Hiến máu định kỳ đã trở thành một thói quen

NDO - Đều đặn tháng một lần, Hoàng Văn Chiến (sinh năm 1985) lên xe bus từ Xuân Nộn, Đông Anh, Hà Nội sang Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương để hiến tiểu cầu. “169 lần hiến tiểu cầu như thói quen sinh hoạt thường kỳ, và đó cũng là cách để mình kiểm tra sức khỏe thường niên”, Chiến kể.
0:00 / 0:00
0:00
Hai chị em Huỳnh Thị Mỹ An và Huỳnh Hải Bình có 12 năm đồng hành hiến máu tình nguyện.
Hai chị em Huỳnh Thị Mỹ An và Huỳnh Hải Bình có 12 năm đồng hành hiến máu tình nguyện.

Phong trào hiến máu lan tỏa, rộng khắp

Hoàng Văn Chiến đến với hiến máu khi nhận được sự vận động của địa phương từ nhiều năm trước. Không có dấu ấn đặc biệt nào trong hành trình hiến máu tình nguyện và sau đó là hiến tiểu cầu, Chiến bảo, mình còn khỏe, hiến máu cứu được người khác thì mình cứ làm như một thói quen. Vì thế, dù khoảng cách từ nhà sang Viện Máu xa gần 20km, nhưng Chiến vẫn không trì hoãn một tháng nào trong nhiều năm qua, để hiến tiểu cầu đều đặn. "Mình cứ hiến đến khi sức khỏe không còn cho phép nữa", Chiến nói.

Cũng như Hoàng Văn Chiến, anh Huỳnh Hải Bình (sinh năm 1979, Trung Hòa, Hà Nội) cho hay cả gia đình anh hiện có 5-6 người tham gia hiến máu. Năm 2008, bố anh Bình cấp cứu tại Bệnh viện E, thiếu máu điều trị. Cả gia đình đều hiến máu cấp cứu cho ông kịp thời. Đó là thời điểm quan trọng nhất khiến cả gia đình từ đó nghĩ tới việc hiến máu rất quan trọng cho cộng đồng và tham gia hiến máu thường xuyên.

Từ năm 2018, anh Bình và chị gái Huỳnh Thị Mỹ An tham gia hiến tiểu cầu, trở thành những gương mặt tiêu biểu tham gia hiến tiểu cầu thường xuyên.

Suốt 12 năm đồng hành cùng nhau hiến máu tình nguyện, nhưng lần đầu tiên chị Huỳnh Thị Mỹ An (57 lần hiến máu và tiểu cầu) chụp ảnh chung tại Viện Máu với em trai Huỳnh Hải Bình (72 lần hiến máu và tiểu cầu, riêng năm 2021 là 14 lần hiến tiểu cầu) tại lễ kỷ niệm 30 năm Ngày phát động phong trào hiến máu nhân đạo tại Việt Nam.

Với suy nghĩ “Người thân của mình cần máu thì chắc chắn có rất nhiều người ngoài kia cũng đang cần” đã thôi thúc chị Mỹ An đi hiến máu lần đầu tiên. Đến nay, hành động này đã duy trì đều đặn trong suốt 14 năm. Chồng chị cũng đã có 25 lần hiến máu, và con trai chị cũng là thành viên tích cực tham gia hiến máu thường xuyên.

"Bản thân mỗi chúng tôi chỉ như những con kiến cần cù góp nhặt theo tháng năm, chia sẻ một phần cơ thể, mang thêm hy vọng cho những người bệnh thực sự cần máu.

Chúng tôi có thể khác nhau về lứa tuổi, giới tính, nghề nghiệp, khác nhau cả về cơ duyên đưa mình đến với việc hiến máu nhưng chúng tôi cùng có một điểm chung duy nhất, một lời hứa từ trong tim những người đã, đang và sẽ hiến máu tình nguyện dành cho các bệnh nhân, đó là: “Khi các bạn còn cần - Chúng tôi còn hiến máu”, chị Mỹ An bày tỏ.

