Hệ thống thủy lợi này còn giúp cho người dân thay đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông nghiệp, chuyển từ chống đỡ sang chủ động kiểm soát.
Nhiều mô hình sản xuất hiệu quả
Ông Huỳnh Vinh Võ, ngụ xã Bình An, huyện Châu Thành là một trong những hộ khá lên từ mô hình “3 tầng” gồm khóm-cau-dừa trên cùng đơn vị diện tích bên bờ sông Cái Bé. Trồng ba loại cây kết hợp giúp ông thu lợi nhuận khoảng 150 triệu đồng/ha/năm. Từ khi có hệ thống thủy lợi Cái Lớn-Cái Bé giúp kiểm soát nguồn nước, ông Võ và các hộ dân nơi đây không còn nỗi lo nước mặn xâm nhập làm chết cây trồng.
“Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống”, tức nước chính là yếu tố quan trọng đầu tiên. Trước kia cứ tháng 10, tháng 11 hằng năm, nơi đây bị xâm nhập mặn, do không có nước ngọt tưới nên khóm cho trái nhỏ, cau trồng cũng không hiệu quả. Mặt khác, đây là vùng trũng bị nhiễm mặn nên xổ phèn rất lâu. Từ khi có cống, người dân không phải lo mặn xâm nhập nên sản xuất giảm chi phí và tăng lợi nhuận”, ông Võ cho biết.
Còn với người dân vùng quy hoạch trồng lúa hai vụ, sản xuất tôm-lúa, lúa-cá, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản các đối tượng nước ngọt, nước lợ ở khu vực huyện Gò Quao, một phần huyện An Biên, Vĩnh Thuận thì ngược lại.
Có những lúc thiếu nguồn nước lợ mặn cho nuôi tôm nhưng đôi khi lại bị xâm nhập mặn sâu và gay gắt (như đợt hạn mặn năm 2015-2016) làm thiệt hại nghiêm trọng cho sản xuất lúa, nhưng nay được hưởng lợi.
Ông Lê Quốc Khanh trú tại xã Đông Yên, huyện An Biên trồng 2ha lúa nhưng năm nào cũng chật vật vì đất ruộng nhiễm mặn, nhất là vào vụ đông xuân. Từ khi hệ thống thủy lợi Cái Lớn-Cái Bé vận hành, ông và nông dân xã Đông Yên bớt lo thiếu nước ngọt và mặn xâm nhập. Khi chủ động được nước ngọt, người dân cũng sẽ tính đến phương án trồng hai vụ lúa, một vụ màu để góp phần nâng cao thu nhập.
Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Gò Quao, hệ thống thủy lợi Cái Lớn-Cái Bé hoạt động đã giúp người dân hạn chế tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu và nguồn nước được chủ động kiểm soát một cách tối ưu. Huyện Gò Quao đang thực hiện dự án “Xây dựng các mô hình sinh kế thích ứng với biến đổi khí hậu và nguồn nước được kiểm soát khi xây dựng cống Cái Lớn-Cái Bé” với tổng mức đầu tư gần 4,5 tỷ đồng.
Cụ thể, mô hình tôm-lúa được người dân trồng lúa từ giữa đến cuối mùa mưa, nuôi tôm sú trong mùa khô. Mô hình này được quy hoạch tại một số xã ven sông Cái Lớn có một phần diện tích bị nhiễm mặn trong mùa khô. Kết quả là các hộ dân áp dụng đạt lợi nhuận bình quân hơn 60 triệu đồng/ha/vụ, cao hơn so với mô hình tôm-lúa của các hộ nông dân ngoài dự án chỉ đạt hơn 50 triệu đồng/năm.
Hiện nay, mô hình sinh kế và các hoạt động phi công trình tỉnh Kiên Giang thuộc hệ thống thủy lợi Cái Lớn-Cái Bé giai đoạn 1 được triển khai tại bảy huyện đạt kết quả rất tốt. Nông dân trong vùng dự án chuyển dần từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp. Các mô hình sinh kế phù hợp giúp giảm từ 10-15% chi phí sản xuất, gia tăng hiệu quả kinh tế trên 20% so với canh tác truyền thống.
Theo đánh giá, qua hơn một năm vận hành hệ thống cho thấy cơ bản kiểm soát nguồn nước, phục vụ tốt sản xuất, hỗ trợ việc bố trí sản xuất ổn định cho các địa phương vùng hưởng lợi.
