Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021:

Hiến kế tìm không gian, dư địa cho phục hồi, phát triển bền vững

NDO -

Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021 diễn ra sáng 5/12, quy tụ 20 diễn giả là các vị chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà khoa học trong nước và quốc tế, cùng hàng trăm đại biểu, đại diện các cơ quan Chính phủ, Quốc hội là những cơ quan xây dựng chính sách. Các ý kiến đều tập trung vào các khuyến nghị, đề xuất chính sách hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế, xã hội bền vững trong giai đoạn tới. 

Ông Andrew Jeffries, Giám đốc Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam. (Ảnh: Thủy Nguyên)
Ông Andrew Jeffries, Giám đốc Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam. (Ảnh: Thủy Nguyên)

Theo TS Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính-tiền tệ quốc gia, dịch Covid-19 tác động mạnh tới kinh tế thế giới và đang có dấu hiệu phục hồi, song theo hướng chậm dần, dưới 5% trong các năm 2022-2023. Đáng lưu ý, lạm phát đang tăng tương đối nhanh cả về phía cung và cầu.

Đặc biệt, dịch Covid-19 tác động rất mạnh về mặt xã hội, bao gồm y tế, việc làm, môi trường. Tuy nhiên, dịch Covid-19 cũng mang lại nhiều cơ hội mới, lĩnh vực kinh doanh mới cho cả kinh tế thế giới cũng như Việt Nam.

8-1638686362714.jpg
TS Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, Thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách tài chính-tiền tệ Quốc gia. (Ảnh: Thủy Nguyên)

Cần chương trình, gói hỗ trợ đặc biệt để không “lỡ nhịp”

Đây là nhấn mạnh của TS Cấn Văn Lực, khi thay mặt Nhóm Nghiên cứu của Thường trực Ủy ban Kinh tế, trình bày phát biểu đề dẫn về một số gợi mở chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội.

Dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nặng nề tới tăng trưởng GDP của Việt Nam. Năm 2020, mức tăng trưởng 2,91%. Năm 2021, dự báo tăng 2%, đây là con số có vẻ đang lỡ nhịp. “Việt Nam đang phục hồi có vẻ theo hình “chữ U” trong khi thế giới theo hình “chữ V” rõ nét. Nếu không có chương trình, gói hỗ trợ đặc biệt cả về tài khóa và tiền tệ, sẽ bị lỡ nhịp. Điều này đồng nghĩa với việc triển vọng năm 2022 sẽ chỉ tăng tưởng trưởng trong khoảng 4-4,5%”, ông nói.

Từ kinh nghiệm quốc tế, TS Cấn Văn Lực cho rằng, về mục tiêu các gói hỗ trợ cơ bản giống nhau, song có hai điểm đáng lưu ý: thứ nhất là cơ cấu tập trung mạnh vào đầu tư hạ tầng y tế; thứ hai là, cho phép bảo lãnh của Chính phủ với các khoản vay của doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Trong bối cảnh đó, để nền kinh tế có thể phục hồi, bảo đảm an sinh xã hội, TS Cấn Văn Lực cho rằng, Việt Nam cần có chương trình, gói hỗ trợ đặc biệt. Nếu không, chúng ta sẽ bỏ lỡ cơ hội và không thể hoàn thành kế hoạch 5 năm mà Đảng và Quốc hội đề ra.

Để triển khai các gói hỗ trợ này, theo TS Cấn Văn Lực, cần bảo đảm chính sách phải tác động cả tổng cung và tổng cầu; phải khả thi, triển khai nhanh gọn và hiệu quả; phối hợp tốt chính sách tài khóa và tiền tệ, cũng như với các chính sách kinh tế-xã hội khác để tạo tính tổng lực.

Theo ông, có thể phân chia gói hỗ trợ thành 3 giai đoạn khác nhau, gồm “kích hoạt, thúc đẩy và chốt chương trình” vào cuối năm 2023.

Giải pháp y tế mang tính chất quyết định

Trong bài tham luận của mình, Kinh tế trưởng Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam Nguyễn Minh Cường đã khái quát bức tranh phục hồi kinh tế của các nước châu Á trong bối cảnh đại dịch, đồng thời, đưa ra những khuyến nghị, hàm ý chính sách cho Việt Nam.

