Hiệu quả từ chương trình “Thắp sáng đường quê” ở Thái Bình

NDO - Nhằm thay đổi diện mạo khu vực nông thôn, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân, gắn với tiêu chí điện sáng nông thôn trong xây dựng nông thôn mới (NTM), thời gian qua tỉnh Thái Bình đã ưu tiên nguồn lực, chú trọng triển khai hệ thống chiếu sáng cho các tuyến đường ở khu vực nông thôn trên toàn tỉnh.
0:00 / 0:00
0:00
Nhờ có hệ thống đèn chiếu sáng, công tác an ninh trật tự, an toàn giao thông ở nhiều vùng nông thôn được cải thiện rõ rệt. (Ảnh: Ngọc Thắng)
Nhờ có hệ thống đèn chiếu sáng, công tác an ninh trật tự, an toàn giao thông ở nhiều vùng nông thôn được cải thiện rõ rệt. (Ảnh: Ngọc Thắng)

Thời gian qua, hàng trăm ki-lô-mét đường liên xã và hàng trăm đoạn đường liên thôn thôn, xóm của tỉnh Thái Bình đã được lắp đặt hệ thống chiếu sáng bằng nguồn năng lượng mặt trời. Việc lắp đặt đèn năng lượng mặt trời đã giúp cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân, tạo ra một môi trường sống an toàn và thuận tiện.

Triển khai đồng bộ

Năm 2021 Hội đồng nhân dân tỉnh Thái Bình đã ra Nghị quyết số 25/2021/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân tỉnh Thái Bình (Nghị quyết 25) quy định cơ chế, chính sách hỗ trợ xây dựng hệ thống đèn điện “Thắp sáng đường quê” trong xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025. Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch số 153/KH-UBND ngày 16/11/2021 tổ chức thực hiện hỗ trợ xây dựng hệ thống đèn điện “Thắp sáng đường quê” trong xây dựng Nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 (chương trình “Thắp sáng đường quê”). Đã có 42 xã ở 8 huyện, thành phố được lựa chọn hỗ trợ lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời với số tiền gần 3,5 tỷ đồng. Đến nay, 14/42 xã thực hiện việc lắp đặt đèn điện năng lượng mặt trời được 37,22km trên tổng số 160,7km đăng ký.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Trung An, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình Nguyễn Văn Trịnh cho biết, ban đầu việc việc triển khai còn gặp khó khăn. Một bộ phận người dân chưa đồng tình, do hoài nghi hiệu quả của nó. Chính quyền đã phối hợp với đơn vị kỹ thuật phân tích và cam kết tính hiệu quả của hệ thống chiếu sáng này. Sau một thời gian thì lắp đặt và đưa vào sử dụng thì bà con đã thấy được hiệu quả nên rất phấn khởi.

Hiệu quả từ chương trình “Thắp sáng đường quê” ở Thái Bình ảnh 1

Việc thi công lắp đặt hệ thống đèn năng lượng mặt trời dễ dàng, tiết kiệm chi phí.

Trưởng Phòng Giải pháp tích hợp, chi nhánh công ty công trình Viettel Thái Bình Vũ Duy Chương chia sẻ, ưu điểm của hệ thống này là cứ tối đến là đèn tự động sáng đồng loạt trên khắp thôn xóm, khi có ánh sáng mặt trời lên là đèn tự động tắt. Khi thi công đèn năng lượng mặt trời không phải kéo đường điện chỉ trồng cột và chiếu sáng thô, đặc biệt không có tình trạng đèn hỏng hay “cháy” hàng loạt. Đơn vị chúng tôi đã lựa chọn sản phẩm tốt cả về chất lượng và giá thành để tiến hành triển khai lắp đặt phù hợp với khu vực nông thôn. Riêng ở tỉnh Thái Bình công việc triển khai hết sức thuận lợi, trong đó sự đồng thuận của nhân dân được lan tỏa rộng khắp tỉnh, ông Vũ Duy Chương cho biết thêm.

