Nhiều cơ chế hỗ trợ về chi phí, nhân lực và tư vấn đào tạo, tính chính thống và bài bản, hệ sinh thái rộng lớn, điểm kết nối đa lĩnh vực… chính là các điểm mạnh thu hút các doanh nghiệp công nghệ cao đến đây để tìm đối tác, nhà đầu tư.
Tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc đã diễn ra “Ngày hội kết nối công nghệ 2022”, với 11 doanh nghiệp có sản phẩm công nghệ cao về y dược, mỹ phẩm, công nghệ thông tin trình diễn trước hàng trăm doanh nghiệp, nhà đầu tư.
Đây là hoạt động do Trung tâm Ươm tạo và Đào tạo công nghệ cao (đơn vị khoa học và công nghệ công lập thuộc Ban Quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc) tổ chức nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ cao quảng bá sản phẩm, công nghệ và kết nối trực tiếp với các nhà đầu tư, doanh nghiệp để đưa sản phẩm, công nghệ ra thị trường.
Nhận thấy thế mạnh ở Khu công nghệ cao là nơi tập trung mật độ cao các viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp công nghệ cao trong và ngoài nước - những yếu tố cần thiết cơ bản của một hệ sinh thái công nghệ, những năm gần đây, Trung tâm Ươm tạo và Đào tạo công nghệ cao đã định hướng xúc tiến hoạt động hỗ trợ kết nối, thương mại hóa sản phẩm, công nghệ nhằm khai thác hệ sinh thái đổi mới sáng tạo ở đây.
Phó Giám đốc Trung tâm Ươm tạo và Đào tạo công nghệ cao Nguyễn Ngọc Hiếu cho biết, trong ba năm gần đây, Trung tâm đã tổ chức thành công các ngày hội kết nối công nghệ theo từng lĩnh vực, như công nghệ sinh học, công nghệ thông tin, kết nối các nhà đầu tư. Ngày càng nhiều các doanh nghiệp, quỹ đầu tư quan tâm đến các sự kiện này, coi đây là cơ hội để hợp tác với các doanh nghiệp, tìm được các sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao, đã sẵn sàng thương mại hóa ra thị trường.
Là doanh nghiệp làm chủ nhiều công nghệ ưu việt như công nghệ khuếch đại đẳng nhiệt (LAMP), công nghệ kháng thể nano (nanobody) từ lạc đà và chiến lược dài hạn là vươn ra thị trường quốc tế, Công ty cổ phần công nghệ InnoGenEx đã lựa chọn tiếp cận các đối tác và nhà đầu tư nước ngoài thông qua điểm kết nối công nghệ cao ở Khu công nghệ cao Hòa Lạc.
Đại diện công ty cho biết, Trung tâm Ươm tạo và Đào tạo công nghệ cao cùng nhiều đơn vị khác đã hỗ trợ công ty khởi nghiệp từ kết quả nghiên cứu khoa học, như hỗ trợ toàn bộ chi phí tham gia triển lãm, kết nối đầu tư, tìm đối tác, được tận dụng mạng lưới thành viên rộng lớn của Trung tâm Ươm tạo và Đào tạo công nghệ, tham gia các chương trình đào tạo nâng cao năng lực, hỗ trợ về mặt bằng.
Thêm vào đó, thông qua việc trình diễn công nghệ tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc, khả năng hợp tác, chuyển giao công nghệ, cung cấp dịch vụ nghiên cứu phát triển của công ty sẽ được mở rộng hơn, bởi nơi đây tập trung các doanh nghiệp trong cùng hệ sinh thái về công nghệ sinh học và dược phẩm.
Bên cạnh đó, công ty có thể tìm kiếm các đơn vị hoạt động về lĩnh vực cơ điện tử, tự động hóa, thủy sản hoặc chăn nuôi để mở rộng danh mục giải pháp cho khách hàng, từ đó, sẽ cùng các đối tác hoàn thiện sản phẩm, mở thêm được nhiều kênh bán hàng, và vươn ra thị trường quốc tế trong dài hạn dựa trên các lợi thế đó.
Để hỗ trợ các doanh nghiệp về vốn, các đơn vị chức năng thuộc Ban Quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc cũng đã tìm kiếm, hợp tác với các quỹ, tổ chức hỗ trợ tài chính như với Quỹ đầu tư BestB.
Đại diện Quỹ đầu tư BestB cho biết, hoạt động kết nối công nghệ ở Khu công nghệ cao Hòa Lạc là cơ hội để quỹ hiểu và chia sẻ “nỗi đau” của nhà nghiên cứu là tạo ra sản phẩm nhưng không biết kinh doanh theo mô hình nào cho phù hợp, không biết kết nối với các chuyên gia, thị trường như thế nào.
Thông qua lần kết nối mới đây của Khu công nghệ cao Hòa Lạc, Quỹ đang quan tâm đến sản phẩm trợ lý ảo thuần Việt Maika của Công ty cổ phần công nghệ OLLI. Đây là sản phẩm ứng dụng công nghệ mới nhất trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo và là sản phẩm duy nhất trên thị trường cho phép người dùng giao tiếp và điều khiển các thiết bị trong gia đình bằng tiếng Việt.
Trong lộ trình phát triển, cải tiến sản phẩm, Công ty cổ phần công nghệ OLLI cần kết nối các chuyên gia công nghệ và đơn vị sản xuất, do đó, Quỹ có thể đi cùng để giải quyết bài toán này của doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, hoạt động kết nối công nghệ giúp rút ngắn khoảng cách giữa nghiên cứu và ứng dụng. Tại các buổi thuyết trình công nghệ và sản phẩm, nhiều nhà đầu tư đã đặt câu hỏi cho nhà nghiên cứu và doanh nghiệp phát triển sản phẩm về tính cạnh tranh của sản phẩm, nguồn nguyên liệu để bảo đảm số lượng, chất lượng sản phẩm. Đó chính là những vấn đề thực tế của thị trường, đòi hỏi nhà nghiên cứu hiệu chỉnh để sản phẩm ra đời đáp ứng được nhu cầu của thị trường hơn.
Theo Phó Cục trưởng Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) Phạm Đức Nghiệm, với hiệu quả mang lại từ hoạt động kết nối, hỗ trợ thương mại hóa sản phẩm công nghệ cao, thời gian tới, Khu công nghệ cao Hòa Lạc cần tăng tần suất kết nối công nghệ, kết nối theo chủ đề công nghệ và đặc biệt cần thu hút nhiều doanh nghiệp công nghệ cao của nước ngoài tham gia để họ giới thiệu và chuyển giao công nghệ cho doanh nghiệp trong nước.
Với giải pháp đó sẽ tăng mức hấp thụ công nghệ của doanh nghiệp trong nước. Ban Quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc cần tiếp cận công nghệ, phân loại, xây dựng chương trình để thúc đẩy các doanh nghiệp, nhà máy có công nghệ cao phù hợp với trình độ của doanh nghiệp trong nước để kết nối, chuyển giao công nghệ theo quy định của pháp luật.