Hỗ trợ các công ty khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực phát triển xanh

NDO -

NDĐT- Chiều 16-1, tại Hà Nội, Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp Ngân hàng Thế giới (World Bank) tổ chức hội thảo kêu gọi đề xuất tham gia cuộc thi “Chứng minh ý tưởng lần thứ 3” (PoC3) với chủ đề “Phụ nữ và tương lai của nền kinh tế xanh”.

Thứ trưởng Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng phát biểu tại Hội thảo.
Thứ trưởng Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng phát biểu tại Hội thảo.

Cuộc thi nhằm cung cấp những hỗ trợ toàn diện cho các công ty khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực phát triển xanh và bền vững. Các doanh nghiệp khởi nghiệp sẽ có cơ hội nhận được những hỗ trợ như: Vốn tài trợ lên tới 75 nghìn đô-la Mỹ cho một ý tưởng/dự án; cố vấn và đào tạo; dịch vụ tư vấn doanh nghiệp; gọi vốn đầu tư ở tất cả các giai đoạn phát triển từ giai đoạn hình thành ý tưởng, ươm tạo, thương mại hóa tới giai đoạn phát triển thị trường. Năm nay, đối tượng mục tiêu của Cuộc thi là các nữ doanh nhân Việt Nam, là nhóm mục tiêu tài năng nhưng chưa được khuyến khích mạnh mẽ.

Theo Thứ trưởng Khoa học và Công nghệ (KH và CN) Trần Văn Tùng, trong ba năm, qua Bộ KH và CN, mà trực tiếp là Ban quản lý hỗ trợ kỹ thuật "Trung tâm đổi mới sáng tạo ứng phó với biến đổi khí hậu Việt Nam (VCIC)” đã tổ chức hai cuộc thi “Chứng minh ý tưởng” với 32 doanh nghiệp đoạt giải khởi nghiệp sáng tạo ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH). Những doanh nghiệp này đã có những đóng góp sáng tạo, hiệu quả vào phát triển công nghệ và sản phẩm ứng phó với những tác động tiêu cực của BĐKH. Hiện nay, vấn đề BĐKH diễn biến ngày càng phức tạp. Việt Nam đang là một trong năm quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ BĐKH tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Điều này đặt ra những thách thức to lớn về việc phát triển bền vững, nhưng cũng đồng thời đem đến cơ hội để cải tiến công nghệ, ứng phó với BĐKH và nâng cao năng lực cạnh tranh trong công cuộc đổi mới chung trên toàn thế giới.

Phát biểu tại Hội thảo, Chuyên gia kinh tế Trưởng của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam Sebastian Eckardt cho rằng, những thách thức nghiêm trọng đòi hỏi những ý tưởng mới và tư duy sáng tạo để tạo ra sự thay đổi. Do đó, các nữ doanh nhân đóng vai trò chính trong việc tham gia cộng đồng doanh nghiệp để đưa ra các giải pháp đổi mới sáng tạo và ứng phó với BĐKH cần thiết, tạo ra các tác động tích cực đến môi trường, kinh tế và xã hội Việt Nam.

Tham gia cuộc thi, các hồ sơ chứng minh ý tưởng cần chú trọng đáp ứng các yêu cầu: nhấn mạnh tính đổi mới sáng tạo trong công nghệ hoặc mô hình kinh doanh mà có thể tạo ra các sản phẩm và dịch vụ giúp cho việc thích ứng, ứng phó với các thách thức của biến đổi khí hậu; thúc đẩy phát triển bao trùm giới, khả năng lãnh đạo, quyền kinh tế của phụ nữ, tiềm năng nhân rộng và có hiệu ứng lan tỏa trên phạm vi lớn của các sản phẩm, dịch vụ của mình.

Các doanh nghiệp được lựa chọn thông qua cuộc thi sẽ được đào tạo theo mô hình quốc tế, phát triển bởi các chuyên gia đến từ Ngân hàng Thế giới, các Trung tâm ươm tạo hàng đầu tại Hoa Kỳ và tham gia vào mạng lưới quốc tế do Chương trình Biến đổi Khí hậu của Ngân hàng Thế giới phát triển.

Để tăng cường sự tiếp cận Cuộc thi của các doanh nhân nữ, tại sự kiện này, VCIC đã ký Biên bản ghi nhớ hợp tác với Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam. Hai bên sẽ hợp tác để khuyến khích các doanh nghiệp và dự án do nữ giới lãnh đạo nhằm đóng góp vào sự phát triển của hệ sinh thái khởi nghiệp xanh với định hướng ứng phó với BĐKH của Việt Nam.

Nhân sự kiện này, VCIC đã ký Biên bản ghi nhớ hợp tác về kế hoạch hành động thành lập Quỹ đầu tư mạo hiểm với Tổng công ty Đầu tư mạo hiểm Hàn Quốc (KVIC). Mục tiêu nhằm thiết lập một mô hình hợp tác để hỗ trợ sự phát triển của các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Việt Nam và Hàn Quốc.