Hiệu quả từ giao khoán và ứng dụng công nghệ bảo vệ rừng

Thời gian qua, tỉnh Tuyên Quang thực hiện nhiều giải pháp như triển khai giao khoán rừng, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, bảo vệ rừng nhằm phát hiện sớm các hành vi khai thác lâm sản trái phép trên đất rừng. Công tác này góp phần nâng cao ý thức cho người dân trong bảo vệ rừng, hướng tới phát triển rừng bền vững.
0:00 / 0:00
0:00
Cán bộ Hạt kiểm lâm rừng đặc dụng Cham Chu sử dụng phần mềm Locus Map giám sát hoạt động tuần tra bảo vệ rừng.
Cán bộ Hạt kiểm lâm rừng đặc dụng Cham Chu sử dụng phần mềm Locus Map giám sát hoạt động tuần tra bảo vệ rừng.

Thực hiện Nghị định số 75/2015/NĐ-CP ngày 9/9/2015 của Chính phủ về cơ chế, chính sách bảo vệ và phát triển rừng gắn với chính sách giảm nghèo nhanh, bền vững và hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số, trong giai đoạn 2016-2020, tỉnh Tuyên Quang đã thực hiện giao khoán bảo vệ hơn 85 nghìn ha rừng tự nhiên và rừng phòng hộ cho 4.104 hộ dân tộc thiểu số, tổng kinh phí hỗ trợ hơn 132 tỷ đồng. Chính sách này đã góp phần hạn chế được các vụ phá rừng, nâng cao ý thức, trách nhiệm bảo vệ rừng của mỗi cá nhân; đồng thời, giúp người dân có thêm nguồn thu nhập chính đáng từ rừng.

Ông Đặng Hữu Minh, dân tộc Dao ở thôn Làng Chạp, xã Trung Sơn, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang đã có gần mười năm nhận giao khoán bảo vệ rừng chia sẻ, để công tác tuần rừng đạt hiệu quả cao, ông và một số hộ nhận giao khoán bảo vệ rừng của thôn thành lập các tổ, nhóm cùng đi tuần rừng. Mỗi tuần, ông đi tuần rừng từ 2-3 lần. Gắn bó nhiều năm, ông Minh đã nắm rõ từng con đường mòn và khe suối quanh khu rừng, chỉ cần nghe tiếng động là có thể ước chừng nó ở khoảnh rừng nào.

Trở về sau chuyến tuần rừng, anh Đặng Phúc Hoàng, dân tộc Dao, thôn Làng Chạp, xã Trung Sơn cho hay, anh nhận giao khoán bảo vệ rừng khoảng bốn năm nay với tổng diện tích 24 ha. Rừng Trung Sơn còn khá nguyên sơ, rậm rạp, có nhiều loài thực vật quý như gù hương, nghiến, lim xẹt... Trước kia, có thời điểm người dân trong thôn phải bơm nước từ sông vào các ruộng để phục vụ sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, nhiều năm nay, rừng được bảo vệ, nguồn nước phục vụ sinh hoạt, sản xuất của nhân dân vì thế được bảo đảm.

Theo anh Chẩu Xuân Chức, Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm Kim Quan, Hạt Kiểm lâm Yên Sơn, hiện nay Trạm quản lý hơn 5.250 ha rừng thuộc địa bàn hai xã Trung Sơn và Kim Quan, huyện Yên Sơn; trong đó, diện tích rừng đang được giao khoán bảo vệ hơn 914 ha với 251 hộ dân nhận giao khoán bảo vệ. Từ khi thực hiện nhận giao khoán bảo vệ rừng, trách nhiệm của người dân ngày càng nâng cao.

Ngoài việc quản lý tốt diện tích được giao khoán, người dân trở thành kênh thông tin quan trọng, giúp lực lượng kiểm lâm kịp thời phát hiện, ngăn chặn nạn chặt, phá rừng. Đồng thời, tuyên truyền cho bà con lối xóm nâng cao ý thức bảo vệ rừng, bảo vệ nguồn nước; chủ động phát hiện các nguy cơ cháy rừng, kịp thời báo cáo với lực lượng chức năng xử lý... Nhờ đó nhiều năm qua, khu vực rừng tự nhiên thuộc quản lý của Trạm Kiểm lâm Kim Quan không xảy ra tình trạng cháy rừng hay chặt phá cây rừng trái phép.

