Hậu Giang tập trung phát triển hạ tầng giao thông

Thời gian qua, từ nhiều nguồn vốn, tỉnh Hậu Giang đã tập trung phát triển hạ tầng giao thông. Nhiều tuyến đường liên tỉnh, nội tỉnh được đầu tư, mở rộng, hình thành mạng lưới giao thông kết nối liên hoàn, đáp ứng nhu cầu giao thương hàng hóa, tạo nền tảng, động lực phát triển kinh tế-xã hội của địa phương và khu vực.
Cao tốc Cần Thơ-Hậu Giang được các nhà thầu triển khai thi công. (Ảnh MỸ LỆ)
Cao tốc Cần Thơ-Hậu Giang được các nhà thầu triển khai thi công. (Ảnh MỸ LỆ)

Hệ thống giao thông thuận tiện cùng nhiều chính sách thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp đã giúp tăng giá trị công nghiệp, đóng góp lớn vào tăng trưởng kinh tế của Hậu Giang trong những năm gần đây. Trong đó, vốn đầu tư công thực sự đóng vai trò dẫn dắt, là "vốn mồi" để thu hút tối đa các nguồn lực từ các thành phần kinh tế khác theo phương châm "đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư".

Kết nối liên hoàn

Với chủ trương giao thông phải đi trước "mở đường", Hậu Giang đã tận dụng nhiều nguồn lực, từ nguồn vốn ngân sách trung ương, địa phương, vốn vay, huy động xã hội hóa trong dân và các doanh nghiệp… để từng bước phát triển đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông.

Nhờ vậy, mạng lưới đường quốc lộ từ hai tuyến với chiều dài khoảng 80 km, nay đã tăng thành sáu tuyến với chiều dài 158 km. Tất cả đều được mở rộng, cơ bản kết nối tỉnh Hậu Giang với các địa phương trong vùng, giữ vai trò trọng yếu là các trục đường đối ngoại của tỉnh.

Mạng lưới đường tỉnh của Hậu Giang trước đây chỉ có bảy tuyến, chiều dài khoảng 88 km, nay đã tăng lên 15 tuyến với chiều dài 267 km. Hiện, tổng số 51 xã trên địa bàn tỉnh đã có đường ô-tô về đến trung tâm. Ngoài ra, còn có hơn 3.400 km đường đô thị, đường xã, đường giao thông nông thôn… được đầu tư nâng cấp, tăng gần 15 lần so với trước khi chia tách tỉnh.

Hiện nay, mật độ đường quốc lộ trên địa bàn tỉnh Hậu Giang cao gấp 1,46 lần; mật độ đường tỉnh cao gấp 1,52 lần so với mật độ trung bình của vùng Ðồng bằng sông Cửu Long. Qua đó, tạo nên một mạng lưới kết cấu hạ tầng giao thông rộng khắp trên toàn địa bàn tỉnh, từng bước đáp ứng nhu cầu giao thương hàng hóa, tạo nền tảng, động lực phát triển kinh tế-xã hội của địa phương và khu vực.

Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Hậu Giang Mai Văn Tân cho biết, trong giai đoạn từ năm 2010 đến nay, tỉnh đã đẩy nhanh tiến độ xây dựng và khánh thành nhiều công trình kết nối với các tỉnh, thành phố trong khu vực. Dự án đường nối thành phố Vị Thanh với thành phố Cần Thơ (giai đoạn 1) hoàn thành vào tháng 5/2012 đã rút ngắn khoảng cách từ tỉnh lỵ Hậu Giang đến trung tâm thành phố Cần Thơ còn 47 km, giảm 15 km nếu đi theo Quốc lộ 61. Dự án giao thông Bốn Tổng-Một Ngàn kết nối Hậu Giang-Cần Thơ-An Giang được triển khai nhanh và sớm đưa vào sử dụng. Hai tuyến giao thông này đánh dấu mốc khai phá mở đường, tạo tiền đề phát triển, trở thành trục hành lang kinh tế, kết nối liên vùng giữa Hậu Giang, Cần Thơ, Kiên Giang, An Giang. Dọc các tuyến đường này đã hình thành và phát triển những nhà máy, xí nghiệp, khu đô thị mới. Ðồng thời, tỉnh sớm đầu tư xây dựng cầu Cái Tư, nối đôi bờ Hậu Giang-Kiên Giang; tuyến Quản Lộ-Phụng Hiệp kết nối thành phố Ngã Bảy với các tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau; ưu tiên đầu tư dự án Ðường tỉnh 927C (kinh phí gần 1.000 tỷ đồng) kết nối Quốc lộ 1A với Quốc lộ Nam sông Hậu, tạo sức hút mạnh mẽ, kết nối với các khu công nghiệp dọc theo sông Hậu.