Kinh tế trưởng của ADB tại Việt Nam cho biết, tác động của Covid-19 tới Việt Nam cũng như làn sóng Covid-19 ở châu Á tăng cao trong tháng 5/2021, với tỷ lệ khoảng 105 ca/1 triệu người, giảm xuống 25 ca/1 triệu người vào tháng 6/2021, tăng lên 40 ca/1 triệu người vào tháng 7/2021. Tốc độ tiêm vaccine phòng Covid-19 ở châu Á là tương đối nhanh. Độ phủ vaccine của Việt Nam cao hơn mức trung bình ở châu Á.

10-1638686363229.jpg
Ông Nguyễn Minh Cường, Kinh tế trưởng Ngân hàng Phát triển châu Á tại Việt Nam. (Ảnh: Thủy Nguyên) 

Tính đến tháng 11, khoảng 55% dân số các nước đang phát triển ở châu Á được tiêm chủng, tuy nhiên vẫn thấp hơn các nước ở Mỹ và châu Âu. Vaccine mặc dù không ngăn chặn được sự lây lan của Covid-19 nhưng đã giúp giảm đáng kể tỷ lệ tử vong ở châu Á và Việt Nam.

Theo ông Nguyễn Minh Cường, ở nước nào có độ phủ vaccine cao, tốc độ phục hồi kinh tế tương đối nhanh. Về thách thức và rủi ro, Kinh tế trưởng của ADB tại Việt Nam cho biết, tốc độ tiêm chủng nhanh ở châu Á, đặc biệt là Việt Nam, đã hạn chế được lây lan của dịch bệnh. Tuy nhiên, Covid-19 vẫn là mối đe dọa với phục hồi kinh tế, đặc biệt là với chủng mới Omicron.

Đưa ra hàm ý chính sách cho Việt Nam, ông Nguyễn Minh Cường cho biết, do khủng hoảng kinh tế-xã hội xuất phát từ đại dịch Covid-19, không phải xuất phát từ khủng hoảng kinh tế-tài chính, nên các giải pháp chuyên môn về y tế mang tính chất quyết định và chủ yếu.

Chính sách tài khóa đóng vai trò lớn hơn, phối hợp chính sách tiền tệ nhằm tạo ra nguồn lực hỗ trợ lớn nhất cho nền kinh tế. Trong bối cảnh Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, trong ngắn hạn, Việt Nam có thể chấp nhận chi ngân sách nhà nước cao hơn, nợ công tăng trong giai đoạn 2021-2023.

Doanh nghiệp cần sớm được “bơm máu”

PGS,TS Bùi Quang Tuấn, Viện Kinh tế, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam cho rằng, khi đặt vấn đề hỗ trợ để phục hồi kinh tế, cần xác định điểm nghẽn và vùng trũng của tăng trưởng.

Theo ông, tỷ lệ doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh trong tháng 11/2021 vẫn tăng 27,4% so cùng kỳ năm 2020, tỷ lệ doanh nghiệp chờ làm thủ tục giải thể tăng 3,8%.

Dù đã triển khai Nghị quyết 128-NQ/CP về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19, nhưng chúng ta vẫn chưa kiểm soát hoàn toàn dịch bệnh, chưa bảo đảm độ an toàn. Bên cạnh đó là sự xuất hiện của biến chủng mới Omicron, đe dọa quá trình phục hồi của nền kinh tế toàn cấu thời gian tới. “Vấn đề cần quan tâm hiện nay là doanh nghiệp đang “thiếu máu”, cần được “bơm máu” sớm”, PGS,TS Bùi Quang Tuấn nhấn mạnh.

Bên cạnh những vấn đề ngắn hạn nêu trên, PGS,TS Bùi Quang Tuấn nhấn mạnh, những vấn đề dài hạn với tăng trưởng của nước ta vẫn đang còn đó, khi chỉ số phản ánh chất lượng tăng trưởng, năng suất tổng hợp, năng suất lao động đều ở "vùng trũng, nguy cơ tụt hậu cục bộ, bỏ lỡ cơ hội phát triển.

