Hiện, Ninh Thuận có hai trường liên cấp tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông; 26 trường mầm non, 214 nhóm lớp độc lập, mỗi năm, tiếp nhận hàng nghìn học sinh các cấp học ngoài công lập.
Thu hút nguồn xã hội hóa
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Huệ Khải cho biết, tính đến tháng 12/2023, tỉnh đã huy động các tổ chức, cá nhân trong nước và những dự án phi chính phủ nước ngoài tài trợ hơn 221 tỷ đồng; xây dựng, tu sửa nhiều trường, lớp học... cho các cơ sở giáo dục công lập.
Hưởng ứng kêu gọi xã hội hóa giáo dục của Ninh Thuận, năm 2018, Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Trung Nam (Tập đoàn Trung Nam) đã đầu tư 66 tỷ đồng, xây dựng Trường trung học cơ sở, trung học phổ thông Đặng Chí Thanh ở thôn Lạc Sơn 2, xã Cà Ná theo thiết kế hiện đại, quy mô 35 phòng, trong đó có 24 phòng học được trang bị đầy đủ trang thiết bị dạy học theo hướng trường chuẩn quốc gia.
Nhờ có trường mới và cơ sở vật chất được đầu tư đồng bộ, nên đã thu hút ngày càng tăng số lượng học sinh vùng biển nơi đây đến trường. Nhà trường có điều kiện tổ chức nhiều hoạt động khác, giúp học sinh nâng cao thể chất, rèn luyện các kỹ năng cần thiết để học tập tốt, nâng cao kiến thức tỷ lệ thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng trên cả nước ngày càng nhiều; phong trào khuyến học, khuyến tài ngày càng nhân rộng.
Bí thư Huyện ủy Thuận Nam Châu Thanh Hải chia sẻ: "Kể từ năm học 2019-2020 đến nay, hàng nghìn học sinh của hai cấp học ở xã Cà Ná không còn phải đi học nhờ tại Trường trung học cơ sở Trương Văn Ly, xã Phước Diêm như nhiều năm trước. Người dân vùng biển nơi đây rất phấn khởi".
Những năm qua, được các tổ chức, doanh nghiệp trong nước và các dự án phi chính phủ nước ngoài, như Ngân hàng Đồng bằng sông Cửu Long, Quỹ Phòng chống thiên tai bão lụt miền trung, Công ty cổ phần Xây dựng Hacom Holdings, Lãnh sự quán Nhật Bản tại Thành phố Hồ Chí Minh, Đại sứ quán Ấn Độ, Cơ quan hợp tác quốc tế Hàn Quốc-KOICA… tài trợ hàng trăm tỷ đồng, tỉnh Ninh Thuận đã xây mới, sửa chữa, nâng cấp gần 30 trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông theo hướng tiêu chuẩn quốc gia tại các vùng đồng bào Chăm, vùng sâu, vùng xa, miền núi thuộc các huyện Ninh Phước, Thuận Nam, Bác Ái, Ninh Hải…
Thông qua Bộ Giáo dục và Đào tạo, từ năm 2021-2023, Ninh Thuận đã tổ chức ba đợt huy động nguồn lực từ "Chương trình máy tính cho em", được công đoàn ngành và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam quyên góp khoảng 35 tỷ đồng đầu tư mua sắm và tài trợ 13.392 máy tính bảng, hỗ trợ cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh có điều kiện học tập trong giai đoạn đại dịch Covid-19 hoành hành và thực hiện chuyển đổi số hiện nay.
Ninh Thuận còn tiếp nhận hàng trăm tình nguyện viên chuyên ngành giáo dục tiểu học của Hàn Quốc đến hỗ trợ thực hiện chương trình giáo dục và nâng cao chất lượng giáo dục cho các trường học tại huyện Bác Ái, thành phố Phan Rang-Tháp Chàm… góp phần nâng cao chất lượng giáo dục.
Đến nay, Ninh Thuận không còn điểm trắng về giáo dục. Tình trạng lưu ban, bỏ học giảm nhiều; tỷ lệ huy động học sinh trong độ tuổi ra lớp tại các vùng miền núi, vùng đặc biệt khó khăn ngày càng tăng.
Phát triển giáo dục ngoài công lập
Những năm qua, Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận có một số chính sách ưu tiên cho thuê đất, giao đất theo chủ trương của Chính phủ; miễn thuế sử dụng đất, thuê đất đối với các cơ sở giáo dục ngoài công lập hoạt động theo cơ chế phi lợi nhuận và khuyến khích phát triển giáo dục tư thục; tạo điều kiện cho hàng chục dự án đầu tư có quy mô lớn tại địa phương.
