Hiện, tỉnh đã cử 4 đoàn công tác xuống các địa phương kiểm tra, thống kê; đồng thời đang huy động lực lượng, phương tiện tập trung khắc phục thiệt hại do bão gây ra.
Công ty Điện lực Quảng Nam cho biết, hệ thống điện trên địa bàn tỉnh bị hư hỏng nặng, làm mất điện trên diện rộng.
Theo thống kê, tổng số 3.997 trạm biến áp bị mất điện (chưa khôi phục), tổng số khách hàng bị mất điện hơn 437.930 khách hàng; ngã đổ trụ ăng-ten Trung tâm Truyền thanh thành phố Hội An.
Cây cối trên đường Trần Phú (thành phố Tam Kỳ) bị ngã đổ. |
Theo Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Nam, hồi 4 giờ ngày 28/9, tại thành phố Tam Kỳ có gió mạnh cấp 9, giật cấp 13.
Trong 24 giờ qua, các địa phương trong tỉnh có mưa rất to. Tổng lượng mưa các địa phương vùng núi phổ biến từ 150-180mm, các địa phương vùng đồng bằng ven biển phổ biến từ 210-250mm, có nơi trên 300mm như: Trạm Khí tượng Tam Kỳ 301mm, Đo mưa Núi Thành 348mm. Hiện, tất cả các mực nước tại các trạm thủy văn trên ở mức xấp xỉ báo động I.
Theo thông tin ban đầu, 1 nhà ở xã Tam Phú (Tam Kỳ) bị tốc mái hoàn toàn. Nhà chỉ huy, nhà ở cán bộ, chiến sĩ của Đồn Biên phòng 276 (Cù Lao Chàm) bị tốc mái hơn 50%, cây cối ngã đổ, sập hệ thống chuồng trại, tăng gia, vỡ kính sảnh trước nhà chỉ huy; Đồn Biên phòng 260 (Cửa Đại): vỡ kính sảnh trước nhà chỉ huy.
Tại đảo Cù Lao Chàm, xã Tân Hiệp, thành phố Hội An, mặc dù bão số 4 là cơn bão mạnh nhưng nhờ làm tốt công tác ứng phó nên nhìn chung thiệt hại thấp hơn so với các cơn bão vài năm trước.
Lực lượng vũ trang chặt cây ngã đổ trên đường Trần Phú (thành phố Tam Kỳ). |
Tại xã Phước Thành, huyện Phước Sơn, nước lũ đã bắt đầu dâng cao tại cầu Đăk Mét. Hiện địa phương đã chuẩn bị sẵn lương thực và lực lượng ứng cứu tại chỗ để dự phòng cho trường hợp bị cô lập dài ngày do hoàn lưu của bão số 4 gây ra.
Ủy ban nhân dân huyện Núi Thành cho biết, có 1 ghe tại xã Tam Giang (huyện Núi Thành) bị chìm; 4 tàu vận tải và 1 tàu câu mực neo đậu tại phao luồng số 19 Luồng cảng Kỳ Hà bị rê neo và mắc cạn tại khu vực luồng phao số 17 gần xã đảo Tam Hải.
Tại huyện Đông Giang, tuyến đường Hồ Chí Minh qua địa bàn huyện bị sạt lở 3 vị trí; tuyến đường ĐH5.ĐG (A Rooih-Za Hung) sạt lở đất đá ta-luy dương tại 8 vị trí, ước tính khối lượng khoảng 258m3; 1 vị trí sạt ta-luy âm dài 3,0m; tuyến đường bê tông giao thông nông thôn Gố AXanh (đường từ Tổ dân cư Gố đến đường ĐH12.ĐG) có 1 vị trí sạt lở đất ta-luy dương, khối lượng khoảng 150m3; tuyến đường giao thông nông thôn Cutchrun (đường dẫn vào điểm trường Cutchrun) bị sạt lở ta-luy âm, bê tông nền đường sụt lún đứt gãy chiều dài khoảng 80m; có dấu hiệu sạt lở toàn tuyến dài 180m. Hiện tại đã khoanh vùng cấm để giáo viên và học sinh biết, đồng thời mở lối đi nhỏ tạm thời để phục vụ việc đi lại cho giáo viên và học sinh.
Khu dân cư đường số 1 thôn Agrong, xã Atiêng; thôn Azứt, xã Bhlêê, thôn Ahu, xã Atiêng, huyện Tây Giang ngập sâu từ 0,5-1m gây thiệt hại hư hỏng đồ dùng của người dân.
Tại thành phố Tam Kỳ, nhiều cây xanh trên các tuyến đường Hùng Vương, Trần Phú, Trần Quý Cáp…đã bị ngã đổ. Sáng nay, chính quyền địa phương đã huy động lực lượng chặt cây, dọn dẹp cho các phương tiện đi lại. Hiện tại nhiều tuyến đường nội thị Tam Kỳ bị ngập nước gây ách tắc giao thông.
Do hệ thống điện bị hư hỏng, nên đến nay, khu trung tâm thành phố Tam Kỳ cũng mất điện từ khuya 28/9 vẫn chưa khắc phục được.
Tỉnh Quảng Nam cũng đã phát đi thông báo cho phép người dân lưu thông bình thường trở lại từ 6 giờ ngày 28/9. Tuy nhiên, các ngành chức năng tổ chức chốt chặn, nghiêm cấm người dân qua lại những nơi bị ngập sâu, nước chảy xiết…