sản phẩm quạt công nghiệp tại Công ty Tomeco An Khang. (Ảnh ĐĂNG DUY)
Ứng dụng công nghệ thông tin trong thiết kế các sản phẩm quạt công nghiệp tại Công ty Tomeco An Khang. (Ảnh ĐĂNG DUY)

Thành phố Hà Nội luôn khuyến khích, ủng hộ và có nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, thực hiện chuyển đổi số hiệu quả.

Để đem lại tiện ích hơn cho khách hàng, hệ thống siêu thị AEON mới đây đưa một số máy bán hàng tự động phục vụ tại khu vực thực phẩm chế biến. Trước đây, khách hàng thường phải chọn từng món tại từng quầy, rồi xếp hàng chờ đến lượt thanh toán từng món. Nhưng với máy bán hàng này, khách hàng chọn tất cả các sản phẩm cần mua trên màn hình máy, thanh toán bằng thẻ ngân hàng hoặc quét mã QR, rồi đến từng quầy lấy hàng, nhanh chóng, tiện lợi hơn. Ông Nguyễn Ngọc Tuyến, đại diện Bộ phận dịch vụ của AEON khu vực miền bắc cho biết: "Chúng tôi luôn cố gắng tích cực chuyển đổi số, ứng dụng những công nghệ mới để có thể phục vụ khách hàng một cách hiệu quả hơn".

Không chỉ thay đổi phương thức tiếp cận khách hàng, các chủ doanh nghiệp cũng chủ động tìm hiểu, ứng dụng chuyển đổi số vào công tác quản trị doanh nghiệp để nâng cao hiệu quả. Giám đốc Công ty cổ phần phát triển nguồn mở Việt Nam (Vinades) Nguyễn Thế Hùng cho biết: "Vinades có hai văn phòng ở Hà Nội và Quảng Trị, nhưng 100% nhân sự làm việc phân tán ở 11 tỉnh, thành phố, không cần đến văn phòng. Nhờ chuyển đổi số, áp dụng mô hình 5 cấp độ làm việc từ xa, cho phép tất cả nhân viên được làm việc linh hoạt ở bất cứ đâu. Các nhân sự của doanh nghiệp có thể đi du lịch mà bảo đảm công việc qua các kênh trực tuyến thì vẫn được coi là đang làm việc, được chấm công bình thường. Mô hình này phát huy hiệu quả, giúp doanh thu và lợi nhuận đều tăng hơn trước".

Theo Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần MISA Lê Hồng Quang, làn sóng chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ, đòi hỏi các doanh nghiệp cần nhanh chóng bắt nhịp xu thế để không bị tụt hậu trên thị trường. Bắt kịp xu thế này, MISA đã đưa ra thị trường bộ giải pháp giúp chuyển đổi số công tác quản trị tài chính, kế toán, thuế tại doanh nghiệp với các ưu điểm như: giúp kế toán dễ dàng làm việc mọi lúc mọi nơi, chủ doanh nghiệp có thể nắm bắt thông tin kịp thời về tình hình tài chính doanh nghiệp; đồng thời, ứng dụng trí tuệ nhân tạo để nhập liệu thông minh, giảm bớt các thao tác thủ công và nâng cao năng suất làm việc…

Phần lớn các doanh nghiệp ứng dụng thành công chuyển đổi số đều mang lại hiệu quả vận hành cao hơn các doanh nghiệp kinh doanh, vận hành theo mô hình truyền thống. Theo tính toán từ các chuyên gia, chuyển đổi số có thể giúp doanh nghiệp tăng trung bình 55% tổng lợi nhuận, tăng năng suất lao động lên từ 30 đến 40% và tiết kiệm 50% chi phí quản lý, nhân sự. Điều này cho thấy vai trò quan trọng của chuyển đổi số với các doanh nghiệp trong thời đại 4.0, nhất là với các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Tuy nhiên, khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa thường gặp nhiều khó khăn trong việc chuyển đổi số bởi quy mô nhỏ, nguồn tài chính hạn hẹp, nhân sự về công nghệ thông tin thiếu và yếu...

Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội Nguyễn Tiến Sỹ cho biết, để hỗ trợ khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa, mới đây, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã ban hành quyết định phê duyệt Kế hoạch "Hỗ trợ chuyển đổi số cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn thành phố giai đoạn 2021-2025". Theo kế hoạch này, khoảng 90.000 doanh nghiệp nhỏ và vừa mới thành lập sẽ được cung cấp các tài liệu hướng dẫn, công cụ tự đánh giá mức độ sẵn sàng chuyển đổi số; hỗ trợ đào tạo kiến thức về chuyển đổi số; hỗ trợ tư vấn, đào tạo kiến thức; cung cấp các nền tảng chuyển đổi số trong doanh nghiệp; hỗ trợ kinh phí thuê, mua giải pháp chuyển đổi số; xây dựng hệ sinh thái hỗ trợ chuyển đổi số thông qua phát triển mạng lưới đối tác gồm: tổ chức, cá nhân tư vấn chuyển đổi số và doanh nghiệp cung cấp nền tảng số xuất sắc trong từng doanh nghiệp trên địa bàn thành phố.

Kế hoạch nêu trên đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, thành phố sẽ có 100% doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn được nâng cao nhận thức về chuyển đổi số; 100% doanh nghiệp sử dụng chữ ký số, hóa đơn điện tử. Ông Nguyễn Tiến Sỹ nhấn mạnh: "Để chuyển đổi số hiệu quả, các doanh nghiệp không thể chỉ đầu tư mua sắm ứng dụng những thiết bị công nghệ số, mà quan trọng hơn là phải đổi mới tư duy, đổi mới mô hình kinh doanh, xác lập mô hình quản trị dựa trên công nghệ số. Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội sẽ tiếp tục phối hợp các sở, ngành, đơn vị tham mưu thành phố xây dựng cơ chế chính sách nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận với các nền tảng chuyển đổi số nhanh chóng, hiệu quả hơn".