Hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi xanh

NDO - Ngày 6/9, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Báo Sài Gòn giải phóng tổ chức hội thảo “Tài chính xanh và thị trường tín chỉ carbon”. Hội thảo có sự tham gia của nhiều đại biểu từ cơ quan tham vấn chính sách, các chuyên gia, đại diện các tổ chức tài chính, các hiệp hội doanh nghiệp của Việt Nam và quốc tế cùng hơn 150 doanh nghiệp trong các lĩnh vực dệt may, thủy sản, da giày, thép, gỗ, ô-tô, dịch vụ thương mại.
0:00 / 0:00
0:00
Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi phát biểu tại hội thảo "Tài chính xanh và thị trường tín chỉ carbon".
Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi phát biểu tại hội thảo "Tài chính xanh và thị trường tín chỉ carbon".

Tại hội thảo, các diễn giả, doanh nghiệp, chuyên gia sẽ đóng góp ý kiến, cùng các nhà quản lý và hoạch định chính sách tìm ra tiếng nói chung cho hành trình xanh của nền kinh tế.

Mở đầu hội thảo, nhóm nghiên cứu GS-TS Trần Ngọc Thơ, TS Hồ Quốc Tuấn, TS Lê Đạt Chí và Th.S Nguyễn Thị Thu Hà có bài phát biểu tổng quan về “Tài chính xanh và thị trường tín chỉ carbon”, cũng như những lợi thế mà Thành phố Hồ Chí Minh có thể triển khai thông qua Nghị quyết 98.

Theo TS Hồ Quốc Tuấn (Đại học Bristol, Anh), tín dụng xanh là xu hướng chung, tất yếu của thế giới. Trong đó, tín dụng xanh cung cấp các công cụ nợ với lãi suất ưu đãi cho các dự án tạo ra tác động tốt đến môi trường, thí dụ cho vay xanh, trái phiếu xanh, trái phiếu liên kết bền vững; tín dụng xanh khi được sử dụng hiệu quả, có thể điều vốn đến các dự án đóng góp trực tiếp vào các cam kết giảm phát thải của ngành nói chung, của Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng.

Bổ sung thông tin, Th.S Nguyễn Thị Thu Hà, Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, Thành phố Hồ Chí Minh hiện đang phát thải khoảng 38,5 triệu tấn carbon/năm, trong đó ngành sản xuất công nghiệp chịu trách nhiệm cho khoảng 20 triệu tấn và ngành giao thông khoảng 13 triệu tấn. Với Quyết định số 3273, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đặt mục tiêu giảm phát thải 10% vào 2030 và 30% nếu có thêm sự trợ giúp quốc tế, tương đương khoảng 4-12 triệu tấn carbon trong vòng 7 năm tới.

Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu này, nhóm nghiên cứu đề xuất, Thành phố Hồ Chí Minh cần một lộ trình giảm phát thải rõ ràng, đẩy nhanh tiến độ kiểm đếm và cấp hạn ngạch phát thải cho các công ty trong các ngành quan trọng để các doanh nghiệp có thể tính toán về con đường giảm phát thải trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, Thành phố Hồ Chí Minh cần lồng ghép các mục tiêu giảm phát thải cụ thể vào tất cả các dự án đầu tư công trong giai đoạn tới, đặc biệt các dự án cơ sở hạ tầng, cùng với đó là ưu tiên sử dụng các công nghệ sạch, ít phát thải.

Hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi xanh ảnh 1

Quang cảnh Hội thảo “Tài chính xanh và thị trường tín chỉ carbon”.

Đại diện các ngân hàng thương mại, ông Phạm Trung Kiên, Phó Trưởng Văn phòng đại diện Agribank khu vực miền nam cho biết, từ năm 2016, Agribank đã triển khai chương trình tín dụng ưu đãi quy mô tối thiểu 50.000 tỷ đồng và không hạn chế nguồn vốn phục vụ sản xuất “nông nghiệp sạch” vì sức khỏe cộng đồng. Đối tượng khách hàng vay vốn của chương trình là doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, chủ trang trại tham gia các khâu trong chuỗi sản xuất sản phẩm nông nghiệp an toàn, quy mô lớn với lãi suất cho vay giảm từ 0,5%/năm đến 1,5%/năm.

