Với những người yêu tự nhiên, cuốn sách như một biên niên ký mà Tilo dành để ghi chép lại hành trình số phận của rất nhiều loài có vú ở Việt Nam trong hơn 30 năm qua.
“Mất đi và tìm thấy”
“Lost and Found: The History of Extermination, Discovery and Rediscovery of mammals in Vietnam” là một cuốn sách dày 600 trang, được Tiến sĩ Tilo Nadler viết hoàn toàn bằng tiếng Anh. Trong công trình này, tác giả kể về quá trình dẫn đến sự tuyệt chủng cũng như sự phát hiện/tái phát hiện của 150 loài thú sống trên cạn ở Việt Nam trong hơn 3 thập kỷ qua. Bên cạnh đó, Lost and Found cũng cung cấp cho người đọc những góc nhìn thú vị về những con người, câu chuyện chung quanh nỗ lực bảo tồn các loài thú.
Với sự nghiên cứu công phu, nghiêm túc, Lost and Found góp phần cung cấp một cái nhìn tổng quan về tất cả các loài thú sống trên cạn đã biết của Việt Nam. Đặc biệt, sách cũng đề cập tới thành tựu phát hiện một số loài thú lớn tại nước ta như Sao La, Mang Lớn, Mang Trường Sơn, Voọc chà vá chân xám và Vượn đen má vàng phương Bắc. Một phần nội dung quan trọng khác là quá trình mất đi một số loài thú lớn khác như Bò Xám, Tê giác một sừng, Hổ, Báo hoa mai, Nai cà tông, những loài đã bị xóa sổ bởi tệ nạn săn bắt và bẫy bắt trái phép.
Cuốn sách dày 600 trang ghi lại hành trình của rất nhiều loài thú tại Việt Nam. (Ảnh: Thành Đạt) |
Bên cạnh việc tái hiện “biên niên sử” các loài thú, Tiến sĩ Tilo Nadler cũng giới thiệu ngắn gọn tiểu sử, hoạt động của 190 nhà khoa học/bảo tồn trong đó đông đảo là các nhà khoa học Việt Nam đã gắn bó với hành trình “giữ nhà” cho thú.
Tiến sĩ Tilo Nadler cho hay, ông đã phải mất tới 2 năm để thu thập thông tin từ các cuộc phỏng vấn, báo cáo, nghiên cứu của các nhà bảo tồn, nhà khoa học.
“Tôi muốn ghi nhận lại về sự đa dạng sinh học của Việt Nam trong vòng 30 năm qua. Đây không phải khoảng thời gian quá dài nhưng cũng đủ để ghi nhận quá trình suy giảm cũng như phát hiện mới của rất nhiều loài động vật tại Việt Nam”, Tiến sĩ Tilo Nadler giải thích thêm về ý nghĩa của tên cuốn sách.
“Công tác bảo tồn không chỉ là vấn đề của tài chính mà còn là vấn đề của ý thức con người. Tôi cho rằng hàng chục triệu con người Việt Nam cần đóng góp, chung tay và có ý thức bảo tồn các loài động thực vật hoang dã”, ông Tilo nhấn mạnh.
Tiến sĩ Tilo Nadler, người đã dành hơn 30 năm để bảo vệ các loài động vật hoang dã tại Việt Nam đã dành rất nhiều tâm huyết cho cuốn sách của mình. (Ảnh: Thành Đạt) |
Theo thống kê của Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học (Tổng cục Môi trường), Việt Nam được xếp hạng thứ 16 trên thế giới về đa dạng tài nguyên sinh vật và là một trong 10 trung tâm đa dạng sinh học phong phú nhất thế giới với nhiều kiểu hệ sinh thái, các loài sinh vật, nguồn gen phong phú và đặc hữu...
Tuy nhiên, trong giai đoạn từ 1990 đến nay, đa dạng sinh học đang có xu hướng suy giảm trên toàn cầu, Việt Nam cũng không là ngoại lệ. Nạn phá rừng, tiêu thụ trái phép động, thực vật hoang dã vẫn tiếp tục diễn ra, ô nhiễm môi trường ở các điểm nóng tiếp tục là những mối đe dọa lớn.
