Kiến tạo Bắc Ninh thịnh vượng, hiện đại trên nền tảng văn hóa Kinh Bắc

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 20, nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra mục tiêu phấn đấu xây dựng tỉnh Bắc Ninh phát triển bền vững cơ bản đáp ứng tiêu chí trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo hướng văn minh, hiện đại. Trải qua nửa nhiệm kỳ với nhiều khó khăn, thách thức, làm thế nào để Vùng đất “địa linh nhân kiệt” tiếp tục thu hút, sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư, thực hiện thành công các nhiệm vụ, chỉ tiêu đã đặt ra; phóng viên Báo Nhân Dân đã có cuộc trao đổi với đồng chí NGUYỄN ANH TUẤN, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh về vấn đề này.
0:00 / 0:00
0:00
Đồng chí Nguyễn Anh Tuấn (thứ hai từ phải qua) thăm, kiểm tra tiến độ dự án đường 285B.
Đồng chí Nguyễn Anh Tuấn (thứ hai từ phải qua) thăm, kiểm tra tiến độ dự án đường 285B.

Phóng viên: Gần ba năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 20 là khoảng thời gian Bắc Ninh đối mặt nhiều khó khăn, thách thức. Có thể coi đó là “nửa nhiệm kỳ vượt khó” không thưa đồng chí?

Đồng chí Nguyễn Anh Tuấn: Không riêng cá nhân tôi mà nhiều người đều đồng tình như vậy. Ba năm vừa qua, Bắc Ninh cùng cả nước phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhiều vấn đề mới phát sinh chưa từng có tiền lệ. Liên tiếp trong hai năm (2021-2022), kinh tế chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, trong khó khăn thì Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy càng đoàn kết, chung sức, đồng lòng, lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, có những quyết sách mạnh mẽ để từng bước tháo gỡ khó khăn, khơi thông mọi nguồn lực đầu tư. Bắc Ninh đã thực hiện thắng lợi “mục tiêu kép” vừa tập trung phòng chống, kiểm soát dịch bệnh với nhiều cách làm sáng tạo, linh hoạt được Trung ương đánh giá cao (là điểm sáng trong cả nước), vừa khôi phục sản xuất, kinh doanh và phát triển kinh tế, bảo đảm sức khỏe, đời sống nhân dân.

Kiến tạo Bắc Ninh thịnh vượng, hiện đại trên nền tảng văn hóa Kinh Bắc ảnh 1

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang và lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh cắt băng khánh thành cầu Kinh Dương Vương - dự án giao thông trọng điểm của tỉnh.

Nhờ vậy, hoạt động sản xuất, kinh doanh, thương mại, dịch vụ được phục hồi nhanh chóng. Năm 2021, tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 6,1%; năm 2022 đạt 5,22%, quy mô GRDP đứng thứ chín cả nước; giá trị sản xuất công nghiệp đứng thứ nhất; GRDP bình quân đầu người đứng thứ tư; kim ngạch xuất, nhập khẩu đứng thứ hai; thu hút đầu tư nước ngoài đứng thứ bảy; giá trị tăng thêm kinh tế số trong GRDP của Bắc Ninh chiếm 50,73%, đứng thứ nhất cả nước. Tỉnh cũng đã triển khai đồng bộ, có hiệu quả các cơ chế, chính sách phát triển văn hóa-xã hội; nhiều hoạt động văn hóa-thể dục thể thao lớn được tổ chức; giáo dục học sinh giỏi quốc gia, quốc tế đứng đầu toàn quốc; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; nhiều chính sách an sinh xã hội được mở rộng đối tượng và có mức trợ cấp cao hơn so với quy định của Trung ương. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được quan tâm, củng cố.

Nửa cuối năm 2022 và năm 2023, khi đại dịch được khống chế thì tình hình chính trị-kinh tế thế giới có nhiều biến động tiêu cực. Khu vực FDI đóng vai trò quan trọng trong cơ cấu kinh tế, với tỷ trọng 62,3%, do đó, Bắc Ninh là địa bàn chịu ảnh hưởng nặng nề; quý I và quý II năm 2023 có mức tăng trưởng âm. Nhận diện rõ những hạn chế, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tập trung thực hiện năm quyết tâm chính trị và giải quyết “tám điểm nghẽn”, xây dựng kịch bản điều hành kinh tế-xã hội theo từng quý, sáu tháng và thành lập nhiều Ban chỉ đạo, tổ công tác đi trực tiếp kiểm tra và chỉ đạo tháo gỡ khó khăn. Nhờ vậy, kết quả quý III tăng trưởng trên địa bàn đã được cải thiện tích cực và dự kiến tiếp tục khởi sắc hơn trong quý IV/2023.

Kiến tạo Bắc Ninh thịnh vượng, hiện đại trên nền tảng văn hóa Kinh Bắc ảnh 2

Kiểm tra tiến độ xây dựng nhà máy Amkor.

