Trong đó, việc tăng cường nhận xét, đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, đảng viên gắn với giao việc, khoán sản phẩm là giải pháp bước đầu mang lại hiệu quả thiết thực.
Ban Thường vụ Huyện ủy Yên Bình ban hành Chỉ thị số 06-CT/HU, ngày 17/8/2021 về việc tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo gắn với tăng cường công tác nhận xét, đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trên địa bàn huyện. Nội dung mới của Chỉ thị là thay việc đánh giá, nhận xét cán bộ, công chức hằng năm bằng hằng tháng, thông qua công việc cụ thể được giao cho cấp ủy đảng, đơn vị, người đứng đầu và từng cán bộ, đảng viên.
Quy trình đánh giá chặt chẽ, nội dung xem xét cụ thể
Theo Chỉ thị số 06-CT/HU, mục đích của việc lấy kết quả xếp loại hằng tháng là cơ sở để kiểm điểm, đánh giá, xếp loại cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức hằng năm; khắc phục tình trạng còn có cán bộ, công chức, viên chức lười nhác, thiếu tinh thần trách nhiệm, không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Đây là việc làm mới nên Huyện ủy chủ trương tiến hành từng bước, thận trọng. Ngày 11/10/2021, Huyện ủy ban hành Hướng dẫn các tiêu chí đánh giá xếp loại. Sau một năm thực hiện, phát hiện một số cấp ủy còn lúng túng trong việc đánh giá, xếp loại đối với cán bộ là đảng viên, Huyện ủy chỉ đạo thống nhất lại quy trình, nội dung, các bước thực hiện đánh giá, xếp loại.
Đánh giá, xếp loại đối với người đứng đầu các cơ quan, đơn vị cấp huyện, đảng ủy các xã, thị trấn sẽ theo quy trình khắt khe. Đó là, tập thể lãnh đạo cơ quan đề xuất mức xếp loại và xin ý kiến các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy về mức xếp loại.
Cụ thể, đối với việc đánh giá mức xếp loại cán bộ, công chức, viên chức được thực hiện lồng ghép với cuộc họp cơ quan, đơn vị hằng tháng. Đánh giá, xếp loại đối với người đứng đầu các cơ quan, đơn vị cấp huyện, đảng ủy các xã, thị trấn sẽ theo quy trình khắt khe. Đó là, tập thể lãnh đạo cơ quan đề xuất mức xếp loại và xin ý kiến các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy về mức xếp loại.
Ban Tổ chức Huyện ủy tổng hợp kết quả đánh giá xếp loại và báo cáo Ban Thường vụ Huyện ủy, Bí thư Huyện ủy xem xét, quyết định. Căn cứ kết luận Hội nghị Ban Thường vụ Huyện ủy, Ban Tổ chức Huyện ủy thông báo mức đánh giá, xếp loại người đứng đầu đến các cơ quan, đơn vị.
Đối với việc đánh giá, xếp loại đảng viên sẽ căn cứ vào kế hoạch giao nhiệm vụ hằng tháng của chi bộ đối với đảng viên, ban chi ủy (nơi không có ban chi ủy do bí thư chi bộ) lập biểu đề xuất mức xếp loại của từng đảng viên trong chi bộ; tổ chức thảo luận, thống nhất mức xếp loại đảng viên ghép cùng cuộc họp chi bộ hằng tháng.
Đối với chi bộ cơ sở trực thuộc Huyện ủy thì do chi bộ quyết định mức xếp loại đảng viên. Đối với chi bộ trực thuộc Đảng ủy cơ sở thì ban chi ủy tổng hợp kết quả đề xuất mức đánh giá, xếp loại đảng viên báo cáo đảng ủy xem xét, quyết định. Đối với chi bộ có tổ đảng thì tổ đảng biểu quyết đề xuất mức xếp loại đảng viên, báo cáo chi bộ; chi bộ tổng hợp đề xuất mức xếp loại đảng viên, báo cáo đảng ủy xem xét, quyết định.
Qua hai năm triển khai, hằng tháng có 54/54 cơ quan, đơn vị thuộc huyện với 746 cán bộ, công chức, viên chức thuộc diện Ban Thường vụ Huyện ủy quản lý tiến hành đánh giá xếp loại cá nhân. Việc đánh giá, xếp loại đối với thủ trưởng các cơ quan, đơn vị cấp huyện, thường trực đảng ủy các xã, thị trấn cũng được tiến hành nghiêm túc. Tổng số cá nhân được đánh giá, xếp loại hằng tháng là 105 đồng chí với tổng số lượt đánh giá xếp loại là 2.175 lượt. Đây là những căn cứ quan trọng để các cấp ủy, cơ quan đơn vị theo dõi, đôn đốc công việc và phê bình, động viên, khen thưởng cán bộ, đảng viên.
