Hiện đại hóa hệ thống điện trên đảo Phú Quý

Phú Quý là một huyện đảo của tỉnh Bình Thuận, cách thành phố Phan Thiết khoảng 102 km, là đảo tiền tiêu có vị trí quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế biển và quốc phòng của cả nước cũng như của tỉnh Bình Thuận.
0:00 / 0:00
0:00
Nhân viên Ðiện lực Phú Quý theo dõi thu thập dữ liệu, số liệu quản lý vận hành hệ thống điện trên đảo.
Nhân viên Ðiện lực Phú Quý theo dõi thu thập dữ liệu, số liệu quản lý vận hành hệ thống điện trên đảo.

Những năm qua, được sự quan tâm của Ðảng, Nhà nước, sự hỗ trợ của các bộ, ngành Trung ương và của tỉnh, kinh tế-xã hội của Phú Quý ngày càng phát triển. Bộ mặt huyện đảo Phú Quý thay đổi rõ rệt và đến năm 2016 được công nhận là huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh Bình Thuận. Một trong những đóng góp quan trọng, quyết định vào sự phát triển của Phú Quý là việc đầu tư phát triển hệ thống điện trên đảo.

Trước năm 2010, tình hình kinh tế-xã hội của Phú Quý còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, thời gian sử dụng điện phục vụ sinh hoạt và sản xuất chỉ có 16 giờ/ngày, là một trong những điểm “nghẽn” trong phát triển. Từ ngày 1/7/2014, điện ở Phú Quý được cấp đủ 24 giờ, giá điện bằng với giá ở đất liền, tạo bước ngoặt lớn cho phát triển kinh tế-xã hội trên đảo.

Hệ thống điện trên đảo Phú Quý là một hệ thống vận hành độc lập, không kết nối với hệ thống điện quốc gia. Qua quá trình hình thành, đầu tư và phát triển, đến nay nguồn điện trên đảo Phú Quý gồm có diesel, gió và năng lượng mặt trời với tổng công suất 16,68 MW; về lưới điện hiện nay trên đảo có 38,8 km đường dây hạ thế, 47,8 km đường dây trung thế và 72 trạm biến áp với tổng công suất 10.657 kVA. Số hộ được cung cấp điện đạt 99,9% tổng số hộ trên đảo.

Với tình hình kinh tế-xã hội ngày càng phát triển, nhu cầu sử dụng điện tăng, việc đầu tư, nâng cấp hệ thống điện để cung cấp nguồn điện ổn định tại Phú Quý là hết sức cần thiết.

Năm 2019, ngành điện đã sử dụng 271 tỷ đồng từ nguồn vốn vay ODA để đầu tư dự án “Phát triển và hiện đại hóa hệ thống nguồn-lưới điện huyện đảo Phú Quý”. Sau khi hoàn thành dự án, đã phát triển và hiện đại hóa lưới điện, nguồn điện, giúp hệ thống điện tại đảo Phú Quý trở thành một trong những hệ thống hiện đại nhất trong Tập đoàn Ðiện lực Việt Nam.

Trước đây, các thiết bị của hệ thống điện tại Phú Quý là những thiết bị thế hệ cũ, mọi hoạt động trong vận hành như thu thập dữ liệu, theo dõi trạng thái, thao tác đóng, cắt các thiết bị, nhân viên điện lực Phú Quý đều phải ra trực tiếp hiện trường. Từ khi áp dụng công nghệ hiện đại và chuyển đổi số, đặc biệt là đầu tư hệ thống và giám sát điều khiển từ xa SCADA thì ngay tại Công ty Ðiện lực Bình Thuận trong đất liền có thể giám sát và điều khiển các máy phát tại nhà máy điện ở Phú Quý. Nhân viên Ðiện lực Phú Quý không còn phải mất thời gian di chuyển để thu thập dữ liệu, giám sát, thao tác và xử lý sự cố; số liệu quản lý vận hành được bảo đảm chính xác, kịp thời. Từ đó nâng cao độ tin cậy cung cấp điện và dịch vụ cấp điện cho khách hàng.

Nguyễn Văn Toàn, Phó Giám đốc Công ty Ðiện lực Bình Thuận

Với dân số gần 30 nghìn người, cùng với sự tăng trưởng ấn tượng của du lịch, tình hình phụ tải ở Phú Quý tăng rất nhanh, áp lực về nguồn điện là rất lớn. Từ năm 2020 đến nay, sản lượng điện thương phẩm Ðiện lực Phú Quý thực hiện liên tục tăng năm sau cao hơn năm trước khoảng 7,8-11,5%. Là khu vực có tiềm năng rất lớn để phát triển năng lượng gió, năng lượng mặt trời, thời gian gần đây, việc đầu tư phát triển các nguồn năng lượng tái tạo trên địa bàn đã được triển khai, góp phần bảo đảm đáp ứng đầy đủ việc cung cấp điện trên đảo Phú Quý.

Ngành điện đã đầu tư Hệ thống giám sát các máy diesel, tua-bin gió “giải pháp điều khiển tích hợp các nguồn năng lượng không nối lưới (DCS)” thu thập dữ liệu và điều khiển, huy động nguồn điện trên đảo, giúp vận hành hoàn toàn tự động, tối ưu, nâng tỷ lệ phát điện giữa nguồn điện năng lượng tái tạo/nguồn điện diesel tăng lên là 80%/20%, so với trước đây chỉ 50%/50%; tận dụng nhiều hơn đáng kể nguồn năng lượng tái tạo, tiết kiệm chi phí dầu diesel khi chạy máy phát điện diesel.

Tương lai, ngành điện sẽ tiếp tục đầu tư thêm 5 MW diesel và lắp đặt thêm pin tích năng để tích trữ năng lượng khi điện gió, điện mặt trời dư và tự động phát công suất mỗi khi các nguồn năng lượng tái tạo dao động, hướng đến vận hành nguồn năng lượng sạch thân thiện với môi trường, hạn chế tối đa vận hành máy diesel.

Nguyễn Thành Ngôn, Giám đốc Công ty Ðiện lực Bình Thuận

Cùng với đó, ngành điện cũng kiến nghị Quốc hội, Chính phủ xem xét, đề xuất những chính sách, cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tại đảo Phú Quý để người dân cùng ngành điện tham gia đầu tư, góp phần phát triển năng lượng sạch bảo đảm cung cấp điện, giảm phát điện bằng dầu diesel, giảm lỗ phát điện và góp phần bảo vệ môi trường tại đảo Phú Quý.