Hệ thống của nhóm đạt được độ nhạy và độ chính xác hơn 80% trên bộ dữ liệu mẫu quốc tế của Viện Ung thư quốc gia Mỹ, Viện Y tế quốc gia Mỹ và bộ dữ liệu mẫu về ung thư phổi ở Việt Nam do nhóm thu thập từ Bệnh viện K. Từ nghiên cứu này, nhóm hướng tới việc tạo ra một hệ thống phần mềm nhằm bước đầu hỗ trợ bác sĩ ở các bệnh viện nâng cao hiệu quả và độ chính xác của chẩn đoán bệnh ung thư phổi.
Phát triển nhiệt kế đo nhiệt độ từ xa
Các nhà khoa học Nga đã phát triển nhiệt kế nhãn dán để truyền dữ liệu nhiệt độ cơ thể từ xa đến điện thoại thông minh. Hệ thống này gồm một nhiệt kế nhãn dán tiếp xúc với cơ thể và một ứng dụng di động hiển thị nhiệt độ. Để hệ thống hoạt động, điện thoại có ứng dụng phải ở khoảng cách không quá 50 m so với nhiệt kế nhãn dán. Thiết bị không độc hại và không chứa thủy ngân, chi phí tương đương giá của nhiệt kế hồng ngoại và có độ chính xác cao. Nhiệt kế thích hợp để sử dụng trong bệnh viện và tại nhà, tránh việc tiếp xúc gần, gây lây lan bệnh. Thành tựu mới này của các nhà khoa học Nga sẽ ra mắt trong năm tới.
Tìm ra vi khuẩn ăn nhựa
Các nhà khoa học Đức đã tìm thấy giải pháp từ vi sinh vật trong giải quyết ô nhiễm rác thải nhựa. Trong lúc khảo sát cộng đồng vi khuẩn sống trên rác thải nhựa, nhóm nghiên cứu đã xác định được một chủng vi khuẩn mới, đặt tên là Pseudomonas sp. TDA1, có khả năng phá vỡ liên kết hóa học của polyurethane (nhựa PU). Chủng vi khuẩn mới này ăn các hợp chất thiết yếu của polyurethane như là nguồn các-bon, ni-tơ và năng lượng duy nhất của chúng. Nhóm nghiên cứu hy vọng việc giải mã bộ gien của vi khuẩn sẽ tiết lộ các enzyme ngoại bào mà vi khuẩn sử dụng để kích hoạt phản ứng sinh hóa phân hủy vật chất. Nếu nghiên cứu thành công, sẽ là giải pháp làm tăng hiệu quả phân hủy polyurethane.