Ngồi trong khuôn viên rợp mát cây xanh của Bảo tàng Nghệ thuật Đông Dương, anh Cao Văn Tuấn, người sáng lập bảo tàng say mê giới thiệu với chúng tôi về bộ sưu tập hơn 300 bức tranh quý của các họa sĩ nổi tiếng Việt Nam mà anh đang sở hữu và trưng bày tại bảo tàng. Tên anh là Cao Văn Tuấn (hay Tuyến), nhưng dân Hải Phòng thường gọi anh với biệt danh trìu mến “Tuấn cá sấu” bởi từng nổi tiếng với việc nuôi và kinh doanh cá sấu.
Điểm gặp nhau của niềm đam mê
Lăn lộn trên thương trường với đủ nghề, nhưng Cao Văn Tuấn vẫn giữ được cho mình nhiệt huyết và tình yêu văn hóa nghệ thuật. Anh bắt đầu sưu tập cổ vật và các tác phẩm hội họa, điêu khắc cách đây 40 năm khi đang ở độ tuổi đôi mươi. Ban đầu chỉ là những món đồ trao đổi, mua lại từ các bà đồng nát, các ông chủ đồ cũ, cho đến khi làm ăn phát đạt, anh lao vào tranh từ mối quan hệ thân thiết với nhiều họa sĩ, nhà sưu tầm. Điều độc đáo của những món đồ cổ vật hay bức tranh của Cao Văn Tuấn là sự kỹ càng, đầy đủ về tiểu sử cùng những câu chuyện liên quan mà anh nhớ vanh vách.
Ngoài 300 tác phẩm hội họa, trong đó có nhiều tác phẩm của các danh họa mỹ thuật Đông Dương, cho đến nay, trong bộ sưu tập của Cao Văn Tuấn có tới 15.000 hiện vật với khoảng 2.000 cổ vật quý hiếm, kết quả của quá trình lao tâm, khổ tứ và những chuyến đi trong nam, ngoài bắc hàng tháng trời. Đó là nền tảng để anh tạo dựng nên Bảo tàng Nghệ thuật Đông Dương rộng hơn 1.000 m2 trong một vườn cây rộng hơn 1,3 héc-ta. Ý tưởng xây dựng bảo tàng đã nung nấu trong Cao Văn Tuấn từ thời trẻ, song đến thời điểm hiện tại, anh mới hiện thực hóa được ý tưởng. “Cứ có tiền là tôi lại lao vào sưu tầm, nhặt nhạnh và giờ đây muốn bày biện ra cho mọi người cùng chiêm ngưỡng, thưởng thức nhằm lưu giữ lại một chút gì đó cho thế hệ mai sau”-anh Tuấn chia sẻ.
Dạo bước qua các gian trưng bày theo chuyên đề của bảo tàng mới thấy hết công sức của Cao Văn Tuấn. Dưới hiệu ứng ánh sáng được bố trí có chủ đích, những tác phẩm tranh, điêu khắc và cổ vật hiện lên lung linh, thể hiện sự tinh tế, niềm tự hào và tự tôn dân tộc của chủ nhân. Anh bảo: “Tôi phải học hỏi và nhờ rất nhiều chuyên gia bảo tàng, mỹ thuật, lịch sử, khảo cổ học thẩm định, góp ý để bài trí hiện vật sao cho hợp lý nhất. Nếu sắp đặt theo dòng thời gian thì không khó, nhưng không gian lại khác. Những món đồ trong cùng không gian phải có sự liên kết với nhau”.
Quyết định khai trương bảo tàng, trước mắt Cao Văn Tuấn mở cửa miễn phí phục vụ công chúng. Cũng hiểu niềm đam mê và mong muốn của Cao Văn Tuấn, lãnh đạo Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Hải Phòng đã tạo mọi điều kiện để anh có thể hoàn thành ý nguyện của mình, đồng thời có nhiều tư vấn về việc bài trí, xây dựng bảo tàng. Viện trưởng IDE Nguyễn Quốc Hải, một người bạn thân của Cao Văn Tuấn đã nhận xét về anh: “Bảo tàng Nghệ thuật Đông Dương là cả cuộc đời và câu chuyện về việc hình thành, cho nên nó cũng có giá trị chẳng kém gì các hiện vật đang trưng bày, về một con người đã dám đi đến tận cùng niềm đam mê của mình”.
Cùng chung tình yêu với văn hóa nghệ thuật, ông Nguyễn Thiều Quang, người sở hữu bộ sưu tập hơn 1.300 tác phẩm mỹ thuật đã sáng lập Bảo tàng Nghệ thuật Quang San vừa được khai trương tại thành phố Thủ Đức (Thành phố Hồ Chí Minh) ven sông Sài Gòn. Bảo tàng là một thiết chế văn hóa đẹp và hoành tráng, được thành lập với mục đích phục vụ nhu cầu thưởng lãm nghệ thuật của công chúng và là kết quả của một hành trình dài hơn 20 năm sưu tầm của chủ nhân. Ông Nguyễn Thiều Quang cho biết: “Ban đầu tôi cũng chỉ định gói gọn bộ sưu tập trong một không gian nhỏ hẹp để thụ hưởng mang tính cá nhân và gia đình. Sau đó, thấy như vậy thì quá ích kỷ vì nhiều người yêu thích mà không được chiêm ngưỡng, thưởng lãm”.
