Đây là dịp để toàn xã hội bày tỏ tình cảm trân trọng, tấm lòng biết ơn đối với người cao tuổi; đồng thời cũng khẳng định trách nhiệm chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi phù hợp những giá trị truyền thống và thời đại.
Phát huy truyền thống đạo lý tốt đẹp của dân tộc, Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm, coi trọng và dành nhiều nguồn lực cho công tác chăm sóc người cao tuổi, để người cao tuổi được tôn vinh, được chăm sóc tốt nhất trong điều kiện có thể. Đồng thời luôn phát huy uy tín, kinh nghiệm, trí tuệ của người cao tuổi, tất cả vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Điều này thể hiện rõ từ Hiến pháp đến Luật Người cao tuổi và các văn bản hướng dẫn dưới Luật đã ngày càng hoàn thiện, phục vụ cho công tác chăm sóc, phát huy vai trò người cao tuổi. Từ đó, chất lượng cuộc sống, tuổi thọ của người cao tuổi ở nước ta ngày càng được nâng lên, tuổi thọ trung bình của dân số cả nước hiện tại là 73,6 tuổi, riêng tỉnh Hậu Giang là 75 tuổi.
Theo bà Hồ Thu Ánh, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang, trong những năm qua, công tác chăm lo cho người cao tuổi luôn được các cấp, các ngành và xã hội quan tâm. Hằng năm, các cấp trong tỉnh tổ chức họp mặt, các đoàn đến thăm hỏi, chúc thọ, mừng thọ, tặng quà nhân Tháng hành động vì người cao tuổi Việt Nam, Tết Nguyên đán; lập sổ theo dõi sức khỏe; tổ chức khám sức khỏe định kỳ, cấp thuốc miễn phí; khám sàng lọc, phẫu thuật mắt thay thủy tinh thể, xây dựng nhà ở…, với tổng kinh phí hơn 10 tỷ đồng.
Tặng quà cho người cao tuổi. |
Bên cạnh những kết quả đạt được, là sự trăn trở, lo toan của các cấp, các ngành và xã hội khi toàn tỉnh còn hơn 7.500 người cao tuổi thuộc hộ nghèo, cận nghèo, có hoàn cảnh rất khó khăn, dù tuổi cao, sức yếu, nhiều bệnh tật nhưng vẫn phải mưu sinh kiếm sống hằng ngày, nhà cửa dột nát nhưng không có đất để xây dựng nhà mới. Vẫn còn không ít người cao tuổi không được người thân, gia đình kính trọng, hiếu thảo, chăm sóc, nuôi dưỡng. Gần 1.740 người cao tuổi không có thẻ bảo hiểm y tế.