Từ khi Chỉ thị số 40-CT/TU ngày 10/3/2014 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hậu Giang về việc tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh phong trào thi đua “Dân vận khéo”, trên địa bàn tỉnh xuất hiện nhiều mô hình, điển hình mang lại hiệu quả thiết thực.
Trên đường giao thông nông thôn từ kênh Bờ Tràm đến Trường tiểu học Hòa Mỹ 1 với chiều dài 4,2 km, nối liền hai ấp (Ấp 6 và Ấp 4), đồng chí Kim Ngọc Tuấn, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân xã Hòa Mỹ, huyện Phụng Hiệp cho biết: Tuyến đường này đi qua 206 hộ, với 775 khẩu. Nơi đây được chọn để xây dựng mô hình đột phá “3 xanh, 4 có, 5 không” (đường xanh, nhà xanh, vườn rau xanh; có nước sạch, có nhà vệ sinh, có cột cờ, hộ có người tham gia vào tổ chức các đoàn thể; không rác thải nhựa, không bạo lực gia đình, không ma túy, không dùng xung điện đánh bắt cá, uống rượu bia không tham gia giao thông). Tuy mới triển khai thực hiện từ đầu năm 2024 đến nay, nhưng nhanh chóng nhận được sự đồng thuận cao của người dân.
Nhà ông Lê Phước Nhỏ ở Ấp 4-một trong những hộ tích cực tham gia thực hiện mô hình, trước nhà giờ đã phủ một mầu xanh cây cảnh, hoa kiểng. Từ cột cờ kết hợp đèn thắp sáng, vườn rau, hàng rào cây xanh được cắt tỉa gọn gàng, đến cây kiểng được chăm chút tạo hình rất đẹp. Ông Nhỏ cho biết: “Mô hình có 12 nội dung, tuy hơi nhiều, nhưng tôi thấy hầu hết đều phục vụ nhu cầu, lợi ích của người dân. Vì thế, ai cũng tích cực tham gia. Trước đây, nhiều người chưa mấy quan tâm đến cảnh quan môi trường, thì bây giờ nhà nào cũng sáng, xanh, sạch, không xảy ra bạo lực gia đình, không tệ nạn xã hội. Mọi người đoàn kết, cùng nhau phát triển kinh tế, cùng thụ hưởng”.
Theo đồng chí Kim Ngọc Tuấn, để triển khai mô hình này, địa phương tiến hành tổ chức họp dân bằng hình thức tuyên truyền trực quan sinh động, trình chiếu video clip các cách làm hay, các đoạn đường đẹp kiểu mẫu ở một số nơi trên địa bàn xã cho người dân tham khảo và thống nhất thực hiện. Nhờ vậy, người dân dễ dàng tiếp nhận, quan trọng hơn là các nội dung của mô hình đều gắn liền với lợi ích cuộc sống cho nên nhận được sự đồng thuận cao. Đối với rác thải nhựa, ấp cử một người đi thu gom rác (vận động người dân đóng phí hằng tháng) vận chuyển ra điểm trung chuyển để công ty công trình đô thị đưa đi xử lý. Ngoài ra, xã cũng vận động nhà hảo tâm hỗ trợ gắn hai camera để quản lý an ninh trật tự.
Theo Phó Trưởng ban Dân vận huyện Phụng Hiệp, Phạm Thúy Phượng, toàn huyện có 546 mô hình “Dân vận khéo” tiêu biểu, hiệu quả, có sức lan tỏa và khả năng ứng dụng cao trên các lĩnh vực. Riêng mô hình “3 xanh, 4 có, 5 không”, qua đánh giá, đến nay 100% hộ gia đình có hàng rào cây xanh; 100% hộ có cây xanh; 196/206 hộ có vườn rau xanh đạt 95%; 100% hộ có nước sạch; 195/206 hộ có nhà vệ sinh bảo vệ môi trường đạt 94,66%; 100% hộ có cột cờ sắt; 85,27% hộ có người tham gia các tổ chức đoàn thể; 100% hộ dân thực hiện tốt “không rác thải nhựa, không bạo lực gia đình, không ma túy, không dùng xung điện đánh bắt cá, uống rượu bia không tham gia giao thông”. Kết quả này cho thấy có thể nhân rộng mô hình ở các địa phương khác, nhằm góp phần hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới trong thời gian tới.
Theo Ban Dân vận Tỉnh ủy Hậu Giang, toàn tỉnh có 11.679 mô hình, điển hình “Dân vận khéo” trên các lĩnh vực: Kinh tế, văn hóa-xã hội, quốc phòng-an ninh và xây dựng hệ thống chính trị. Nhiều mô hình chất lượng, có sức lan tỏa, thu hút đoàn viên, hội viên và nhân dân tích cực tham gia phong trào thi đua “Dân vận khéo” trong xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh,... Từ đó, góp phần phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương.
Hiệu quả từ phong trào thi đua “Dân vận khéo” mang lại cho thấy việc thực hiện Chỉ thị số 40 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hậu Giang là một chủ trương đúng đắn, trở thành phong trào thiết thực, hiệu quả, hợp lòng dân, được đông đảo đoàn viên, hội viên và nhân dân hưởng ứng, tham gia. Phong trào phát triển rộng khắp trên các lĩnh vực, xuất hiện nhiều ở những nơi khó khăn, góp phần tháo gỡ những vướng mắc trong thực hiện nhiệm vụ, thúc đẩy phát triển kinh tế, giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội, xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở, giữ gìn an ninh trật tự trên địa bàn dân cư. Đặc biệt là góp phần tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc, củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước.
Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Hậu Giang Sầm Hoàng Minh cho biết: Từ thực tế cho thấy, phong trào thi đua “Dân vận khéo” đạt hiệu quả cao phải có sự lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ của các cấp ủy đảng, phối hợp đồng bộ của chính quyền, người đứng đầu cơ quan, đơn vị. Mô hình, điển hình “Dân vận khéo” được lựa chọn phải phù hợp với điều kiện địa phương, mang lại hiệu quả, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng, lợi ích chính đáng của nhân dân. Đặc biệt, trong quá trình thực hiện cần tăng cường kiểm tra, sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm, phổ biến những cách làm khéo, hiệu quả để không ngừng hoàn thiện các mô hình “Dân vận khéo”, phù hợp trên từng lĩnh vực, ở từng giai đoạn.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được còn tồn tại nhiều hạn chế. Công tác chỉ đạo và triển khai thực hiện ở một số cấp ủy cơ sở từng lúc, có nơi chưa quan tâm đúng mức. Việc phát động đăng ký, xây dựng mô hình, điển hình đôi khi còn lúng túng. Nội dung thực hiện còn chung chung, thiếu định lượng, thước đo đánh giá hiệu quả mô hình. Chất lượng một số mô hình thiếu bền vững, khó duy trì... “Để nâng cao chất lượng phong trào, thời gian tới, bên cạnh việc nghiên cứu hoàn thiện tiêu chí đánh giá hiệu quả mô hình, tỉnh sẽ chú trọng định hướng, phát triển các mô hình “Dân vận khéo” trên cơ sở bám sát nhiệm vụ chính trị của địa phương. Khi xây dựng mô hình phải hướng đến nhu cầu, lợi ích, nguyện vọng chính đáng của nhân dân, nhất là liên quan đến công tác vận động bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; chuyển đổi số; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, kinh tế tập thể; khởi nghiệp sản xuất, kinh doanh...; xem đây là nhiệm vụ trọng tâm để xây dựng và nhân rộng mô hình”-đồng chí Sầm Hoàng Minh cho biết ■