Sinh ra và lớn lên từ vùng đất Đình Bảng - nơi có làng nghề truyền thống làm bánh phu thê, nên các chị Ngô Thị Phương Thanh, Đỗ Thị Yến, Nguyễn Việt Thu Hương đều hiểu rõ những vất vả, sự kỳ công của người thợ để có thể làm ra thức quà đặc sản của vùng Kinh Bắc.
Chị Ngô Thị Phương Thanh chia sẻ: Ngày nhỏ, nhất là vào những dịp lễ Tết, cả nhà căng mình ra nhào bột, hấp, rồi gói bánh mà cũng phải vất vả từ mờ sáng đến quá trưa mới xong một mẻ bánh. Lớn lên, đi học xa, thế nhưng giống như một cái ‘‘duyên’’ khi trở về quê hương làm việc, nhìn cha mẹ rồi hàng xóm vẫn chịu thương chịu khó cần mẫn sớm hôm làm ra những chiếc bánh thơm ngon, chúng tôi quyết định cùng nhau xây dựng thương hiệu bánh phu thê Đại Đức với quy trình từng bước hiện đại hóa. Tháng 7/2023, dự án “Ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến để tự động hóa một số khâu trong quy trình sản xuất bánh phu thê truyền thống” chính thức được triển khai.
Những sản vật làng quê nguyên liệu chính làm bánh phu thê. |
Vẫn là những sản vật của làng quê, tinh gạo nếp, đậu xanh, đu đủ, bột dành dành, đường kính… thay vì phương pháp thủ công trước đây dùng hoàn toàn bằng sức người, tại cơ sở bánh phu thê Đại Đức, nhiều công đoạn đã được cải tiến, đưa máy móc vào sản xuất.
Từ hơn 500 triệu đồng vốn đầu tư, đến nay, cơ sở đã có máy đảo bột công suất 10kg bột cho một mẻ trộn. Bột được trộn máy mướt hơn khi dùng tay và bảo đảm vệ sinh thực phẩm. Máy nạo đu đủ với công suất 200kg/giờ đến hơn 500kg/giờ cũng được lắp đặt giúp giảm thời gian và công sức lao động. Lò hấp bánh với các thanh nhiệt xếp tầng cho phép hấp từ 500-1000 chiếc bánh một lần thay cho nồi hấp nhiều nhất là 100 bánh trước đây. Đáng chú ý, lò hấp có thể điều chỉnh thời gian tự động ngắt và làm mát bánh.
Cơ sở cũng đã trang bị máy hút chân không giúp bảo quản bánh lâu hơn mà vẫn giữ nguyên hương vị, kết cấu và độ tươi của bánh, kéo dài thời gian sử dụng thêm từ 3-5 ngày, trong điều kiện nhiệt độ 4 độ C là 30 ngày và -4 độ C là 12 tháng.
Đưa bánh vào lò hấp, thay cho phương pháp hấp bằng nồi thủ công trước đây. |
Bà Nguyễn Thị Lộc, người có 20 năm kinh nghiệm làm bánh trong làng cho biết: Trước đây, để làm 5 cân bột, tôi phải dậy từ sáng sớm chuẩn bị, đến khi giao cho khách mất khoảng 5 tiếng. Từ khi được các cháu giới thiệu sử dụng máy móc, quy trình làm bánh của tôi rút ngắn còn 3 tiếng. Trong đó, tôi ấn tượng nhất là máy trộn bột, thao tác cũng khá đơn giản, chỉ việc ấn nút cho máy chạy trong vòng 15 phút, tiết kiệm được 25 phút so với làm thủ công và người làm được giải phóng hoàn toàn sức lao động. Đặc biệt, khi nguồn nhân lực ngày càng thiếu hụt, việc đưa máy móc vào sản xuất đã góp phần giải quyết vấn đề lao động tại các cơ sở, đến nay đã có hơn mười cơ sở trong làng sử dụng máy trộn bột khi làm bánh.
Nhớ lại những ngày tháng tự nghiên cứu tìm hiểu để đưa máy móc vào sản xuất bánh, chị Đỗ Hải Yến, một thành viên của nhóm cho biết: Khó khăn của chúng tôi là tự mình tìm hiểu, đặt hàng các doanh nghiệp, cơ sở gia công nhỏ lẻ, nên thiết bị chưa có độ phù hợp chưa cao, tốn nhiều công sức và chi phí. Chẳng hạn như máy trộn bột, để làm ra chiếc bánh phu thê đạt tiêu chuẩn khi bóc ra có màu vàng trong của bánh, nhìn thấu những sợi đu đủ bên ngoài lớp vỏ, đòi hỏi máy trộn phải có tốc độ vừa phải, để không cắt nát những sợi đu đủ khi nhào bột. Phải trải qua nhiều lần cải tiến, nhiều mẻ bột bị đổ bỏ, chúng tôi mới có được loại máy, công cụ sản xuất bánh tạm bằng lòng.
Cơ sở đang tiếp tục nghiên cứu, đặt hàng máy sục rửa lá để tiết kiệm thời gian và góp phần bảo đảm an toàn thực phẩm. |
“Chúng tôi vẫn đang tập trung tìm hiểu và đặt hàng máy sục rửa lá phù hợp và tiếp tục cải tiến các loại máy móc, vì hiện nay máy móc của cơ sở chỉ đáp ứng nhu cầu bước đầu, cần được tích hợp nhiều hơn để tối ưu hiệu suất làm việc, giảm chi phí đầu vào, phù hợp với nhiều cơ sở sản xuất của làng nghề”- chị Đỗ Thị Yến chia sẻ.
Có ai đó đã nói, người làm bánh phải tự thêm gia vị tình yêu vào mỗi chiếc bánh để nó không chỉ ngon, đẹp mà còn có phong cách riêng của người làm.
Với nhóm các chị Ngô Thị Phương Thanh, Đỗ Thị Yến, Nguyễn Việt Thu Hương, gia vị tình yêu gửi gắm vào mỗi chiếc bánh không chỉ chọn lựa những nguyên liệu ngon nhất, sạch nhất mà quan trọng hơn là ‘‘hiện đại hóa’’ quy trình giúp tiết kiệm thời gian, công sức, để các cơ sở nâng cao sản lượng, đa dạng hóa sản phẩm, góp phần gìn giữ, phát huy nghề truyền thống của quê hương.
Trên cơ sở thành công bước đầu, nhóm tác giả mong muốn nhận được sự hợp tác, hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân về vốn đầu tư, kết nối với các nguồn lực công nghệ; hỗ trợ xúc tiến thương mại quảng bá sản phẩm, để dự án “Ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến để tự động hóa một số khâu trong quy trình sản xuất bánh phu thê truyền thống” được nhân rộng, góp phần mang hương vị quê hương đến mọi miền.