Hệ lụy khôn lường từ việc tự điều trị bằng thuốc nam
Ngày 30-3, khoa Cấp cứu, BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương tiếp nhận cụ bà 73 tuổi nhập viện trong tình trạng suy hô hấp, kèm theo tổn thương ở gan và thận rất nặng.
Người nhà bệnh nhân cho biết, bệnh nhân bị viêm khớp đã lâu, điều trị thuốc nam không rõ nguồn gốc kèm corticoid kéo dài. Bệnh nhân được phát hiện suy tuyến thượng thận cách đây hai tháng, bị viêm gan B không điều trị trong nhiều năm.
BS Nguyễn Viết Nam, khoa Cấp cứu, BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, bệnh nhân vào bệnh viện trong tình trạng suy hô hấp, kèm theo tổn thương ở gan và thận rất nặng. Bệnh nhân được xử trí thở ô-xy liều cao, sử dụng các thuốc ổn định chức năng gan, thận.
Cũng tại BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương, đầu tháng 3 vừa qua đã tiếp nhận một nữ bệnh nhân (Sóc Sơn, Hà Nội) còn trẻ tuổi nhưng men gan tăng cao gấp 20 lần.
Theo lời kể của người nhà bệnh nhân, ba ngày trước khi nhập viện, cô gái bị đau bụng âm ỉ cả ngày, có lúc đau quặn thành cơn, sốt. Trước đó, cô gái có uống thuốc nam suốt 20 ngày, không rõ loại thuốc và nguồn gốc thuốc vì mong mỏi có thể sinh được con trai.
Tại BV đa khoa Sóc Sơn, người bệnh được điều trị hết sốt nhưng đi ngoài phân đen kèm máu tươi. Bác sĩ chẩn đoán mắc viêm đại tràng và trĩ độ một, chuyển BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương ngày 15-3. Các xét nghiệm cho thấy cô gái có men gan cao gấp khoảng 20 lần so với bình thường và âm tính viêm gan B, C, HIV.
"Men gan của người bệnh tăng cao bất thường khả năng cao do thuốc nam. Men gan cao cũng cho thấy gan đã nhiễm độc, nếu không được điều trị kịp thời sẽ dẫn tới vàng da, vàng mắt, suy gan", bác sĩ điều trị cho biết. Hiện, người bệnh đã được phẫu thuật cắt ruột thừa, men gan cao đã giảm một nửa sau gần nửa tháng điều trị.
Trước đó không lâu, BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương cũng đã tiếp nhận nam bệnh nhân 63 tuổi (ở Sóc Sơn, Hà Nội) trong tình trạng tụt huyết áp, suy đa tạng kèm theo suy thận.
Được biết, bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường và huyết áp đã 20 năm. Tuy nhiên, bệnh nhân không đi khám mà tự mua thuốc tiểu đường dạng viên bột về nhà uống. Loại thuốc mà bệnh nhân sử dụng có một gói là thuốc paracetamol, một gói là phenformin điều trị tiểu đường bị cấm từ lâu. Lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người dân, nhiều người đã trà trộn, mạo danh thuốc đông y để bán ra thị trường.
Ghi nhận tại khoa Phẫu thuật nhiễm khuẩn - Chăm sóc vết thương, BV Hữu nghị Việt Đức, trong vòng 20 ngày vừa qua, khoa đã tiếp nhận liên tiếp hai ca bệnh đến từ vùng núi cao, nhiễm trùng hoại tử da nặng sau khi tự ý sử dụng thuốc nam.
Ca bệnh đầu tiên là trường hợp bệnh nhân Giàng A T. (Nam, 28 tuổi), dân tộc H'Mông (Trạm Tấu, Yên Bái). Trong một lần đi rừng do côn trùng đốt làm sưng tấy đùi, T. không đi bệnh viện để khám mà lấy thuốc nam đắp. Không lâu sau, vết thương lan rộng hoại tử da từ đùi lan đến bẹn và bìu, hoại tử lộ cả tinh hoàn.