Anh Nguyễn Đức Thuận là 1 trong 13 sinh viên Trường Đại học Y Hà Nội tham gia vận động hiến máu tình nguyện từ những ngày đầu tiên của phong trào. Khi còn là sinh viên năm thứ 3 của trường, anh Thuận tham gia buổi nói chuyện với Giáo sư, Tiến sĩ Khoa học Đỗ Trung Phấn, được nghe về hoạt động hiến máu và tình trạng thiếu máu đang xảy ra.

Hiến máu định kỳ đã trở thành một thói quen ảnh 1

Anh Nguyễn Đức Thuận chia sẻ.

Anh Thuận nhớ lại những năm 90 của thế kỷ trước, hiến máu chủ yếu đến từ những người hiến máu chuyên nghiệp, rất ít người hiến máu tình nguyện. Bản thân anh Thuận cũng phải đến Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương hai lần để chứng kiến tận mắt hoạt động tiếp nhận máu thì mới bắt đầu hiến máu.

Bà Nông Bích Thuận, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Vận động hiến máu tình nguyện tỉnh Lạng Sơn cho biết, ở thời điểm đầu tiên vận động hiến máu, tỉnh chỉ có 13 người tham gia hiến máu, bao gồm đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh. Theo thời gian, nhờ sự vào cuộc của nhiều ban, ngành các cấp, các bệnh viện, trung tâm y tế đã tìm cách tuyên truyền, vận động tiếp nhận máu đến từng người dân.

“Đến nay, tỉnh Lạng Sơn đã đạt gần 10.000 đơn vị máu mỗi năm. Hiến máu tình nguyện cũng được đưa vào nhiệm vụ lớn trọng tâm của Hội Chữ thập Đỏ tỉnh trong suốt 10 năm qua”, bà Thuận chia sẻ.

Hiến máu định kỳ đã trở thành một thói quen ảnh 2

Bà Nông Bích Thuận, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Vận động hiến máu tình nguyện tỉnh Lạng Sơn.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hà Thanh, Viện trưởng Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương, 30 năm qua thực sự là cuộc “cách mạng” thay đổi nhận thức của hàng chục triệu người dân về hiến máu tình nguyện. Hoạt động hiến máu tình nguyện đã trở thành một phong trào có sức ảnh hưởng rộng lớn, thu hút và nhận được sự quan tâm của toàn xã hội.

30 năm lan tỏa tinh thần nhân văn cho đi giọt máu hồng

Những thập kỷ 90, khi đất nước bước vào thời kỳ đổi mới, nhu cầu truyền máu tại tất cả các tuyến tăng cao. Lúc này sự bùng nổ của căn bệnh HIV/AIDS khiến nguy cơ không bảo đảm an toàn truyền máu rất trầm trọng. Tình trạng thiếu máu điều trị thường xuyên diễn ra tại các cơ sở y tế trên cả nước.

Ngày 24/1/1994, được sự chỉ đạo của Bộ Y tế, sự ủng hộ, hỗ trợ của Ban Khoa giáo Trung ương (nay là Ban Tuyên giáo Trung ương), Viện Huyết học-Truyền máu thuộc Bệnh viện Bạch Mai (nay là Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương) đã tổ chức Lễ phát động ngày hiến máu nhân đạo tại Thủ đô Hà Nội. Đây được coi là dấu mốc quan trọng, đánh dấu sự phát động phong trào hiến máu nhân đạo nay là hiến máu tình nguyện tại Việt Nam.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hà Thanh cho biết, năm 1994, lượng máu tiếp nhận được của cả nước đã tăng hơn nhiều so với những năm trước đó với 138.000 đơn vị máu, tỷ lệ hiến máu tình nguyện đạt 14,5%.