Ngoài ra, các yếu tố tạo nền tảng cho tăng trưởng trong dài hạn, như chuyển đổi số, tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, tăng trưởng xanh đều mới thực hiện ở phần thể chế, chính sách, chưa có thay đổi cụ thể, xanh hóa sản xuất, tiêu dùng bền vững đều chưa làm được bao nhiêu.

11-1638686362885.jpg
PGS,TS Bùi Quang Tuấn, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam. (Ảnh: Thủy Nguyên)

Dẫn số liệu thống kê của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), PGS,TS Bùi Quang Tuấn nhận thấy, nước ta đang ở "vùng trũng của can thiệp", trong khi đó, các nước càng giàu càng sử dụng tỷ lệ GDP nhiều hơn để can thiệp vào nền kinh tế.

“Nói cách khác, vấn đề của chúng ta có lẽ là can thiệp chưa đủ nên rơi vào vùng trũng, đầu tư cho các động lực tăng trưởng thấp nên chưa thoát khỏi mức tăng trưởng trung bình thấp”, PGS,TS Tuấn nêu nhận định như vậy.

Phục hồi bất chấp dịch Covid-19 bùng phát

Đó là khẳng định khả quan của Trưởng Đại diện Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) tại Việt Nam Francois Painchaud, trong phần trình bày tham luận “Khuyến nghị của Tổ chức Tiền tệ quốc tế (IMF) về chính sách đẩy mạnh phục hồi kinh tế”.

Về tình hình kinh tế thế giới, Trưởng Đại diện IMF tại Việt Nam Francois Painchaud cho biết, chỉ số giá sản xuất (PPI) tăng trong bối cảnh giá đầu vào ngày càng tăng và chuỗi cung ứng gián đoạn. Tăng trưởng sụt giảm mạnh trong khi tỷ lệ tiêm chủng ở mức thấp để lại “những vết sẹo” trong trung hạn tại các nước mới nổi và đang phát triển với không gian chính sách hạn chế và phụ thuộc vào lĩnh vực du lịch...

Trưởng đại diện IMF cho rằng, Kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội của Việt Nam đặt mục tiêu GDP bình quân đầu người là 4.700-5.000 USD vào năm 2025, mục tiêu này vẫn có thể đạt được nhưng đòi hỏi những cải cách cơ cấu quyết liệt hơn để phục hồi mạnh mẽ. Bên cạnh đó, cải thiện khả năng chống chịu, cải cách cơ cấu quyết liệt; duy trì ổn định vĩ mô.

Đồng thời, ông nhấn mạnh, các chương trình hồi phục đã được chính quyền Việt Nam cân nhắc để đưa ra những cải cách nhằm nâng cao năng suất nhưng kế hoạch cải cách này cần được thực hiện một cách quyết đoán và nhanh chóng hơn nữa.

Nhóm phóng viên Báo Nhân Dân sẽ tiếp tục cập nhật những nội dung quan trọng của Diễn đàn trong chiều nay.

Về dài hạn, khi nền kinh tế dần phục hồi, vai trò hỗ trợ của chính sách tài khóa giảm dần, Việt Nam cần có các biện pháp mở rộng cơ sở thu, tăng cường quản lý thu, siết chặt kỷ cương chính sách tài khóa.

Kinh tế trưởng Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam Nguyễn Minh Cường

Dịch Covid-19 bùng phát lớn hơn và dai dẳng hơn trong năm 2021, kinh tế gián đoạn nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến việc làm, đặc biệt khu vực phi chính thức. Trước Covid, các doanh nghiệp dễ bị tổn thương, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Để hỗ trợ phục hồi, Chính phủ  Việt Nam cần tập trung: Không gian tài khóa dồi dào; tăng chi tiêu cho y tế, tiêm chủng và trợ cấp; chuyển lỗ ngược; tăng cường đầu tư công; hỗ trợ đầu tư tư nhân; duy trì ổn định vĩ mô.

Trưởng Đại diện Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) tại Việt Nam Francois Painchaud

Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021