Khi đến BV Hữu nghị Việt Đức, bệnh nhân đã lơ mơ, xét nghiệm có dấu hiệu suy gan, thận và gia đình đã có ý định xin cho bệnh nhân về nhà. Sau khi hội chẩn và giải thích cho người nhà, người bệnh nhanh chóng được phẫu thuật trong cấp cứu cắt lọc rộng rãi, lấy bỏ tổ chức hoại tử, cầm máu, để hở vết thương. Sau mổ ngoài hồi sức, truyền dịch, kháng sinh mạnh. Dự kiến người bệnh sẽ tiếp tục còn trải qua vài lần phẫu thuật cắt lọc, khép da và tạo hình da vùng bìu.
Ca bệnh thứ 2 là trường hợp bệnh nhân Hà V T. (Nam, 57 tuổi) ở Thanh Sơn, Phú Thọ. Cách đây một tuần, ông T có nhọt nhỏ ở vùng nách bên trái. Bệnh nhân đã tự ý ở nhà đắp thuốc nam. Từ một nhọt nhỏ, cả vùng và ngực bên trái của bệnh nhân đã bị viêm tấy lan tỏa và hoại tử. Các bác sĩ BV Hữu nghị Việt Đức đã cắt lọc, để hở vết thương, dùng kháng sinh mạnh và thay băng thường xuyên bằng những băng đặc biệt cho bệnh nhân.
Người dân vẫn bỏ ngoài tai lời cảnh báo
Trung bình một tháng, BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương tiếp nhận khoảng 20 bệnh nhân nhập viện vì tự ý sử dụng các loại thuốc nam không rõ nguồn gốc. Tình trạng này cũng diễn ra nhiều tại các bệnh viện chuyên khoa về nội tiết.
Mặc dù các phương tiện thông tin đại chúng liên tục đưa ra khuyến cáo các hậu quả đáng tiếc về việc sử dụng thuốc đông y không rõ nguồn gốc nhưng vì tin theo các lời quảng cáo trên mạng xã hội, nhiều người đã sử dụng các sản phẩm được cho là “lành” này một cách tràn lan. Kết quả là bệnh khỏi đâu chưa thấy, mà đã phải lâm vào cảnh “tiền mất tật mang”.
Theo BS Nam, thuốc nam ở các cơ sở chính thống, gia truyền từ xưa được Bộ Y tế cấp phép thì rất tốt. Tuy nhiên cũng có cơ sở không rõ nguồn gốc, trôi nổi, quảng cáo tràn lan trên mạng thì người dân tuyệt đối không nên sử dụng có thể ảnh hưởng đến tính mạng. Người bệnh nên đi khám ở các cơ sở uy tín, được Bộ Y tế cấp phép để các bác sĩ theo dõi sát tình trạng bệnh của mình. Bên cạnh đó, người bệnh sau khi điều trị các triệu chứng đã ổn định cần thăm khám định kỳ theo lịch hẹn của bác sĩ.
"Việc sử dụng thuốc nam "trôi nổi" rất nguy hiểm. Khi vào cơ thể, thuốc được đào thải qua gan và qua thận. Nếu có những thành phần độc hại, thuốc sẽ làm tổn thương gan, thận, có thể gây suy gan, suy thận, có thể tử vong. Các thuốc nam được pha trộn dễ dàng cho người bệnh sử dụng, giảm triệu chứng nhanh hơn thuốc tây. Sau đó, khi bị các tác dụng phụ của thuốc, người bệnh mới phải nhập viện trong tình trạng nặng", BS Nguyễn Viết Nam nói.
Đặc biệt, BS Nam cảnh báo, bệnh nhân đái tháo đường không nên tự ý sử dụng các loại thuốc không rõ nguồn gốc, xuất xứ, thành phần vì có thể thuốc đã được trộn các chất cấm, có hại cho cơ thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm và đáng tiếc.