Hiện nay, Thái Bình đang thực hiện thí điểm mỗi huyện 10 xã; thành phố Thái Bình 1 xã xây dựng hệ thống đèn đường chiếu sáng toàn bộ các tuyến đường qua khu dân cư tập trung. Đến trước năm 2025 sẽ hoàn thành trên toàn bộ các tuyến qua khu dân cư tập trung trên địa bàn toàn tỉnh.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thái Bình Đỗ Quý Phương cho biết, tỉnh đã qua hơn hai năm thực hiện cơ chế này, rất có hiệu quả và được sự hưởng ứng của người dân. Đến nay, địa phương đã có trên 881km đã đăng ký xây dựng, và hiện nay các xã đã triển khai và thực hiện được trên 300km đường điện. Đây là chương trình nhằm hỗ trợ các xã xây dựng hệ thống đèn đường chiếu sáng, thắp sáng toàn bộ các tuyến đường qua khu dân cư tập trung giai đoạn 2021-2025 góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của cư dân nông thôn. Đồng thời, khai thác và phát huy tiềm năng, lợi thế của tỉnh, ưu tiên khai thác sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới, năng lượng sạch để phục vụ sản xuất, đời sống

Bộ mặt đường quê thay đổi

Trước đây, con đường chính liên thôn dài 1,5 km chạy dọc qua cánh đồng của xã Trung An, huyện Vũ Thư thường “lọt thỏm” vào bóng tối mỗi khi mặt trời lặn, vậy nên việc đi lại của bà con trong xã gặp nhiều khó khăn. Từ nguồn hỗ trợ của tỉnh cùng với sự đồng thuận đóng góp của nhân dân trong xã, tuyến đường này giờ đây đã có hàng đèn sáng choang mỗi khi trời tối, việc đi lại của bà con đã hết sức thuận lợi.

Ông Nguyễn Thanh Hoài, thôn An Lộc, xã Trung An, huyện Vũ Thư vui vẻ cho biết: “Trước đây chúng tôi đi làm đồng đến khoảng 6 giờ chiều là đã về rồi, nhưng giờ có điện nên chẳng hạn thì chúng tôi làm đến sáu, bảy giờ tối cũng không vấn đề gì. Ngoài ra, các cháu học sinh đi học thêm về trong khoảng thời gian tối thì đã có đèn chiếu sáng để cho các cháu tham gia giao thông được thuận tiện. Khi có hàng cột đèn sáng vào ban tối, cũng đã hạn chế các tệ nạn xã hội, hạn chế tai nạn giao thông. Quan trọng nữa là đèn bằng năng lượng mặt trời sẽ không lo bị “hở điện” mỗi khi trời mưa và không “mất” tiền điện hằng tháng”.

Hiệu quả từ chương trình “Thắp sáng đường quê” ở Thái Bình ảnh 2

Hệ thống đèn năng lượng mặt trời đã "phủ sáng" nhiều tuyến đường quê tại Thái Bình.

Xã Đông Mỹ đã được Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình phê duyệt phương án lắp đặt 16 tuyến đường, với chiều dài 10,2km. Sử dụng hơn 200 bóng đèn năng lượng mặt trời loại liền bóng, tổng kinh phí là gần 250 triệu đồng, trong đó UBND tỉnh hỗ trợ 50%, số tiền còn lại do xã vận động xã hội hóa. Phó Chủ tịch UBND xã Đông Mỹ, thành phố Thái Bình, tỉnh Thái Bình Phan Văn Thủy cho biết, hệ thống đèn năng lượng mặt trời lắp đặt ở các con đường được bà con rất đồng tình ủng hộ. Công trình này không những góp phần giữ gìn an ninh trật tự ở địa phương, tạo điều kiện để bà con nhân dân yên tâm lao động, sản xuất, phát triển kinh tế-xã hội, mà còn giúp xã Đông Mỹ hoàn thiện các tiêu chí trở thành phường trong thời gian tới.

Chương trình “Thắp sáng đường quê” nhằm hỗ trợ các xã xây dựng hệ thống đèn đường chiếu sáng, góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của cư dân nông thôn, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn giao thông khu vực nông thôn. Đồng thời, khai thác và phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương, ưu tiên khai thác sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới, năng lượng sạch để phục vụ sản xuất, nâng cao chất lượng sống cho bà con nhân dân ở khu vực nông thôn.