Kỷ niệm 69 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2023)

Về Mường Phăng nhớ ghé Che Căn

Cái tên Mường Phăng, tỉnh Điện Biên đã đi vào lịch sử và suy nghĩ của nhiều người khi địa danh này là nơi đặt Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954. Vậy nhưng, nếu đến Mường Phăng thì sẽ biết đến Che Căn. Hiện nay, Mường Phăng nỗ lực biến Che Căn trở thành địa điểm du lịch trọng điểm với lợi thế riêng có là Khu di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ và cảnh quan thiên nhiên độc đáo tại nơi này…
0:00 / 0:00
0:00
Du khách tham quan Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ tại Mường Phăng.
Du khách tham quan Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ tại Mường Phăng.

Mặc dù cách thành phố Điện Biên Phủ hơn 30km nhưng đã đến Điện Biên mà không đi Mường Phăng coi như chuyến đi về chiến trường lịch sử của 69 năm trước không thật sự trọn vẹn. Đó là lý do để chúng tôi quyết định đến đây, trước khi phát hiện ra rằng, giờ nhắc đến Mường Phăng có lẽ phải nhắc đến cả Che Căn.

Bản du lịch cộng đồng

Dáng người cao lớn, phong thái điềm đạm, dễ gần, đồng chí Lò Văn Hợp, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Mường Phăng dẫn chúng tôi tham quan bản Che Căn. Nghe mọi người nói là bản gần trụ sở xã nhưng rồi chúng tôi vẫn phải di chuyển bằng ô-tô trên con đường lổn nhổn vì đang trong giai đoạn tu sửa. Rảo bộ trên con đường bê-tông vào bản, chúng tôi thấy rõ hơn toàn bộ không gian của Che Căn - bản du lịch cộng đồng nổi tiếng của Mường Phăng và thành phố Điện Biên Phủ hiện nay.

Không khó để nhận thấy nét đặc sắc ở Che Căn là những ngôi nhà sàn truyền thống nhuốm màu thời gian của đồng bào dân tộc Thái lấp ló giữa mầu xanh bạt ngàn của núi rừng. Giải nghĩa từ Che Căn, đồng chí Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã nói rằng: Nguyên gốc hai từ Che Căn là Che Cẳn. Tiếng dân tộc Thái thì Che Cẳn có nghĩa là che chở, ngăn cản. Và có lẽ hiểu nghĩa từ Che Cẳn nên bộ đội ta đã quyết định lựa chọn Mường Phăng để đặt Sở Chỉ huy Chiến dịch. Và rồi, suốt những tháng ngày chiến đấu cam go nhất, nhân dân các dân tộc ở Mường Phăng, Điện Biên và núi rừng Điện Biên luôn bao bọc, chở che để bộ đội ta có thêm sức mạnh chiến đấu và chiến thắng, làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu".

Dạo quanh bản trong không gian yên tĩnh, ngắm nhìn những ngôi nhà sàn cổ với họa tiết tinh xảo, rồi sau đó được giới thiệu những điệu xòe, những bài dân ca Thái và thưởng thức ẩm thực của đồng bào Thái ở vùng Tây Bắc, thật khó tả hết ấn tượng ban đầu mà Che Căn để lại trong chúng tôi. Tuy nhiên, đồng chí Lò Văn Hợp cho biết, cuộc sống của người dân trong bản nói chung vẫn rất khó khăn vì bà con chủ yếu sống bằng nghề nông, trình độ văn hóa và nhận thức trong cộng đồng còn hạn chế. Việc xem du lịch là một giải pháp để nâng cao cuộc sống cho người dân là điều mà xã Mường Phăng, thành phố Điện Biên Phủ xác định và quyết tâm thực hiện nhưng rõ ràng, Che Căn không nên chỉ dựa vào lợi thế là bản nằm gần nơi đặt Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ và suy nghĩ, nếu khách du lịch tham quan Sở Chỉ huy thì họ cũng sẽ tham quan Che Căn. Đó là lý do lãnh đạo xã Mường Phăng và thành phố Điện Biên Phủ, cũng như tỉnh Điện Biên, trong thời gian qua luôn quan tâm, sát sao với việc đầu tư, hỗ trợ Che Căn phát triển du lịch, bảo tồn, gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc Thái, đồng thời giới thiệu, quảng bá những giá trị đó tới du khách trong nước và nước ngoài.

Và khi nghe những tâm tư, suy nghĩ trước đó của đồng chí Nguyễn Quang Hưng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Điện Biên Phủ và đồng chí Lò Văn Hợp, nhìn con đường dẫn vào bản đang được tu sửa, nâng cấp, chúng tôi đã hiểu được quyết tâm rất lớn của lãnh đạo địa phương nhằm nâng cao cuộc sống cho người dân Che Căn; đưa Che Căn đến gần hơn với du khách, để bản không còn là nơi "ngăn cản, không ai vào được" như theo từ gốc Che Cẳn trước đây.

Ðổi thay ở vùng căn cứ cách mạng

Những thay đổi ở Che Căn mà chúng tôi tận mắt chứng kiến có lẽ được xem là hình ảnh thu nhỏ của Mường Phăng đang chuyển mình vươn lên hiện nay. Trước đây, Mường Phăng, Pá Khoang, Nà Nhạn, Nà Tấu thuộc huyện Điện Biên, nhưng hiện cả bốn xã đã được chuyển về thành phố Điện Biên Phủ quản lý theo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào tháng 11/2019.