Bảo tàng Nghệ thuật Quang San hội tụ gần như đầy đủ những tên tuổi họa sĩ Việt Nam trong suốt 100 năm qua. Từ những gương mặt họa sĩ bậc thầy người Pháp và người Việt sáng lập Trường cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương khi nước ta còn là thuộc địa Pháp và lứa họa sĩ sinh viên Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương được đào tạo thành danh với bộ tứ trụ “Trí-Lân-Vân-Cẩn” cho đến tên tuổi các danh họa thế hệ sau “Nghiêm-Liên-Sáng-Phái” cùng tranh của Văn Cao, Trịnh Hữu Ngọc, Nguyễn Tiến Chung, Lương Xuân Nhị, Văn Giáo... Cho đến thế hệ họa sĩ được đào tạo trong kháng chiến chống thực dân Pháp và chống Mỹ, cứu nước cùng tranh của lứa họa sĩ đương đại nổi tiếng.
Thành công trong kinh doanh tài chính, Nguyễn Thiều Quang và vợ ông bắt đầu có điều kiện để thực hiện niềm đam mê sưu tập tranh. Ông cho biết: “Khác với kinh doanh trên thương trường hướng tới lợi nhuận, mục đích sưu tầm tranh của tôi ban đầu chỉ là mong muốn bảo vệ hội họa nước nhà khỏi nạn “chảy máu” tranh quý ra nước ngoài”.
Nhiều người bạn thân của ông Quang đã kể lại, có những bức tranh của các danh họa Việt Nam mà hai vợ chồng ông phải sang các nước lùng mua, tham dự đấu giá để mang về nước. Phải hiểu rõ giá trị tác phẩm, hiểu rõ về tác giả và yêu đến mức nào thì nhà sưu tập mới có những quyết định như vậy. Được biết, có những bức lên tới cả triệu USD, khi về nước, nhiều người trả giá cao hơn, nhưng ông Quang không bán bởi như ông thường chia sẻ với bạn bè: “Tôi không có ý định bán tranh kiếm lời”.
Sự góp mặt của các bảo tàng nghệ thuật tư nhân đang làm thay đổi nhận thức về loại hình bảo tàng, mở ra xu thế mới, tạo nên sự đa dạng cho hoạt động giới thiệu, quảng bá các giá trị di sản văn hóa nghệ thuật và qua đó hạn chế tình trạng “chảy máu” cổ vật và các tác phẩm nghệ thuật dân tộc. Không chỉ đóng góp cho sự phát triển về kinh tế của đất nước, họ đã và đang giúp gìn giữ, bảo tồn các giá trị văn hóa nghệ thuật dân tộc, góp thêm nhiều điểm đến văn hóa, thu hút khách du lịch, nâng cao đời sống tinh thần và định hướng giáo dục thẩm mỹ cho công chúng bằng nhiệt huyết và niềm đam mê của mình.
Ông Nguyễn Thiều Quang (ở giữa) cùng vợ và Ban Giám đốc Bảo tàng nghệ thuật Quang San (Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh). |
Biết là khó nên cần giúp đỡ
Trong câu chuyện với chúng tôi, các nhà sưu tầm và quản lý bảo tàng nghệ thuật tư nhân đều cho rằng, việc thành lập bảo tàng hiện thuận lợi hơn trước do Nhà nước đã có chính sách, quy định và các cơ quan quản lý từ Trung ương đến địa phương cũng tạo điều kiện, có những hỗ trợ trong quá trình thẩm định cũng như xét duyệt cho phép. Tuy nhiên, các bảo tàng nghệ thuật tư nhân còn không ít khó khăn, trở ngại trong duy trì hoạt động và phát triển.
Theo nhà nghiên cứu lịch sử Dương Trung Quốc, thông thường, chủ sở hữu các bảo tàng nghệ thuật tư nhân là những người có khả năng về tài chính, bên cạnh niềm đam mê và như một thú chơi thì họ không có nhiều kiến thức chuyên môn về bảo tàng, không phải người làm bảo tàng chuyên nghiệp.
Nhiều bảo tàng tuy nhìn vào quy mô địa điểm, các tác phẩm, hiện vật lưu giữ có vẻ hoành tráng, song hoạt động còn nghiệp dư và việc triển khai trưng bày cũng khá tùy hứng, phụ thuộc vào nhận thức và gu thẩm mỹ của cá nhân người chủ. Chính vì vậy, tuy “nở rộ” thời gian qua, nhưng nhìn chung bảo tàng nghệ thuật tư nhân còn thiếu sức hấp dẫn và hạn chế trong ứng dụng công nghệ số để có thể lan tỏa, phát huy được các giá trị di sản. Nhiều bảo tàng vẫn là những sắp đặt kiểu cũ, đơn điệu, thiếu không gian trải nghiệm, tương tác giữa trưng bày và khách tham quan.
Có thể tự chủ với nguồn tài chính dồi dào, nhưng để phát triển bền vững, lâu dài và thật sự phục vụ được đông đảo công chúng, các bảo tàng nghệ thuật tư nhân không còn con đường nào khác ngoài việc tiến tới chuyên nghiệp hóa trong hoạt động. Anh Võ Văn Quân, nhà sáng lập XQ Sử quán Đà Lạt và Bảo tàng tranh thêu XQ Huế chia sẻ: “Phong cách và chất lượng trưng bày của mỗi bảo tàng nghệ thuật sẽ quyết định hiệu quả thu hút khách. Nhiều tác phẩm, song thiếu đổi mới thường xuyên về nội dung, về chủ đề trưng bày, về tính nghệ thuật, sự độc đáo và ấn tượng thì sẽ rất khó.
Thực tế thành công của Bảo tàng tranh thêu XQ Huế và XQ Sử quán đã cho thấy như vậy. Không chỉ đơn thuần là trưng bày mà mỗi tác phẩm còn phải hàm nghĩa văn hóa với những câu chuyện liên quan sống động, từ cuộc đời người họa sĩ, người thợ thêu sáng tạo, làm ra bức tranh và cả thông điệp muốn gửi gắm đến người xem. Mỗi nhân viên hướng dẫn, thuyết minh sẽ như người bạn tâm tình, cung cấp thông tin, dẫn dắt họ đi vào những câu chuyện đó”.
Cái khó của các bảo tàng nghệ thuật tư nhân là những hạn chế về chuyên môn, nghiệp vụ và thiếu đội ngũ nhân sự làm công tác bảo tàng chuyên nghiệp. Đó là tính khoa học trong sắp xếp, bài trí và địa điểm đặt tác phẩm, hiện vật để tôn vinh giá trị và vẻ đẹp, nhất là về công tác bảo quản, từ các tiêu chí như độ ẩm, ánh sáng, nhiệt độ, v.v. Bên cạnh ý thức tự nâng cao trình độ cho đội ngũ quản lý, nhân viên, các bảo tàng nghệ thuật tư nhân đã và đang rất cần sự giúp đỡ của các cơ quan chủ quản, các chuyên gia qua những đợt tập huấn được tổ chức một cách bài bản, có cấp chứng chỉ chuyên môn một cách chính thức cho đội ngũ làm công tác bảo tàng tư nhân.
Phải thừa nhận, hiện tại sức lan tỏa của các bảo tàng nghệ thuật tư nhân chưa cao và số lượng khách tham quan cũng ít so với bảo tàng công lập. Về lâu dài, nguồn khách chính là yếu tố quan trọng để duy trì hoạt động của bảo tàng, song làm gì và làm như thế nào để khách đến với bảo tàng là cả một vấn đề. Một hướng đi mà Bảo tàng Nghệ thuật Đông Dương của Cao Văn Tuấn cũng như nhiều bảo tàng đang hướng đến là tiếp cận đối tượng học sinh, sinh viên với sự hỗ trợ của các trường và ngành giáo dục địa phương. Nhiều trường hiện nay chỉ hướng học sinh đến với các bảo tàng công lập lớn mà ít chú ý đến các bảo tàng tư nhân, trong đó có các bảo tàng nghệ thuật với nhiều điểm độc đáo, có thể góp phần giáo dục và định hướng thẩm mỹ, lại gần gũi cộng đồng.
Một trong những hướng đi là sự hợp tác của bảo tàng tư nhân và các bảo tàng công lập thực hiện các hoạt động chuyên môn, liên kết với cơ quan chức năng ngành giáo dục, du lịch nhằm phát huy các giá trị di sản và phát triển du lịch. Hiện nay, một số tỉnh, thành phố đã có chính sách hỗ trợ bảo tàng tư nhân về địa điểm và kết nối hoạt động với các ban, ngành. Thậm chí, đã có địa phương như Thừa Thiên Huế còn hướng tới xây dựng mô hình thành phố bảo tàng, thúc đẩy sự phát triển của các bảo tàng tư nhân có chất lượng cao, thúc đẩy du lịch, đồng thời tạo ra các không gian sáng tạo và nghệ thuật cho công chúng mọi lứa tuổi có thể tiếp cận...
Bảo tàng nghệ thuật tư nhân ở Việt Nam hiện chưa phải nhiều và mới chỉ ở giai đoạn hình thành ban đầu. Những cái khó của hệ thống bảo tàng này đang cần sự hỗ trợ, giúp đỡ của các cơ quan chức năng và chuyên môn. Hy vọng vấn đề sẽ được giải quyết và về lâu dài, tính linh hoạt cùng kinh nghiệm, kiến thức dần tích lũy sẽ giúp các bảo tàng có thể duy trì hoạt động, phát triển để lan tỏa các giá trị văn hóa nghệ thuật trong cộng đồng.