Toàn tỉnh Tuyên Quang hiện có 448 nghìn ha đất lâm nghiệp, chiếm khoảng 76% diện tích đất tự nhiên; trong đó diện đất có rừng hơn 426 nghìn ha, đứng thứ ba của cả nước về tỷ lệ che phủ rừng luôn duy trì hơn 65%. Thời gian qua, lực lượng Kiểm lâm tỉnh Tuyên Quang đã tích cực cập nhật các ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong quản lý, bảo vệ rừng.

Hiện nay, các Hạt kiểm lâm tích cực sử dụng phầm mềm để quản lý, bảo vệ rừng như Locus Map, thiết bị viễn thám (cảnh báo cháy rừng sớm). Các phần mềm này được tích hợp lên máy tính bảng, điện thoại thông minh, hỗ trợ nhiều tính năng như: đo đạc, hỗ trợ kiểm tra thực địa, quản lý số lô rừng, trạng thái rừng, tên chủ rừng, loại cây trồng, năm trồng, trữ lượng… hỗ trợ đắc lực cho công chức kiểm lâm trong quá trình thực hiện nhiệm vụ; giúp lực lượng kiểm lâm phát hiện, cảnh báo sớm các thay đổi bất thường, cập nhật chính xác những biến động về tài nguyên rừng.

Rừng đặc dụng Cham Chu có tổng diện tích gần 15 nghìn ha, nằm trên địa bàn 83 thôn, bản thuộc năm xã là Trung Hà, Hà Lang, Hòa Phú (huyện Chiêm Hóa); Yên Thuận, Phù Lưu (huyện Hàm Yên). Theo ông Nông Giang Nam, Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng Cham Chu, hiện tại tổng số cán bộ kiểm lâm và nhân viên tuần rừng của hạt 26 người. Với diện tích quản lý lớn, địa bàn rộng, trước kia việc nắm bắt thông tin về diễn biến rừng rất khó khăn, mất nhiều thời gian.

Từ năm 2013 đến nay, chỉ cần truy cập phần mềm Locus Map, đơn vị dễ dàng có được những hình ảnh và nắm bắt tình hình các khoảnh rừng. Ứng dụng cung cấp bản đồ hiện trạng, xác định vị trí người dùng, ranh giới các tiểu khu, chụp hình có tọa độ, quay phim, sử dụng điện thoại như một thiết bị GPS. Đặc biệt, luôn cập nhật thông tin cụ thể vị trí, loại rừng, tên từng trưởng thôn, số điện thoại... Qua đó, giúp cán bộ kiểm lâm theo dõi, nắm bắt những gì đang diễn ra trên diện tích rừng được phân công quản lý, kịp thời hướng dẫn chủ rừng thực hiện phương án trong trường hợp cần thiết.

Nhờ làm tốt công tác quản lý bảo vệ nên diện tích rừng của tỉnh Tuyên Quang luôn được bảo đảm và là một trong số các địa phương trong cả nước có diện tích rừng lớn nhất cả nước. Theo bà Mai Thị Hoàn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tuyên Quang, qua thực tiễn và những kết quả đạt được, tỉnh đã rút ra nhiều bài học kinh nghiệm trong công tác quản lý bảo vệ rừng. Đó là cần sự quan tâm lãnh đạo sâu sát của cấp ủy Đảng, chính quyền, nhất là nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, tổ chức đối với công tác bảo vệ và phát triển rừng; bảo đảm sự phối hợp đồng bộ, có hiệu quả giữa các ngành chức năng và chính quyền cơ sở, các chủ rừng và người dân; đầu tư, ứng dụng các trang thiết bị kỹ thuật, khoa học công nghệ tiên tiến, hiện đại vào công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.

Cùng với đó, quản lý, bảo vệ rừng phải gắn chặt với phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; bảo đảm người dân sống trong vùng có rừng phát triển được kinh tế từ rừng; tạo điều kiện và thu hút người dân tham gia bảo vệ rừng gắn với phát triển du lịch sinh thái; phát triển rừng gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm để hình thành liên kết theo chuỗi giá trị từ trồng, chăm sóc, khai thác, chế biến và tiêu thụ gỗ, sản phẩm chế biến từ gỗ; tạo sinh kế nâng cao đời sống của người dân là giải pháp lâu dài, bền vững.