Ðể tạo động lực phát triển liên vùng Vị Thanh-Long Mỹ, Hậu Giang đã đầu tư hơn 800 tỷ đồng cho dự án Ðường tỉnh 931B kết nối thành phố Vị Thanh với huyện Long Mỹ và huyện Hồng Dân (Bạc Liêu).

Cùng với đó, tỉnh nâng cấp Ðường tỉnh 925, kết nối huyện Châu Thành với Quốc lộ 1A và Quốc lộ Nam sông Hậu, làm tiền đề quy hoạch huyện Châu Thành là huyện công nghiệp của tỉnh. Một số tuyến đường tỉnh trọng điểm như 925B, 926B, 929, mở rộng Ðường tỉnh 927… cũng đang được triển khai mạnh mẽ.

Phát huy vai trò dẫn dắt của đầu tư công

Theo Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang Ðồng Văn Thanh, đến nay, các khu, cụm công nghiệp của tỉnh đã thu hút được 113 dự án với tổng số vốn đầu tư 37.608 tỷ đồng và 617 triệu USD; giải quyết việc làm cho 33.854 lao động. Năm 2023, giá trị sản xuất công nghiệp đạt 63.876 tỷ đồng, chiếm hơn 84,51% cơ cấu khu vực II và gần 31,53% cơ cấu kinh tế của tỉnh. Các lĩnh vực kinh tế khác cũng gia tăng giá trị nhờ hệ thống giao thông phát triển. Năm 2023, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng 12,27%, xếp thứ nhất vùng Ðồng bằng sông Cửu Long, là năm thứ hai liên tiếp Hậu Giang xếp thứ nhất vùng và thứ hai cả nước (năm 2022 xếp thứ tư). Sáu tháng đầu năm 2024, tăng trưởng GRDP của Hậu Giang đạt 8,04%, đứng thứ hai vùng Ðồng bằng sông Cửu Long, xếp ở nhóm cao cả nước. Kết quả này cho thấy, vốn đầu tư công trong phát triển hạ tầng giao thông thật sự đóng vai trò dẫn dắt, là "vốn mồi" để thu hút tối đa các nguồn lực từ các thành phần kinh tế khác theo phương châm "đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư". Hiện nay, hệ thống quốc lộ trên địa bàn tỉnh đã được đầu tư mở rộng, hệ thống đường nội tỉnh cơ bản kết nối thuận lợi với mạng lưới quốc lộ và giữa các địa phương trong tỉnh. Các khu, cụm công nghiệp được đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông hoàn chỉnh, cơ bản đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân và nhu cầu phát triển kinh doanh của doanh nghiệp.

Hai tuyến đường cao tốc Cần Thơ-Cà Mau (trục dọc) và Châu Ðốc-Cần Thơ-Sóc Trăng (trục ngang), đoạn đi qua Hậu Giang có tổng chiều dài khoảng 100 km đang được triển khai thi công, được xem là cơ hội phát triển mới cho Hậu Giang nói riêng và vùng Ðồng bằng sông Cửu Long nói chung.

Ðể khai thác lợi thế của hai tuyến đường cao tốc này, trong quy hoạch của tỉnh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Hậu Giang có sẽ có bảy khu công nghiệp với tổng diện tích 2.200 ha (kể cả hai khu công nghiệp với diện tích 490 ha đã được đầu tư).

"Trên cơ sở quy hoạch này, Hậu Giang sẽ tiếp tục tăng nguồn lực đầu tư phát triển, phát huy tối đa hiệu quả vai trò dẫn dắt của đầu tư công. Việc bố trí vốn đầu tư công phải tập trung, có trọng tâm, trọng điểm, nhất là đầu tư hạ tầng giao thông kết nối với các tuyến đường cao tốc, tuyến quốc lộ, tạo ra không gian phát triển mới, kiến tạo động lực đột phá cho phát triển công nghiệp, đô thị, thương mại, dịch vụ", Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang Ðồng Văn Thanh cho biết thêm.

Hậu Giang đang tập trung rà soát, triển khai các công trình giao thông trọng điểm để tăng cường khả năng đáp ứng nhu cầu vận tải đa phương tiện của hệ thống giao thông trên địa bàn, tạo nền tảng, sức lan tỏa cho phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.

Tỉnh sẽ tiếp tục ưu tiên đầu tư hạ tầng giao thông kết nối với các tuyến đường cao tốc, tuyến quốc lộ, hạ tầng giao thông các tuyến đường liên vùng, các tuyến đường tỉnh, đường huyện và liên xã; phát triển đồng bộ giữa hai phương thức vận tải là giao thông đường bộ và đường thủy, có tính liên kết cao để hỗ trợ và phát triển...