Năm 2000 đánh dấu một bước phát triển mới mang tính bước ngoặt của hoạt động hiến máu tình nguyện, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động đối với các cấp chính quyền và nhân dân. Nhân Ngày Sức khỏe Thế giới 7/4, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 43/QĐ-TTg về việc vận động, khuyến khích toàn dân hiến máu tình nguyện và lấy ngày 7/4 là “Ngày toàn dân hiến máu tình nguyện”. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng tạo nên khí thế mới cho phong trào hiến máu tình nguyện trên cả nước, từ đây lượng người hiến máu tình nguyện tăng lên rõ rệt.

Hiến máu định kỳ đã trở thành một thói quen ảnh 3

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hà Thanh, Viện trưởng Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương chia sẻ về những con số ấn tượng trong hành trình 30 năm vận động hiến máu tình nguyện.

Sau 20 năm, từ năm 2014 trở lại đây, mỗi năm chúng ta đều đã tiếp nhận được trên 1 triệu đơn vị máu. Lượng máu tiếp nhận được năm 2023 đã cao gấp hơn 11 lần so với năm 1994, tỷ lệ hiến máu tình nguyện đến nay đã đạt 99%.

"Chúng ta đã xây dựng và phát triển được hệ thống Ban Chỉ đạo Vận động hiến máu tình nguyện từ Trung ương đến địa phương; đã thành lập được 5 Trung tâm truyền máu khu vực, nhiều trung tâm truyền máu vùng, từ đó nâng cao hiệu quả trong công tác tiếp nhận máu, xét nghiệm sàng lọc, điều chế các sản phẩm máu. Do đó, người bệnh cần truyền máu ở các cơ sở y tế tại vùng sâu, vùng xa cũng được thụ hưởng các chế phẩm máu chất lượng như các bệnh viện ở tuyến trung ương", Viện trưởng Hà Thanh cho hay.

Trải qua 30 năm, từ chỗ đa phần là người bán máu, từ số đơn vị máu tiếp nhận rất khiêm tốn, từ 139.000 đơn vị máu tiếp nhận được năm 1994, lượng máu đã tăng lên hơn 500.000 đơn vị vào năm 2008. Đến năm 2023, toàn quốc tiếp nhận được hơn 1,5 triệu đơn vị máu, trong đó, 99% lượng máu là từ người hiến máu tình nguyện, tương đương tỷ lệ 1,5% dân số. Trên 21,3 triệu đơn vị máu đã được hiến tặng trong 30 năm qua.

Chia sẻ về điều gì trong là 30 năm qua thì để thành công chương trình vận động hiến máu tình nguyện, theo Tiến sĩ, bác sĩ Trần Ngọc Quế, Giám đốc Trung tâm Máu Quốc gia, đó là có sự đầu tư, quan tâm vào cuộc của các cấp lãnh đạo; sự thay đổi nhận thức người dân. Thay vì chỉ là lực lượng thanh niên, sinh viên tham gia hiến máu như mọi năm trước thì hiện nay phong trào này lan tỏa tới mọi gia đình, ngành nghề, dân tộc, tôn giáo...

Những năm qua, Viện đã tập trung xây dựng mạng lưới cung cấp máu toàn quốc, các trung tâm máu lớn để có khả năng đáp ứng được nhu cầu của các bệnh viện ở khu vực.

Hiến máu định kỳ đã trở thành một thói quen ảnh 4
Hiến máu tình nguyện đã trở thành thói quen định kỳ của nhiều người.

Một dấu ấn thành công của chương trình chính là việc phát động nhiều phong trào vận động hiến máu toàn dân. 30 năm qua, các chiến dịch, sự kiện lớn về hiến máu lần lượt ra đời, ngày càng được tổ chức quy mô, khoa học, bài bản, phù hợp với từng đối tượng, tạo cú huých mạnh mẽ cho phong trào hiến máu tình nguyện như: Lễ hội Xuân hồng, Hành trình Đỏ, Chủ nhật Đỏ, “Những giọt máu hồng hè”… và nhiều sự kiện hiến máu lớn khác.

Viện đã tập trung lực lượng tình nguyện viên là những người học sinh, sinh viên, thanh niên là những việc xung kích tham gia vận động tuyên truyền và cũng chính là lực lượng tham gia hiến máu.