Nguồn tư liệu, cảm hứng với nhiều thế hệ bảo tồn
Nhận định về cuốn sách, Giáo sư Nguyễn Xuân Đặng cho rằng: Lost and Found: The History of Extermination, Discovery and Rediscovery of mammals in Vietnam có giá trị rất lớn đối với công tác nghiên cứu, bảo tồn. Đặc biệt, tác phẩm không chỉ là nguồn tư liệu mà còn tạo cảm hứng cho rất nhiều các nhà nghiên cứu/bảo tồn trong tương lai.
Tiến sĩ Văn Ngọc Thịnh, Trưởng đại diện Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF Việt Nam) cho rằng: Trong rất nhiều ý nghĩa mà cuốn sách của Tilo Nadler mang lại cho lĩnh vực bảo tồn thì điều đáng nói nhất là sự ghi nhận các giá trị đa dạng sinh học tại Việt Nam mà trước đó chưa ai công nhận, thậm chí chưa ai biết đến. Khi phải chứng kiến những giá trị này mất dần trong các thập kỷ qua là một sự “đau xót” của rất nhiều nhà khoa học, nhà bảo tồn, người yêu thiên nhiên.
Tiến sĩ Văn Ngọc Thịnh, Trưởng đại diện Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF Việt Nam) khẳng định: Trong rất nhiều ý nghĩa mà cuốn sách của Tilo Nadler mang lại cho lĩnh vực bảo tồn thì điều đáng nói nhất là sự ghi nhận các giá trị đa dạng sinh học tại Việt Nam mà trước đó chưa ai công nhận, thậm chí chưa ai biết đến. (Ảnh: Thành Đạt) |
Ông Thịnh cho rằng, trong quá trình tìm lời giải cho câu hỏi “Cần phải làm gì để phục hồi và bảo tồn các giá trị đa dạng sinh học”, cuốn sách và những hoạt động cống hiến của Tilo Nadler cũng như các nhà khoa học, nhà bảo tồn Việt Nam trong thời gian qua đều có ý nghĩa rất quan trọng.
Giáo sư Đặng Huy Huỳnh nhận xét: “Cuốn sách sẽ giúp cho thế hệ ngày nay và thế hệ sau này biết bảo vệ thiên nhiên, bảo vệ động vật hoang dã. Lost and Found không chỉ đem đến những kiến thức về đa dạng sinh học mà còn bồi dưỡng tâm hồn yêu quý, bảo vệ môi trường, để thiên nhiên và con người hòa hợp, sống bình yên, hạnh phúc với nhau”.
Giới thiệu nội dung cuốn sách mà Tiến sĩ Tilo Nadler đã dành rất nhiều tâm huyết. (Ảnh: Thành Đạt) |
Tiến sĩ Tilo Nadler, quốc tịch Đức, vốn là một thạc sĩ ngành điện lạnh nhưng vì đam mê đặc biệt với động vật hoang dã nên ông đã xin làm cộng tác viên cho Hiệp hội Động vật Frankfurt (là tổ chức cứu hộ và bảo vệ động vật lâu đời nhất trên thế giới, hoạt động ở 30 quốc gia).
Tilo đã đặt chân tới rất nhiều nơi. Ông có mặt tại Trung Quốc để nghiên cứu về gấu trúc; lặn lội lên Nam Cực để tìm hiểu về chim cánh cụt và chó biển. Thế nhưng, Việt Nam lại là chuyến đi dài nhất trong cuộc đời lang thang cùng mẹ thiên nhiên của Tilo.
Sau chuyến đi tìm voọc quần đùi trắng đầu tiên tại Ninh Bình những năm 1990, Tilo đã ở lại, gắn bó máu thịt với những loài linh trưởng và từng cánh rừng già Việt Nam trong suốt hơn 30 năm tiếp theo. Ông được giới bảo tồn trong nước gọi bằng những cái tên thân thiết: Hiệp sĩ rừng xanh, linh trưởng chúa..
"Hiệp sĩ rừng xanh" Tilo Nadler tại buổi ra mắt sách của mình. |
Sau nhiều cống hiến, Tilo đã từng vinh dự đón nhận Thư khen của Chủ tịch nước Việt Nam, Huân chương Lao động hạng Ba do Nhà nước Việt Nam trao tặng, Giải thưởng danh dự hạng Nhất dành tặng các chuyên gia về lĩnh vực bảo tồn của thế giới.