Hiệu quả hội thi "Tìm hiểu chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng"

Hội thi "Tìm hiểu chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng" kết thúc đến nay đã gần một tháng, vậy mà chị Lò Thị Ương cùng các thành viên thuộc đội thi bản Co Mận, Che Căn, Phăng 1 và bản Bua xã Mường Phăng, thành phố Điện Biên Phủ (tỉnh Điện Biên), vẫn nhớ như hội thi mới vừa diễn ra ngày hôm qua.
0:00 / 0:00
0:00
Hội thi "Tìm hiểu về chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng" tại xã Mường Phăng, TP Điện Biên Phủ.
Hội thi "Tìm hiểu về chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng" tại xã Mường Phăng, TP Điện Biên Phủ.

Nhờ hội thi ấy mà chị và người dân các bản trong xã Mường Phăng càng thêm gắn kết, thêm hiểu ý nghĩa công tác quản lý, bảo vệ rừng và hiệu quả chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng.

Không chỉ bồi dưỡng kiến thức, trách nhiệm quản lý, bảo vệ rừng cho thành viên các đội thi thuộc bốn bản, mà hội thi "Tìm hiểu chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng" còn đem đến sự gắn kết, cộng đồng trách nhiệm bảo vệ rừng cho nhân dân xã Mường Phăng.

Đưa chúng tôi xem giấy khen của Ban tổ chức hội thi "Tìm hiểu chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng" tặng đội thi bản Co Mận giành Giải nhất, chị Lò Thị Ương say sưa nói về những ngày tập luyện và những kiến thức nhận được từ hội thi.

Chị chia sẻ, khi nghe Trưởng bản thông báo là đã lập danh sách các cá nhân cử đại diện cho dân bản Co Mận tham gia hội thi, tôi đã lo lắm. Mất hai đêm liền không ngủ được vì nghĩ cách xin không tham gia vậy nhưng khi nghe Trưởng bản động viên, người trong gia đình ủng hộ thì tôi tự tin hơn để tập trung ôn luyện. Ngoài tài liệu, kiến thức chung quanh Luật Lâm nghiệp, chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng tại Nghị định 156, tôi tìm thêm các bài báo viết về cách sử dụng dịch vụ môi trường rừng hiệu quả của bà con các bản trong tỉnh để tham khảo và tích lũy thêm hiểu biết. Sau gần một tháng ôn luyện, tôi hiểu rõ hơn các quy định bảo vệ rừng, định mức chi trả và cách sử dụng tiền dịch vụ môi trường rừng hiệu quả, thế mà buổi khai mạc hội thi vào sáng ngày 15/6 tôi lại quên hết vì… hồi hộp, lo lắng. Lúc sau, thấy thành viên trong đội phấn chấn, đội bạn sôi nổi, hào hứng tôi lấy lại được bình tĩnh cùng các thành viên tiếp tục các phần thi: chào hỏi; kiến thức và phần thi tài năng. "Qua màn chào hỏi giới thiệu đội thi, tôi và các thành viên trong đội không còn run nữa. Các kiến thức về bảo vệ rừng, hiệu quả bảo vệ rừng cứ thế trong đầu tuôn ra; tôi và mọi người hoàn toàn tự tin trả lời câu hỏi và tình huống từ ban tổ chức" - chị Ương vui vẻ nói!

Cùng tham gia hội thi như chị Lò Thị Ương, ông Lò Văn Diện, Bí thư Chi bộ bản Phăng 1, xã Mường Phăng đã hiểu thêm quy định về chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, cách sử dụng tiền dịch vụ môi trường rừng hiệu quả mà tiểu phẩm của đội bạn đem đến hội thi.

Ông Lò Văn Diện cho biết: Qua theo dõi tiểu phẩm của các đội bản Bua, Co Mận, Che Căn chúng tôi đã hiểu rõ quy định phân chia và các việc được sử dụng dịch vụ môi trường rừng đối với tập thể để khuyến khích động viên từng người trong cộng đồng tích cực tham gia bảo vệ rừng. Ngay sau hội thi, tôi đã xây dựng kế hoạch, nội dung cụ thể về bảo vệ rừng để họp bàn, thống nhất trong chi ủy rồi tới đây sẽ họp dân để lan tỏa kiến thức, giúp bà con dân bản hiểu được nguồn lợi và trách nhiệm công dân trong bảo vệ rừng, cũng như việc sử dụng tiền dịch vụ môi trường rừng hiệu quả, đúng mục đích.

Đánh giá cao hiệu quả mà hội thi đem lại, ông Lò Văn Hợp, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Mường Phăng, khẳng định: Không chỉ bồi dưỡng kiến thức, trách nhiệm quản lý, bảo vệ rừng cho thành viên các đội thi thuộc bốn bản, mà hội thi này còn đem đến sự gắn kết, cộng đồng trách nhiệm bảo vệ rừng cho nhân dân xã Mường Phăng.

Từ nội dung của bốn tiểu phẩm do các đội trình bày, nhân dân trong xã đã hiểu rõ về trách nhiệm quản lý, bảo vệ rừng của từng gia đình, từng cộng đồng bản và trách nhiệm chung trong bảo vệ rừng đặc dụng Mường Phăng - nơi mà 69 năm trước Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã lựa chọn đặt Sở Chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử.

Đồng tình với nhận xét về hội thi ông Lò Văn Hợp, ông Trần Xuân Tâm, Phó Giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát riển rừng tỉnh Điện Biên đánh giá: Các chủ rừng đã đầu tư thời gian nghiên cứu tài liệu, chuẩn bị kịch bản công phu, từ việc xây dựng nội dung, tự tập luyện và trao đổi kiến thức mỗi ngày.

Điều này thực sự hữu ích với công tác bảo vệ rừng tại địa phương, bởi không ai khác mà chính những người dân tại địa bàn hiểu về chính sách quản lý, bảo vệ rừng sẽ là tuyên truyền viên hiệu quả để người dân học tập, làm theo.

Trao đổi thêm về hiệu quả chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng tại tỉnh Điện Biên thời gian qua, ông Trần Xuân Tâm cho biết: Sau hơn 10 năm triển khai thực hiện chi trả dịch vụ môi trường rừng theo Nghị định số 99/2010/NĐ-CP, ngày 24/9/2010 của Chính phủ, nay là Luật Lâm nghiệp và Nghị định 156 của Chính phủ, chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đã khẳng định sự đúng đắn, lợi ích to lớn, góp phần tích cực thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn tỉnh Điện Biên nói chung, xã Mường Phăng nói riêng. Nhận thức, trách nhiệm của người dân trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng có chuyển biến mạnh mẽ; đời sống người dân, cộng đồng các dân tộc sống gần rừng ngày càng nâng cao. Đồng thời, chính sách góp phần tích cực bảo vệ môi trường sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu bằng diện tích rừng ngày càng tăng.