Phóng viên: Trong muôn vàn khó khăn, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh nhà đã đoàn kết, kiên định mục tiêu phát triển. Đồng chí có thể chia sẻ những kinh nghiệm của Bắc Ninh để có nửa nhiệm kỳ “vượt khó, tạo tiền đề cho nửa nhiệm kỳ tiếp theo”?

Đồng chí Nguyễn Anh Tuấn: Trước hết, phải nói về vai trò quan trọng, có tính xuyên suốt của Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bắc Ninh lần thứ 20, với năm nhiệm vụ trọng tâm, ba giải pháp đột phá và xác định 29 chỉ tiêu chủ yếu. Đây là cơ sở để hệ thống chính trị vào cuộc, cụ thể hóa bằng các chương trình, kế hoạch, hành động.

Xác định công tác xây dựng Đảng là then chốt, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã bám sát 10 nhiệm vụ trọng tâm trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng và xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh toàn diện. Tăng cường siết chặt kỷ luật, kỷ cương, nâng cao đạo đức công vụ; đổi mới phương pháp lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền và nhiệm vụ của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị-xã hội theo hướng có trọng tâm, trọng điểm, nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, vụ việc mới nảy sinh.

Đồng thời, quan tâm lãnh đạo nâng cao hiệu quả công tác dân vận, tổ chức 36 cuộc giám sát, phản biện xã hội, 941 cuộc đối thoại trực tiếp với nhân dân. Bình quân trong nửa nhiệm kỳ, số tổ chức cơ sở đảng hoàn thành tốt nhiệm vụ đạt 89,38%, số đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ đạt 90,32%, vượt mục tiêu Nghị quyết Đại hội đề ra. Sau nửa nhiệm kỳ tập trung triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội, đến nay đã có bảy chỉ tiêu vượt mục tiêu, hai chỉ tiêu đạt mục tiêu và 18 chỉ tiêu đang thực hiện; hai chỉ tiêu sẽ tính toán trên cơ sở số liệu cuối nhiệm kỳ.

Tôi cho rằng, bên cạnh những yếu tố xuyên suốt ấy, để có thể tạo ra được những quyết sách, những biện pháp cụ thể để vượt khó thì điều quan trọng là sự đoàn kết trong Đảng, trong hệ thống chính trị, đoàn kết một lòng Đảng với dân, dân với Đảng. Từ sự đoàn kết một lòng, cùng chung tay giải quyết ấy, chúng tôi mới tìm ra những biện pháp giải quyết có tính chủ động và sáng tạo.

Kiến tạo Bắc Ninh thịnh vượng, hiện đại trên nền tảng văn hóa Kinh Bắc ảnh 3

Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh chung vui cùng người dân và du khách trong ngày hội Lim.

Phóng viên: Đồng chí đã nói về quy mô kinh tế, giá trị sản xuất công nghiệp, thu hút đầu tư…, Bắc Ninh đều nằm trong tốp đầu của cả nước. Vậy những chính sách cụ thể nào giúp Bắc Ninh duy trì vị thế này?

Đồng chí Nguyễn Anh Tuấn: Bắc Ninh là tỉnh có diện tích nhỏ nhất cả nước. Vì vậy, chúng tôi luôn nhất quán quan điểm phải tăng “chất” trên mọi mặt, theo tiêu chí thu hút đầu tư “hai ít, ba cao” (ít sử dụng đất với diện tích lớn, ít sử dụng lao động; thu hút các dự án có suất vốn đầu tư cao, hiệu quả cao, thu về ngân sách cao và hàm lượng công nghệ cao), “bốn sẵn sàng” (sẵn sàng về mặt bằng, sẵn sàng về nguồn nhân lực, sẵn sàng cải cách và sẵn sàng hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp triển khai dự án đầu tư). Chủ động đón bắt xu hướng dịch chuyển đầu tư mới vào địa bàn; trong đó tập trung phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, xanh, sạch, trên nền tảng sản xuất thông minh.

Về thu hút đầu tư nước ngoài, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, toàn tỉnh cấp mới 420 dự án, với tổng vốn đăng ký gần 2,2 tỷ USD. Thành lập mới hơn 7.300 doanh nghiệp. Trong chín tháng năm 2023, toàn tỉnh đã tăng gấp 3,1 lần về số dự án cấp mới và gấp 5,1 lần về vốn đăng ký; tính cả chín tháng, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đạt 28,7 tỷ USD, đứng thứ hai cả nước.

Đáng chú ý, ngày 11/10 vừa qua, tại Khu công nghiệp Yên Phong II-C, nhà máy lớn nhất thế giới của Tập đoàn Amkor với tổng vốn đầu tư 1,6 tỷ USD đã đi vào hoạt động. Bắc Ninh sẽ thành cứ điểm quan trọng trong mạng lưới hoạt động và phát triển bền vững về lĩnh vực bán dẫn, sản xuất chíp gắn với công nghệ cao trên nền tảng thông minh.

