Hiện thực hóa nếp sống văn minh

Trong xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở, có một số hoạt động nằm ngoài những quy định pháp luật. Ở mỗi cộng đồng dân cư, việc triển khai những hương ước và quy ước đã bổ khuyết cho những thiếu sót ấy.
0:00 / 0:00
0:00
Quận Bắc Từ Liêm triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền nếp sống văn minh tại lễ hội.
Quận Bắc Từ Liêm triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền nếp sống văn minh tại lễ hội.

Trước thực tế đời sống xã hội có nhiều thay đổi, Hà Nội đang chỉ đạo các khu dân cư chỉnh sửa, bổ sung hệ thống hương ước, quy ước sao cho đáp ứng nhu cầu thực tế tốt nhất; đồng thời, đẩy mạnh việc đưa hương ước, quy ước vào cuộc sống.

Trong đời sống văn hóa, xã hội truyền thống của người Việt Nam từ xa xưa, ngoài “phép nước” còn có “lệ làng”. “Lệ làng” là những quy định, những nguyên tắc ứng xử của cộng đồng, nhưng không phải các quy định pháp luật.

Tại khu vực nông thôn, đó chính là những hương ước, còn tại khu vực đô thị, đó là những quy ước do cộng đồng dân cư lập ra, cộng đồng cùng nhau tuân thủ và cùng nhau thực hiện.

Hiện nay, trên địa bàn thành phố có 5.404 thôn, tổ dân phố, thì có 4.726 thôn, tổ dân phố có quy ước, hương ước. Việc xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước của thôn, làng trong thời gian qua đã đem lại những kết quả thiết thực đối với công tác quản lý xã hội tại cộng đồng dân cư, góp phần đưa pháp luật, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đi vào cuộc sống.

Điển hình như quận Bắc Từ Liêm, hiện nay toàn bộ 199 tổ dân phố đã có quy ước. Các phường và các tổ dân phố đã tổ chức biên soạn, xây dựng quy ước với những nội dung tập trung vào những vấn đề giúp người dân tham gia quản lý xã hội, tuân thủ các quy định pháp luật bảo vệ thuần phong mỹ tục, bài trừ hủ tục, tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan, xây dựng gia đình văn hóa, đời sống văn hóa...

Trưởng Phòng Văn hóa-Thông tin quận Bắc Từ Liêm Phan Thị Thanh Huyền cho biết: “Các tổ dân phố đã thành lập Ban soạn thảo quy ước gồm lãnh đạo Tổ dân phố và người có uy tín trong cộng đồng. Sau khi hoàn thành dự thảo, Quy ước Tổ dân phố được lấy ý kiến người dân trước khi trình Ủy ban nhân dân quận phê duyệt. Các quy ước được đưa vào thực hiện đã tác động trên mọi lĩnh vực đời sống xã hội của cộng đồng dân cư, góp phần quan trọng vào việc phát huy dân chủ ở cơ sở, xây dựng gia đình văn hóa, tổ dân phố văn hóa, giữ gìn và phát huy những phong tục tập quán, truyền thống tốt đẹp của dân tộc”.

Tại khu vực ngoại thành, huyện Thạch Thất là địa bàn gương mẫu trong xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước. Toàn huyện đã có 122 thôn, tổ dân phố có quy ước (đạt 100%). Huyện đã gắn việc thực hiện hương ước, quy ước với việc bình xét gia đình văn hóa, thôn, tổ dân phố văn hóa và các danh hiệu thi đua khác…

Nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện hương ước, quy ước, đồng thời, để loại bỏ, ngăn ngừa những quy định không phù hợp, ngày 16/8/2023, Chính phủ ban hành Nghị định số 61/2023/NĐ-CP về xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước của cộng đồng dân cư.

Đây là dịp Hà Nội triển khai sửa đổi, bổ sung nhiều hương ước, quy ước để phù hợp với quy định mới. Bởi thực tế cũng cho thấy, một số địa bàn có những hương ước, quy ước ra đời từ lâu, có những quy định không phù hợp với sự phát triển của xã hội; hoặc có những hương ước, quy ước trùng lặp với những quy định pháp luật.

Hiện nay, đã có 1.232 thôn, tổ dân phố hoàn thành việc sửa đổi, bổ sung. Nhiều địa bàn đang rà soát để tiếp tục chỉnh sửa, bổ sung cho phù hợp.

Khẳng định vai trò của triển khai hương ước, quy ước trong xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, song Phó Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Đông Anh Nguyễn Thị Mỹ Linh cho biết: “Một số địa phương đang hành chính hóa việc xây dựng hương ước, chưa có sự tham gia tích cực của người dân. Nội dung hương ước thường rập khuôn, cứng nhắc, không thể hiện được nét đặc trưng của thôn, cũng như chưa sát với đời sống của người dân, do đó hạn chế tính khả thi của hương ước. Hiện nay, hương ước, quy ước không có chế tài xử phạt. Do đó, để phát huy hết vai trò của hương ước, quy ước, cần phát huy tối đa vai trò chủ thể của cộng đồng; tạo điều kiện cho cộng đồng xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước thông qua tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác quản lý, xây dựng, hướng dẫn thực hiện hương ước, quy ước ở cơ sở; tăng cường tổ chức các hoạt động kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm trong thực hiện hương ước, quy ước đúng theo quy định của pháp luật”.

Đại diện huyện Quốc Oai đề xuất khi sửa đổi, bổ sung hương ước, quy ước cần lồng ghép các nội dung xây dựng nông thôn mới; thực hiện Quy tắc ứng xử và chặt chẽ hơn trong quy định thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội; ứng xử khi có dịch bệnh nguy hiểm; ứng xử trên môi trường mạng... phù hợp với tình hình và quy định mới.

Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Trần Thị Vân Anh đề nghị các địa phương cần nhận thức sâu sắc việc triển khai Nghị định số 61/2023/NĐ-CP ngày 16/8/2023 để từ đó thường xuyên rà soát, đánh giá lại nội dung quy ước, hương ước để làm sao thiết thực, bám sát thực tiễn.

Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác tuyên truyền thông qua các hội nghị, tọa đàm, tăng cường kiểm tra, giám sát; đẩy mạnh các mô hình để việc thực hiện quy ước, hương ước ngày càng hiệu quả.