Năm 2023, trên cơ sở đề xuất đặt hàng từ địa phương, Bộ Khoa học và Công nghệ đã xác định và tổng hợp được danh mục hàng trăm nhu cầu công nghệ, sản phẩm công nghệ nước ngoài mà các địa phương có nhu cầu chuyển giao về nước. Văn phòng của bộ phận đại diện khoa học và công nghệ ở nước ngoài tại các quốc gia tích cực liên hệ với các đối tác, tìm kiếm công nghệ phù hợp với đề xuất.
Nhiều thông tin về công nghệ, thiết bị, dây chuyền máy móc và thông tin về doanh nghiệp sở hữu công nghệ đã được thu thập, báo cáo và cung cấp về cho các địa phương thông qua đầu mối là Sở khoa học và công nghệ.
Nhiều Sở khoa học và công nghệ như Hải Phòng, Thái Nguyên, Quảng Nam, Gia Lai… đã bám sát nhu cầu của doanh nghiệp tại địa phương, đồng hành cùng doanh nghiệp, tích cực phối hợp Bộ Khoa học và Công nghệ triển khai các hoạt động hợp tác quốc tế thúc đẩy kết nối, chuyển giao công nghệ tiên tiến từ nước ngoài về nước.
Thí dụ, tại sự kiện “Kết nối công nghệ và đổi mới sáng tạo tại Việt Nam” tổ chức tại Quảng Ninh trong năm 2023, đã xác định được 200 nhu cầu ứng dụng, cải tiến, chuyển giao công nghệ và đổi mới sáng tạo của các doanh nghiệp; tiếp nhận 175 nguồn cung công nghệ vào cơ sở dữ liệu nguồn cung công nghệ; trình diễn 460 công nghệ, sản phẩm công nghệ, thiết bị máy móc…
Theo đánh giá của Bộ Khoa học và Công nghệ, hoạt động chuyển giao, làm chủ và hấp thụ công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam đã từng bước rút ngắn khoảng cách về trình độ công nghệ so với các nước tiên tiến trong khu vực và thế giới, góp phần cơ cấu lại các ngành kinh tế phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, trong đó một số ngành có sức cạnh tranh quốc tế và tham gia sâu vào chuỗi giá trị sản xuất các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh và tăng cường bảo đảm an ninh-quốc phòng.
Bên cạnh đó, nhiều văn bản liên quan đến các chính sách khuyến khích, hỗ trợ, thúc đẩy hoạt động chuyển giao, ứng dụng, đổi mới công nghệ được ban hành nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp khoa học và công nghệ sản xuất, kinh doanh, như: Nghị quyết số 58/NQ-CP ngày 27/4/2020 của Chính phủ; Kết luận số 50-KL/TW ngày 30/5/2019 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW Hội nghị Trung ương 6 khóa XI về phát triển khoa học, công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế; Đề án thúc đẩy chuyển giao, làm chủ và phát triển công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam trong các ngành, lĩnh vực ưu tiên giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Chương trình tìm kiếm và chuyển giao công nghệ nước ngoài đến năm 2030; các chương trình nghiên cứu hợp tác song phương, đa phương; chính sách thu hút đối với nhà khoa học, chuyên gia giỏi, trí thức là người Việt Nam ở nước ngoài…
Các địa phương cũng đã quan tâm, ban hành các chính sách nhằm hỗ trợ, thúc đẩy chuyển giao, làm chủ và phát triển công nghệ, nhất là công nghệ tiên tiến từ nước ngoài vào Việt Nam trong các ngành, lĩnh vực ưu tiên tại địa phương.
Theo số liệu các địa phương, năm 2023, có khoảng 30 nhiệm vụ khoa học-công nghệ hỗ trợ doanh nghiệp chuyển giao, ứng dụng, đổi mới công nghệ được triển khai, 37 doanh nghiệp được hỗ trợ ứng dụng, đổi mới công nghệ, 67 doanh nghiệp được chứng nhận hệ thống quản lý chất lượng.
Các công nghệ được chuyển giao tại địa phương tập trung chủ yếu ở lĩnh vực nông nghiệp và công nghiệp với khoảng 25 công nghệ mới, công nghệ tiên tiến được chuyển giao ứng dụng, tổng kinh phí đầu tư hơn 41,7 tỷ đồng.
Thí dụ, tỉnh Sơn La, Nghệ An đã ứng dụng công nghệ cao, cơ giới hóa quá trình sản xuất nông nghiệp, xây dựng thương hiệu, bảo hộ tài sản trí tuệ, nâng giá trị sản xuất bình quân tăng gấp 2-3 lần so với sản xuất nông nghiệp truyền thống.
Hải Phòng, Quảng Ninh đã kết nối thành công các doanh nghiệp của địa phương và các doanh nghiệp của Hàn Quốc, Nhật Bản, các nước châu Âu về kết nối cung cầu công nghệ, chuyển đổi số, phát triển doanh nghiệp đổi mới sáng tạo.
Để thúc đẩy hoạt động chuyển giao, ứng dụng và đổi mới công nghệ, đến nay, đã có hơn 40 địa phương tiến hành nghiên cứu, lập kế hoạch, xây dựng và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ đánh giá trình độ và năng lực công nghệ sản xuất đối với một số ngành chủ lực, mũi nhọn của một số địa phương như:
- Sơn La đã nghiên cứu, xây dựng Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới và nâng cao trình độ công nghệ trong lĩnh vực chế biến thực phẩm;
- Gia Lai, Đồng Nai, Hải Phòng đã phối hợp đoàn khảo sát của Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức các đoàn khảo sát doanh nghiệp để trực tiếp nắm bắt thực trạng và nhu cầu cải tiến, đổi mới công nghệ của doanh nghiệp trên địa bàn, qua đó đã xác định được hơn 20 nhu cầu cải tiến, đổi mới công nghệ của doanh nghiệp.
Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, sẽ tiếp tục triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp đẩy mạnh hoạt động ứng dụng, chuyển giao công nghệ và tiến bộ kỹ thuật, nhất là ứng dụng công nghệ, tiến bộ kỹ thuật trong phát triển sản phẩm trọng điểm, chủ lực của địa phương và vùng; đồng thời, tăng cường ứng dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ cao trong các dự án đầu tư, chương trình phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, có giải pháp cụ thể khuyến khích hoạt động sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa sản xuất và đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp và nhân dân.