Tỉnh thu tiền dịch vụ môi trường rừng bằng hình thức ủy thác qua Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng Việt Nam, Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng của tỉnh. Đối tượng được chi trả tiền là các chủ rừng và tổ chức nhà nước (Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Lâm nghiệp, Ban Quản lý rừng phòng hộ, Vườn quốc gia), doanh nghiệp, hộ gia đình, cộng đồng và hộ nhận khoán bảo vệ rừng với chủ rừng là tổ chức nhà nước. Đơn giá khoán đến hộ là 500 nghìn đến 600 nghìn đồng/ha/năm và diện tích khoán là 25 đến 30 ha/hộ. Công việc này tạo nguồn thu nhập 12,5 đến 15 triệu đồng/hộ/năm và chiếm khoảng 15% tổng thu nhập của hộ gia đình trong năm. Khoản thu đã góp phần cải thiện đời sống cho hơn 16 nghìn hộ (hơn 70% là đồng bào dân tộc thiểu số) tham gia bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh.
Việc thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng ở tỉnh Lâm Đồng trong 10 năm qua đã cho thấy hiệu quả. Nhận thức của cán bộ, nhân dân, nhất là người dân sống gần rừng, các chủ rừng, các hộ nhận khoán bảo vệ rừng thay đổi rõ rệt. Từ đó, tạo được sự đồng thuận và tích cực tham gia chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng với mục tiêu tạo sự công bằng.
* Thời gian qua, tỉnh Long An đã tích cực xử lý các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và đạt kết quả khả quan. Theo Quyết định số 1788 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt kế hoạch xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng đến năm 2020, Long An có 10 địa điểm ô nhiễm môi trường cần phải xử lý. Đến nay, đã có bảy trong số 10 địa điểm hoàn thành việc xử lý. Còn lại Cụm công nghiệp Hoàng Gia (huyện Đức Hòa), chủ đầu tư đang xây dựng, lắp đặt các thiết bị của hệ thống xử lý nước thải tập trung để đưa vào hoạt động. Hai bãi rác lộ thiên tại các huyện Bến Lức và Đức Huệ đang chờ Trung ương bố trí vốn để xử lý ô nhiễm.
Một số địa điểm khác được xác định là “điểm đen” gây ô nhiễm môi trường như các cụm công nghiệp Đức Hòa Đông, Đức Hòa Hạ, Nhựa Đức Hòa, việc xử lý nước thải có nhiều tiến triển. Bên cạnh đó, những bất cập trong công tác xử lý nước thải, bảo vệ môi trường ở các khu, cụm công nghiệp đến nay đã được khắc phục. Cụ thể, các cụm công nghiệp như: Hoàng Long, Kiến Thành, Lợi Bình Nhơn, Quốc Quang đã cải tạo, nâng cấp các hệ thống thu gom và xử lý nước thải và đưa vào vận hành ổn định; các khu công nghiệp như: Tân Kim, Tân Đức, Hải Sơn, Tân Đô, Thịnh Phát, Xuyên Á, Anh Hồng đã cải tạo hệ thống xử lý nước thải, lắp đặt trạm quan trắc tự động và đưa vào vận hành ổn định. Ngoài ra, 80% số đơn vị thứ cấp và 100% các chủ đầu tư hạ tầng khu, cụm công nghiệp đã xây dựng các hố ga giám sát ngoài tường rào để thuận lợi cho quá trình giám sát, lấy mẫu nước thải.
Thời gian tới, tỉnh Long An tiếp tục kiểm tra công tác bảo vệ môi trường đối với các doanh nghiệp, kiên quyết xử lý trường hợp vi phạm; tiếp tục giám sát chặt chẽ các địa điểm ô nhiễm, kiểm soát nguồn gây ô nhiễm, nhất là tại các khu, cụm công nghiệp, lưu vực sông, cơ sở sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm; đẩy nhanh tiến độ giải quyết ô nhiễm tại khu, cụm công nghiệp và các điểm nóng khác.