Những con số ấy có được nhờ nền tảng về cải cách hành chính, các giải pháp thu hút đầu tư, hạ tầng đồng bộ được kiến tạo trong nhiều năm. Còn trong giai đoạn này, Bắc Ninh tạo sức hút nhờ xác định chuyển đổi số là trụ cột của nền kinh tế, song song với thực hiện tốt hơn nữa cải cách hành chính. Trong đó chú trọng phát triển, cung cấp các ứng dụng, dịch vụ cho người dân, doanh nghiệp; triển khai hiệu quả ứng dụng tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh. Kết quả xếp hạng chỉ số chuyển đổi số (DTI) của tỉnh luôn được duy trì trong nhóm bảy tỉnh cao nhất cả nước; chỉ số tăng trưởng xanh đứng thứ ba; kinh tế số đứng thứ nhất cả nước.

Phóng viên: Thưa đồng chí, qua theo dõi chúng tôi nhận thấy, phát huy giá trị, bản sắc văn hóa Bắc Ninh-Kinh Bắc là nội dung xuyên suốt, được đề cập nhiều lần trong các văn bản đến các hội nghị từ tỉnh xuống cơ sở. Cùng với phát triển kinh tế, tỉnh đã có những quyết sách gì để văn hóa thực sự trở thành nguồn lực, động lực cho phát triển bền vững?

Đồng chí Nguyễn Anh Tuấn: Bắc Ninh đang trên đường trở thành một đô thị hiện đại. Quy hoạch chung đô thị Bắc Ninh đến năm 2045 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Tỷ lệ đô thị hóa của tỉnh đạt 60,3%. Với việc thành lập thành phố Từ Sơn, thị xã Quế Võ và thị xã Thuận Thành trực thuộc tỉnh; các dự án lớn, công trình trọng điểm như: Đường vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội, cầu Kinh Dương Vương, cầu Như Nguyệt, các tuyến đường tỉnh... đã và đang tạo không gian và dư địa phát triển mới. Trước mắt, từ nay đến cuối nhiệm kỳ, chúng tôi tập trung triển khai 26 quy hoạch phân khu; đẩy mạnh thu hút đầu tư các nguồn lực xã hội; phát triển hạ tầng hiện đại, đồng bộ, phấn đấu đạt tiêu chí đô thị loại I vào năm 2027, xây dựng Bắc Ninh trở thành cực tăng trưởng của Thủ đô Hà Nội và động lực phát triển của vùng đồng bằng sông Hồng.

Kiến tạo Bắc Ninh thịnh vượng, hiện đại trên nền tảng văn hóa Kinh Bắc ảnh 4

Các đại biểu Quốc hội cả tỉnh tiếp xúc cử tri trước kỳ họp.

Phải khẳng định rằng, sự phát triển của bất kỳ một vùng đất nào cũng không thể tách rời khỏi giá trị và trầm tích văn hóa truyền thống. Với Bắc Ninh, điều đó càng trở nên quan trọng. Bề dày văn hóa truyền thống khoa bảng, tinh thần tự tôn của người Kinh Bắc luôn ăn vào máu thịt mỗi người dân Bắc Ninh. Kế thừa và phát huy mạch nguồn thiêng liêng này là nhiệm vụ được Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Bắc Ninh chú trọng hàng đầu.

Tại nhiệm kỳ này, Bắc Ninh là tỉnh đầu tiên trong cả nước đã ban hành Nghị quyết số 71-NQ/TU về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Bắc Ninh đến năm 2030 đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững. Đồng thời, tỉnh phối hợp các cơ quan Trung ương tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo chuyên đề về phát triển văn hóa; trong đó đưa ra năm quan điểm chỉ đạo, năm mục tiêu chung, với chín nhóm nhiệm vụ, giải pháp nhằm xây dựng và phát triển văn hóa, con người Bắc Ninh phát triển toàn diện, hướng đến chân-thiện-mỹ, phù hợp với xu thế thời đại và trở thành động lực, nguồn lực cho Bắc Ninh phát triển.

Không chỉ nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, thời gian qua, tỉnh luôn chú trọng thu hẹp khoảng cách về hưởng thụ văn hóa giữa các địa phương, khu vực và đối tượng dân cư trong tỉnh. Trong 650 nghìn lao động đang làm việc tại tỉnh đã có gần 350 nghìn lao động nhập cư, chính họ là người đóng góp cho sự tăng trưởng kinh tế và phát triển của Bắc Ninh. Bên cạnh việc quan tâm đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng và hợp tình của người lao động, chúng tôi cũng luôn mong muốn lan tỏa bản sắc văn hóa và những phẩm chất tốt đẹp của con người Bắc Ninh-Kinh Bắc, để cùng nhau chung tay xây dựng Bắc Ninh ngày một văn hiến, văn minh hơn.

Với sự đồng thuận của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và người dân trong phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng văn hóa, Bắc Ninh sẽ nỗ lực cao nhất để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 20, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII đề ra.

Phóng viên: Xin cảm ơn đồng chí!