Chuyển biến tích cực từ cơ sở
Việc đánh giá cán bộ hằng tháng theo công việc được giao bước đầu cho thấy đã khơi dậy ý chí vươn lên, tinh thần tự giác, tận tụy, trách nhiệm với công việc của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức; tạo không khí thi đua sôi nổi, quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ trong các cơ quan, đơn vị, thể hiện rõ nhất qua phong trào xây dựng nông thôn mới của các xã, thị trấn.
Năm 2022, xã Đại Đồng được giao nhiệm vụ hoàn thành nông thôn mới nâng cao. Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Lương Viết Huy cho biết, Đảng ủy xã đã rà soát, bổ sung, sửa đổi quy chế làm việc của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Đảng ủy theo hướng phân công trách nhiệm cụ thể, rõ người, rõ việc. Cùng đó, các đồng chí lãnh đạo xã thường xuyên dự sinh hoạt chi bộ thôn, xóm, qua đó nâng cao năng lực lãnh đạo của các chi bộ thôn, xóm trong xây dựng nông thôn mới.
Chi bộ thôn Hương Lý, xã Đại Đồng gặp khó khăn trong việc nâng cấp, mở rộng các tuyến đường giao thông. Để khắc phục, Chi bộ đã bàn bạc và thống nhất phải lấy việc thực hiện quy chế dân chủ cơ sở làm nòng cốt thúc đẩy triển khai nhiệm vụ. Chi bộ lấy ý kiến nhân dân và nhất trí thay cách huy động nguồn lực từ đóng góp đồng đều theo đầu hộ dân bằng “nguyên tắc” gia đình nào được hưởng lợi nhiều sẽ đóng góp nhiều và ngược lại. Đối với mỗi công trình, dự án, chi bộ chỉ đạo thành lập tổ giám sát, mời những người có uy tín, kinh nhiệm tham gia.
Trưởng thôn Phạm Thị Dịu cho biết, bà con đánh giá cao các giải pháp của chi bộ, nhiệt tình đóng góp sức người, sức của, hoàn thành sớm nhất các chỉ tiêu về mở rộng, nâng cấp đường và xây dựng nhà văn hóa thôn, góp phần đưa xã Đại Đồng đạt nông thôn mới nâng cao trong năm 2022.
Bà con đánh giá cao các giải pháp của chi bộ, nhiệt tình đóng góp sức người, sức của, hoàn thành sớm nhất các chỉ tiêu về mở rộng, nâng cấp đường và xây dựng nhà văn hóa thôn, góp phần đưa xã Đại Đồng đạt nông thôn mới nâng cao trong năm 2022.
Trưởng thôn Hương Lý, xã Đại Đồng Phạm Thị Dịu
Cùng với xã Đại Đồng, đến nay toàn huyện Yên Bình đã có 22/22 xã đạt chuẩn nông thôn mới, là huyện thứ 2 trong toàn tỉnh có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới; trong đó có 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 14 thôn được công nhận thôn nông thôn mới kiểu mẫu. Không chỉ bứt phá trong xây dựng nông thôn mới, nửa nhiệm kỳ qua, Yên Bình cũng có 8/26 chỉ tiêu chủ yếu đạt và vượt mục tiêu; 16/26 chỉ tiêu đạt từ 70% trở lên; 2/26 chỉ tiêu đạt từ 50%-70% Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện đề ra.
Theo lãnh đạo Huyện ủy Yên Bình, do là lần đầu triển khai chủ trương đánh giá cán bộ, đảng viên hằng tháng cho nên vẫn còn hạn chế như: Việc tổ chức giao nhiệm vụ của một số cấp ủy, đơn vị còn chung chung, chưa gắn với trách nhiệm cá nhân, đồng thời còn thiếu kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện...
Huyện ủy Yên Bình xác định thực hiện nhất quán phương thức “giao nhiệm vụ, khoán sản phẩm”, “cá thể hóa trách nhiệm cá nhân”, khuyến khích tinh thần chủ động, năng động, sáng tạo của cán bộ, đảng viên, người đứng đầu. Bên cạnh đó, Huyện ủy tăng cường thực hiện quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu; đẩy mạnh hơn nữa hiệu quả đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức hằng tháng đối với Thường trực, Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Huyện ủy và các cơ quan, đơn vị, các xã, thị trấn trực thuộc huyện.
Kết quả đánh giá, xếp loại hằng tháng sẽ là căn cứ chính để đánh giá, xếp loại chất lượng, mức độ hoàn thành nhiệm vụ và thi đua hằng năm; là cơ sở để bố trí, sử dụng, quy hoạch; đề bạt đào tạo, bồi dưỡng và khen thưởng, kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức.