Hiệu quả của mô hình Tổ tự quản bảo vệ môi trường

Để góp phần xây dựng mỹ quan đô thị, nâng cao chất lượng sống chung quanh khu vực dân cư, Ủy ban nhân dân Phường 14, quận Gò Vấp đã triển khai mô hình Tổ tự quản bảo vệ môi trường ở các khu phố. Qua hơn hai năm thực hiện, mô hình này đã đạt nhiều kết quả tích cực.
0:00 / 0:00
0:00
Các thành viên Tổ tự quản bảo vệ môi trường Khu phố 5, Phường 14 xử lý hành chính một người dân đổ trộm rác.
Các thành viên Tổ tự quản bảo vệ môi trường Khu phố 5, Phường 14 xử lý hành chính một người dân đổ trộm rác.

Trước đây, trên địa bàn Khu phố 5 có nhiều khu đất trống lớn như: Khu vực chung quanh chung cư An Hội; dọc tuyến kênh Tham Lương-Bến Cát-rạch Nước Lên; dọc tuyến đường 53, khu đất sau Công ty Huê Phong (dọc hẻm 237 Phạm Văn Chiêu);… Các khu vực này dân cư còn thưa, ít người qua lại, không có người quản lý.

Ngoài ra, một số khu đất trống lớn được quy hoạch cây xanh, trường học hoặc tranh chấp dẫn đến chưa triển khai xây dựng nên người dân đổ trộm rác rất nhiều, gây mất mỹ quan đô thị và vệ sinh môi trường. Hằng năm, Ban điều hành Khu phố 5 và người dân tốn không ít kinh phí, ngày công để dọn dẹp nhưng chỉ một thời gian ngắn, tình trạng rác thải bủa vây các khu vực này lại tiếp tục tái diễn.

Đáng nói, có nhiều loại rác thải nguy hiểm như rác thải y tế, khó phân hủy, khiến người dân không khỏi lo lắng. Tình trạng này cũng tồn tại ở các khu phố khác trên địa bàn khiến người dân bức xúc.

Thực hiện Quyết định số 4357/QĐ-UBND ngày 7/12/2022 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận Gò Vấp về ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Cuộc vận động "Người dân Thành phố Hồ Chí Minh không xả rác ra đường và kênh rạch, vì thành phố sạch, xanh và thân thiện môi trường" giai đoạn 2022-2025, Ủy ban nhân dân Phường 14 đã triển khai mô hình Tổ tự quản bảo vệ môi trường để từng bước giải quyết tận gốc vấn nạn này trên địa bàn.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Phường 14 Ngô Trọng Xuyên cho biết: Việc thành lập Tổ tự quản bảo vệ môi trường khởi điểm từ khu vực chung cư An Hội, nơi chưa có hệ thống chiếu sáng, người dân vứt rác bừa bãi suốt một thời gian dài thành bãi rác lớn.

Cư dân phản ánh, bức xúc, phường đã thực hiện nhiều giải pháp như ra quân dọn rác, nhưng được một thời gian rồi đâu lại vào đấy, không được giải quyết căn cơ nên phường quyết tâm thực hiện mô hình Tổ tự quản bảo vệ môi trường. Các thành viên tham gia có thẻ đeo để bảo đảm các chế tài về xử lý, xử phạt được thực hiện.

Với cách thức này, khi thực hiện thí điểm mô hình, Ban điều hành Khu phố 5 đã đề ra giải pháp để nâng cao chất lượng quản lý, cũng như xử lý triệt để tình trạng đổ rác không đúng nơi quy định bằng các giải pháp cụ thể: Cấp ủy, Ban điều hành khu phố làm việc với lực lượng bảo vệ dân phố, hệ thống chính trị khu phố trao đổi, giao nhiệm vụ cho từng lực lượng.

Cùng với đó, khu phố huy động đảng viên, người dân cùng tham gia thành lập các tổ canh bắt rác. Các hoạt động liên quan sẽ được kết nối qua nhóm Zalo chung để cùng thực hiện. Các tổ canh bắt rác với lực lượng nòng cốt là tổ bảo vệ khu phố, nhân dân tại khu phố sẽ tổ chức canh bắt các đối tượng đổ rác không đúng nơi quy định. Các thành viên thực hiện công việc này theo nhiều khung giờ khác nhau, bảo đảm hiệu quả của mô hình.

Ngoài việc thực hiện các công tác tại hiện trường, nhiều khu vực "trọng điểm" thường xuyên bị đổ rác, chính quyền cũng vận động nhân dân chung tay gắn hệ thống camera an ninh giám sát để việc giám sát, bảo vệ được tốt hơn. Anh Nguyễn Công Minh, ngụ Phường 14, quận Gò Vấp cho biết: "Hằng ngày, nhìn thấy con em mình đi học cạnh bãi rác, mình rất bức xúc nên khi phường thành lập tổ tự quản, thấy đúng với tâm tư của bản thân nên đã tham gia.

Hiện tại, nạn xả rác đã giảm bớt được phần nào, mình cũng thấy yên tâm. Đáng mừng, nhiều người dân sau khi bị xử lý vi phạm lần đầu đã không tái phạm cho thấy mô hình hoạt động rất hiệu quả". Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Phường 14 Ngô Trọng Xuyên cho biết: Mô hình sau thời gian triển khai đã đạt được mục tiêu "một mũi tên trúng nhiều đích"; đó là, không chỉ trực tiếp góp phần làm sạch môi trường sống, mà còn nâng cao ý thức của người dân về công tác bảo vệ môi trường; góp phần xây dựng nếp sống văn minh đô thị trên địa bàn.

Với những kết quả đạt được, tổ tự quản ở các khu phố tiếp tục triển khai thí điểm các hoạt động canh bắt rác tại các khu đất trống khác. Riêng tại Khu phố 5, Bí thư Chi bộ Khu phố 5 Lê Mạnh Hà cho biết: Từ lúc thành lập Tổ tự quản bảo vệ môi trường đến nay (năm 2021 đến tháng 6/2023), tổ đã bắt, xử lý lập biên bản 38 trường hợp với số tiền đóng phạt hơn 52 triệu đồng và ngăn chặn kịp thời hơn 15 vụ đổ rác không đúng nơi quy định.

Theo thống kê của Ủy ban nhân dân Phường 14, đến nay, các tổ canh bắt rác đã phát hiện hơn 50 trường hợp vi phạm. Tất cả các trường hợp, chính quyền đều yêu cầu người vi phạm thực hiện lao động công ích và viết cam kết không tái phạm.

Theo ông Ngô Trọng Xuyên, việc thực hiện mô hình bước đầu đã nhận được rất nhiều phản hồi tích cực của nhân dân; trong đó, nhiều người dân đã đồng hành cùng phường trong thực hiện công tác này. Tuy nhiên, để mô hình được thực hiện hiệu quả, chính quy hơn nữa, lãnh đạo phường đang tìm các giải pháp nhằm hỗ trợ về mặt chi phí, cũng như động viên các thành viên gắn bó, tâm huyết với công tác.