Trong số 11 dự án đầu tư phát triển giáo dục tư thục với số vốn đăng ký hơn 361 tỷ đồng, Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Đầu tư và Phát triển học đường quốc tế-iSchool (Nguyễn Hoàng Group) ở Thành phố Hồ Chí Minh được coi là nhà đầu tư tiên phong tại Ninh Thuận.
Tháng 4/2009, Nguyễn Hoàng Group được Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận phê duyệt chủ trương và cấp phép thành lập Trường trung học phổ thông iSchool Ninh Thuận trên cơ sở tiếp nhận Trường trung học phổ thông bán công Trần Quốc Toản (thành phố Phan Rang-Tháp Chàm) và đi vào hoạt động từ ngày 1/7/2011.
Năm học 2023-2024, sau khi chính thức hoàn thiện cơ sở vật chất, đạt tiêu chuẩn giáo dục hiện đại quốc gia và quốc tế từ mầm non đến trung học phổ thông, nhà đầu tư ra mắt Trường Hội nhập quốc tế iSchool Ninh Thuận, đáp ứng nhu cầu dạy và học chất lượng cao cho 2.500 học sinh các cấp học.
Nhà giáo Ưu tú Phan Đức, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: "Dự kiến, kết thúc năm học 2023-3024, nhà trường sẽ vinh danh và khen thưởng sáu giáo viên đạt dạy giỏi cấp tỉnh và hệ thống iSchool; một học sinh vẽ tranh đạt giải cấp quốc gia; 34 học sinh đạt giải cấp tỉnh, cấp hệ thống, cấp thành phố ở các nội dung học sinh giỏi các lĩnh vực khoa học kỹ thuật, Olympic tiếng anh (IOE), Voice of iSchool, English Beat, đại hội điền kinh cấp tỉnh".
Ninh Thuận còn có 10 doanh nghiệp, cá nhân trong tỉnh đầu tư phát triển giáo dục tư thục các cấp học: Mầm non, tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông, điển hình như Doanh nghiệp tư nhân Trường mầm non Hoa Sen đầu tư hơn 130 tỷ đồng xây dựng Trường liên cấp Hoa Sen (cấp tiểu học đến trung học cơ sở và trung học phổ thông) và bốn trường mầm non, hằng năm tiếp nhận hơn 2.000 học sinh và trẻ em các lớp mầm non.
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Huệ Khải cho biết: So với năm 2015, Ninh Thuận đã sắp xếp lại mạng lưới trường, lớp các cấp học, giảm 37 cơ sở giáo dục công lập (từ cấp mầm non đến trung học cơ sở). Riêng, cấp trung học phổ thông tăng hai trường, nâng tổng số lên 22 trường. Đầu năm 2023-2024, toàn tỉnh có hơn 149.000 học sinh đến trường các cấp học. Toàn ngành, có 10.313 cán bộ, công chức, viên chức. So với năm học 2022-2023, giảm 210 giáo viên ở các cấp: Mầm non, tiểu học và trung học cơ sở. Riêng cấp trung học phổ thông tăng 11 giáo viên.
Trong điều kiện ngân sách nhà nước chưa thể đáp ứng các nhu cầu phát triển về giáo dục và đào tạo, việc đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục sẽ góp phần thu hút được đáng kể về nhân lực, vật lực và nguồn lực để đầu tư trường, lớp phục vụ cho phát triển.
Theo đó, Nhà nước sẽ giảm một lượng ngân sách đáng kể cho đầu tư phát triển, chi chế độ chính sách cho người lao động, giảm được biên chế trong khu vực công để tập trung đầu tư cho các vùng miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn…
Các doanh nghiệp đề nghị Nhà nước cần hỗ trợ về học phí, sách, đồ dùng học tập cho người học; giao đất lâu năm, hỗ trợ vốn tín dụng, về thuế,… cho nhà đầu tư xã hội hóa giáo dục tại các vùng có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn; ban hành các chính sách bảo đảm lợi ích hợp pháp về vật chất và tinh thần, về quyền sở hữu và thừa kế đối với phần vốn góp và lợi tức của cá nhân, tập thể tham gia xã hội hóa giáo dục.
Đồng thời có cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp, các tổ chức cá nhân trong và ngoài tỉnh đóng góp kinh phí, đất đai để xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia và thực hiện học 2 buổi/ngày ở tất cả các cấp học; có chính sách ưu tiên cho hợp tác giữa tư nhân với các cơ sở giáo dục công lập thông qua các hình thức liên kết, hợp tác kinh doanh, đối tác công-tư, để tạo đột phá trong toàn hệ thống về phát triển giáo dục cả nước nói chung và Ninh Thuận nói riêng.