Đáng chú ý, tại Kiên Giang, vùng sinh thái ngọt hoàn toàn khoảng 145.000ha được kiểm soát, không để mặn xâm nhập. Vùng sinh thái lợ, chủ yếu mô hình tôm-lúa cơ bản được kiểm soát nguồn nước có độ mặn phù hợp nuôi trồng thủy sản. Ngoài ra, tỉnh Kiên Giang không phải đắp đập tạm qua hai mùa khô, tiết kiệm hàng chục tỷ đồng, giảm ô nhiễm môi trường và không ảnh hưởng đến giao thông thủy do việc đắp đập tạm gây ra…
Vẫn còn ngập úng khi triều cường dâng cao
Người dân xã Bình An phản ánh, vào thời điểm triều cường dâng, những khu vực trũng hạ lưu cống Cái Lớn-Cái Bé vẫn xảy ra tình trạng ngập. Nước tràn qua đường giao thông nông thôn, ngập nhà, ruộng, vườn cây ăn trái của người dân.
Ông Lý Hồng Thủy ở xã Bình An cho biết, đợt triều cường từ ngày 10/7 đến 12/7/2022, cống Cái Bé mở hoàn toàn nhưng nước sông vẫn lên cao làm ngập toàn bộ diện tích khóm của gia đình. May mắn trong 2-3 giờ nước rút nên chưa gây thiệt hại lớn.
“Mấy chục năm rồi tôi mới thấy triều cường nước dâng cao như đợt vừa qua. Người dân rất mong Nhà nước sớm đầu tư nâng cấp đường giao thông nông thôn kết hợp làm bờ bao để chống ngập vào mùa mưa, hạn chế ảnh hưởng của triều cường”, ông Thủy đề xuất.
Ngoài ra, quá trình vận hành hệ thống thủy lợi Cái Lớn-Cái Bé phát sinh nhiều vấn đề như: Phía hạ lưu công trình các bờ bao được đầu tư chưa bảo đảm kỹ thuật, thường xuyên bị nước tràn qua khi triều cường; các hộ dân sống ngoài đê thường xuyên bị ngập do triều cường, mức độ ngập gia tăng khi đóng cống. Tại vùng ven biển Tây và dọc theo sông Cái Lớn, Cái Bé, các cụm cống chưa đồng bộ, khép kín nên chưa thể phát huy hiệu quả của hệ thống thủy lợi…
Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Lâm Minh Thành đánh giá, hệ thống thủy lợi Cái Lớn-Cái Bé có quy mô rất lớn, tác động liên tỉnh với vùng sản xuất lúa gạo, thủy sản và cây ăn trái, giúp bảo vệ sản xuất hiệu quả, giảm chi phí so với trước đây do không phải đắp đập tạm.
Tuy nhiên, công trình được vận hành đáp ứng đa mục tiêu ngọt, mặn, lợ nên cũng gây những khó khăn nhất định; phát sinh ngập cục bộ vùng hạ lưu do hạ tầng chưa đáp ứng được, hệ thống cống trong vùng hưởng lợi chưa được đầu tư đầy đủ, đồng bộ, khép kín. Để phát huy hiệu quả công trình, Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Kế hoạch và Đầu tư cân đối, chủ động nguồn lực địa phương, đầu tư các công trình bảo đảm khép kín để đáp ứng nhu cầu phát triển sản xuất.
Hệ thống thủy lợi Cái Lớn-Cái Bé giai đoạn 1 có tổng vốn đầu tư hơn 3.300 tỷ đồng, trong đó có hai “siêu cống” Cái Lớn, Cái Bé là cống lớn nhất Việt Nam hiện nay.
Dự án được khởi công từ tháng 10/2019, hoàn thành tháng 11/2021, có chức năng kiểm soát nguồn nước (mặn, lợ, ngọt), tạo điều kiện sản xuất ổn định, bền vững đối với các mô hình sản xuất theo hệ sinh thái tương ứng.
Hệ thống thủy lợi không chỉ giúp người dân tỉnh Kiên Giang mà một số tỉnh Hậu Giang, Bạc Liêu, Cà Mau cũng được hưởng lợi, với diện tích tự nhiên 384.120ha, trong đó đất sản xuất nông nghiệp, thủy sản trên 346.200ha; kết hợp tuyến đê biển Tây tạo thành cụm công trình chủ động ứng phó biến đổi khí hậu, nước biển dâng, phòng chống thiên tai, giảm ngập úng.