Đến nay, doanh số cho vay nông nghiệp sạch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của Agribank đạt hơn 25.000 tỷ đồng, chiếm 50% tổng nguồn vốn đầu tư cho lĩnh vực này, dư nợ đạt 12.000 tỷ đồng với hơn 43.000 khách hàng. Tính đến 31/12/2022, dư nợ cho vay đối với lĩnh vực xanh tại Agribank đạt gần 12.000 tỷ đồng (chiếm khoảng 1% tổng dư nợ cho vay nền kinh tế), với hơn 41.000 khách hàng vay vốn.

Từ nguồn vốn của Agribank, nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao được hình thành trên khắp mọi vùng, miền của Việt Nam.

Các mô hình do Agribank đầu tư đã và đang mang lại hiệu quả thiết thực, như mô hình trồng rau, hoa, quả (Lâm Đồng), cánh đồng mẫu lớn (thành phố Cần Thơ), chăn nuôi (Bắc Ninh, Lào Cai, Hà Nam), đầu tư máy móc thiết bị cho nông nghiệp (Tiền Giang, Long An), nuôi tôm giống (Kiên Giang, Ninh Thuận, Bình Thuận), trồng hoa lan, nuôi bò sữa (Củ Chi, Kon Tum)...

Định hướng phát triển trong thời gian tới, Agribank quyết tâm triển khai hiệu quả các giải pháp nhằm thúc đẩy tín dụng xanh, ngân hàng xanh, hỗ trợ phát triển bền vững. Giải pháp thực hiện là nghiên cứu và triển khai các sản phẩm tín dụng xanh, có chính sách ưu đãi, khuyến khích cho vay các dự án, phương án kinh doanh hiệu quả, thân thiện với môi trường... Chủ động tìm kiếm, tiếp cận nguồn vốn quốc tế xanh thông qua các bộ, ngành đầu mối hoặc các định chế tài chính, tổ chức phi chính phủ, quỹ tín thác tín dụng xanh... để tăng cường nguồn vốn hỗ trợ cho các dự án xanh.

Phát biểu tại hội thảo, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi nhấn mạnh, nhận thức của Thành phố Hồ Chí Minh là nắm bắt xu hướng chuyển đổi xanh, thúc đẩy chuyển đổi xanh tạo không gian mới, động lực mới, năng lực cạnh tranh mới cho năng lực kinh tế thành phố, đóng góp cho kinh tế cả nước.

Theo Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố có những vấn đề nội tại mà nếu không chuyển đổi xanh, không có chiến lược bài bản, chính sách cụ thể lâu dài thì chắc chắn kinh tế thành phố sẽ không có động lực phát triển.

Do đó, thành phố xác định sứ mệnh là địa phương đi đầu, nhận lãnh những nhiệm vụ lớn nhất trong chuyển đổi xanh, phát triển bền vững, góp phần để thực hiện các cam kết quốc gia trong hợp tác quốc tế. Dự kiến, khung chiến lược chuyển đổi xanh, phát triển bền vững của thành phố sẽ chính thức công bố vào Diễn đàn Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh năm 2023 diễn ra vào tháng 9 tới.

Theo đồng chí Phan Văn Mãi, Thành phố Hồ Chí Minh xác định nguồn lực để thực hiện việc này là tài chính xanh, nhân lực chất lượng cao, kết nối trong nước, hợp tác quốc tế. Hiện mặt bằng pháp lý cần nghiên cứu hoàn thiện hơn cho tài chính xanh.

Đồng chí Phan Văn Mãi cũng khẳng định, quan điểm, lực lượng quyết định đến thành công của chuyển đổi xanh là doanh nghiệp, làm sao để các doanh nghiệp tiếp cận được tài chính xanh để chuyển đổi sản xuất, tiếp cận được thị trường và phát triển bền vững. Thời gian tới, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ ban hành chính sách hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số, chuyển đổi xanh.