Hội thảo nhằm đánh giá sau một năm thực hiện Quy định số 1120-QĐ/TU ngày 1/6/2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hậu Giang về “Bộ tiêu chí đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trên địa bàn tỉnh Hậu Giang”.
Hội thảo đã ghi nhận nhiều ý kiến thảo luận, chia sẻ từ các nhà khoa học, lãnh đạo, quản lý địa phương về những khó khăn, hạn chế trong triển khai thực hiện Quy định 1120.
Mặc dù quy định trong bộ tiêu chí đã định lượng về thang đo, thang điểm đánh giá cán bộ, công chức, viên chức, người lao động với đầy đủ các tiêu chí, tiêu chuẩn đáp ứng theo các văn bản hướng dẫn của Trung ương, nhưng qua thực tế, cấp ủy các cấp gặp một số khó khăn trong việc gắn công tác đánh giá chất lượng cán bộ, công chức, viên chức với công tác Đảng; khó khăn trong việc thay đổi nhận thức, tư duy và sử dụng kết quả đánh giá vào công tác cán bộ, nhất là khi Quy định 124-QĐ/TW ngày 4/10/2023 của Bộ chính trị ra đời, so Quy định 132-QĐ/TW có một số nội dung cần điều chỉnh.
Sự tín nhiệm của nhân dân là “thước đo” đánh giá chất lượng tổ chức, bộ máy và cán bộ, đảng viên
Hội thảo cũng ghi nhận nhiều ý kiến, đề xuất những giải pháp khắc phục khó khăn, hạn chế, thực hiện tốt việc đánh giá cán bộ công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới.
Theo Thạc sĩ Nguyễn Thị Tuyết Loan, Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh Hậu Giang, đánh giá cán bộ có vai trò quan trọng, được xem là khâu mở đầu mang tính quyết định trong công tác cán bộ. Đánh giá đúng sẽ là cơ sở tốt cho việc quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, đề bạt, bổ nhiệm, thực hiện chính sách cán bộ... giúp phát huy được điểm mạnh, khắc phục điểm yếu của người cán bộ.
Vì thế, những ý kiến thảo luận, chia sẻ từ các nhà khoa học, lãnh đạo, quản lý địa phương tại Hội thảo sẽ là cơ sở để ban tổ chức hội thảo tập hợp, xây dựng thành báo cáo và tham mưu, tham vấn cho Thường trực Tỉnh ủy tiếp tục bổ sung, hoàn thiện bộ tiêu chí đánh giá cán bộ trong thời gian tới để công tác đánh giá cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh thực chất, hiệu quả hơn.
Quy định số 1120-QĐ/TU về “Bộ tiêu chí đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trên địa bàn tỉnh Hậu Giang”, đề ra yêu cầu, nguyên tắc là việc đánh giá, xếp loại chất lượng phải căn cứ vào chức trách, nhiệm vụ được giao và kết quả thực hiện nhiệm vụ, thể hiện thông qua công việc, sản phẩm cụ thể; chất lượng sản phẩm, tiến độ và thái độ hoàn thành công việc; đối với cán bộ, công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý phải gắn với kết quả thực hiện nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức, đơn vị được giao quản lý, phụ trách.
Tiêu chí được cụ thể hóa bằng thang điểm 100 điểm, trong đó tập trung vào kết quả thực hiện chức trách nhiệm vụ được giao là 70 điểm. Tiêu chí đánh giá đối với cán bộ, lãnh đạo, quản lý đặc biệt nhấn mạnh tiêu chí dám nghĩ; dám làm; dám chịu trách nhiệm; dám đột phá; dám đổi mới, sáng tạo; dám đương đầu với khó khăn, thử thách vì lợi ích chung; tiến độ và tỷ lệ hoàn thành công việc; tiến độ, chất lượng và kết quả đạt được.
Sau một năm thực hiện Quy định 1120, toàn tỉnh Hậu Giang đã đánh giá 2.177 cán bộ, công chức, viên chức với mức Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đạt 19,9%; hoàn thành tốt nhiệm vụ đạt 99,42% hoàn thành nhiệm vụ 0,47% và có 0,11% không hoàn thành nhiệm vụ.
Đây là kết quả quan trọng cho các khâu khác của quá trình sử dụng cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng yêu cầu “Nâng chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực trong khu vực công” theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025 và các Nghị quyết, đề án chuyên đề của tỉnh.