Nằm ở phía đông bắc và chỉ cách thành phố Điện Biên Phủ khoảng 30km, đường sá đi lại thuận tiện, Mường Phăng là địa bàn sinh sống của ba dân tộc Kinh, Thái và H’Mông. Lợi thế của xã là nói đến tên Mường Phăng, tất cả đều biết địa danh này gắn liền với các di tích lịch sử của Chiến dịch Điện Biên Phủ. Đây là cơ sở để xã dựa vào đó phát triển du lịch, thế nhưng, để thu hút, giữ chân du khách, xã cũng cần giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, trong đó có các phong tục truyền thống của người Thái và H’Mông, để làm phong phú hơn các sản phẩm du lịch.

Thực tế thì trong Nghị quyết số 19-NQ/TU của Tỉnh ủy Điện Biên về phát triển thành phố Điện Biên Phủ, bên cạnh các vấn đề về phát triển đô thị; dịch vụ, thương mại; nông nghiệp, nông thôn; bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc cũng được xem là một khía cạnh quan trọng của tỉnh và thành phố. Chẳng hạn như việc bảo tồn bản sắc văn hóa của người H’Mông mà cụ thể là trang phục, nhạc cụ, công cụ sản xuất truyền thống. Tại Mường Phăng, theo đồng chí Lò Văn Hợp, đồng bào H’Mông ở đây có nghề rèn dao, dệt thổ cẩm phát triển, vì thế, xã đã có hướng quảng bá, giới thiệu các sản phẩm của làng nghề và khôi phục lại việc trồng lanh ở bốn bản để người H’Mông đỏ, đen, hoa và trắng có thể khôi phục nghề dệt vải theo phương thức truyền thống.

Dĩ nhiên, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc ở Điện Biên nói chung, thành phố Điện Biên Phủ nói riêng sẽ hiệu quả hơn khi gắn với du lịch, đặc biệt là những nét văn hóa truyền thống đặc sắc của 19 dân tộc sinh sống trên địa bàn. Thế nên, trong khi Điện Biên triển khai đề án phát triển du lịch tỉnh, thành phố Điện Biên Phủ cũng chủ động thuê một đơn vị tư vấn làm quy hoạch du lịch cho thành phố, về chiến lược và sản phẩm, trong đó sản phẩm du lịch gồm việc xác định tour, tuyến du lịch, trọng tâm là xây dựng bản du lịch mang những nét văn hóa đặc sắc của người H’Mông, Thái, Khơ Mú... Và trong số những bản du lịch tiềm năng được Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Điện Biên Phủ Nguyễn Quang Hưng nhắc đến có Che Căn của Mường Phăng.

Để Che Căn phát triển hơn nữa về du lịch cộng đồng, ngoài lợi thế là bản nằm gần các di tích lịch sử như nêu trên, giữ gìn được những nét văn hóa đặc trưng của dân tộc Thái, phát triển nông thôn, nông nghiệp cũng là những nội dung rất quan trọng trong định hướng của Mường Phăng. Theo đồng chí Nguyễn Quang Hưng, thành phố Điện Biên Phủ có bảy phường và năm xã, trong đó có đến bốn xã vùng ngoài sáp nhập từ huyện Điện Biên. Nếu không kịp thời ra nghị quyết về phát triển nông thôn, nông nghiệp gắn với công nghệ cao và du lịch, sẽ không giúp được người dân nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống. Bởi khi du lịch phát triển, thành phố trở thành "bếp ăn của du lịch" thì vùng ngoại ô chính là nơi cung cấp những sản phẩm đó.

Mường Phăng, Pá Khoang hay Nà Nhạn là những địa phương có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp phát triển dược liệu, nhất là sâm. Bên cạnh đó, dự án trồng mắc-ca đầy tiềm năng với diện tích ban đầu được quy hoạch là hơn 1.000ha đang được triển khai. Thế nhưng, điều thú vị là tại Lễ hội Hoa ban năm 2023 và Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch lần thứ VII của thành phố Điện Biên Phủ mới đây, Mường Phăng tham gia trưng bày hai sản phẩm là dâu tây và gạo nếp tan Mường Phăng, những sản phẩm chưa hề được nghe đến trước đó đã khiến chúng tôi thật sự bất ngờ về tiềm năng phát triển nông nghiệp của xã.

Cũng không quên rằng, Mường Phăng có phong trào văn hóa, văn nghệ rất mạnh, với việc xã đang khôi phục và truyền dạy xòe Thái trong cộng đồng khi chính đồng chí Lò Văn Hợp là Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ bảo tồn xòe Thái tỉnh Điện Biên. Và nói đến xòe Thái, người con của Mường Phăng đã không giấu được niềm tự hào khi chia sẻ với chúng tôi rằng, năm 2024, khi Điện Biên kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, anh hy vọng có thể gặp lại mọi người và giới thiệu những điệu xòe, những bài dân ca Thái do đội văn nghệ xã Mường Phăng biểu diễn.

Thế mới thấy, cuộc sống dù còn khó khăn, vất vả nhưng trong lòng người Điện Biên, người Mường Phăng luôn lạc quan và tràn đầy niềm tin, niềm tự hào khi những gì mà họ đang gìn giữ, xây dựng cho quê hương ngày nay đều được vun đắp bởi những hy sinh lớn lao của thế hệ cha anh đã làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ năm xưa.